Sinh viên vất vả với tiếng Anh

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Nhiều trường ĐH áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh, tuy nhiên số sinh viên không đạt chuẩn còn nhiều, trong khi doanh nghiệp vẫn phàn nàn vì năng lực ngoại ngữ của sinh viên quá yếu

Năm đầu tiên Trường ĐH Luật TPHCM áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC đối với sinh viên (SV) khóa 2008-2012, tuy nhiên, đợt đầu chỉ 634/1.099 SV đạt chuẩn tiếng Anh để được cấp bằng cử nhân luật (đạt tỉ lệ 57,68%), còn 456 SV vẫn chưa được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng vì không đạt chuẩn.


“Treo bằng” vì ngoại ngữ

Ông Ngô Đức Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho biết chuẩn đầu ra tiếng Anh trường áp dụng là TOEIC 450-600 tùy từng chuyên ngành. Tuy nhiên, do mặt bằng trình độ tiếng Anh của SV không đồng nhất nên kết quả chưa như mong đợi. Đến thời điểm hiện nay, có thêm khoảng 10% SV đạt chuẩn so với đợt đầu tiên, tuy nhiên, với tỉ lệ trên 30% chưa được tốt nghiệp do chưa đạt chuẩn là cao hơn nhiều so với các năm trước không áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh.


Ông Võ Đình Phước, Trưởng Ban Ngoại ngữ Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cũng thông tin trường áp dụng chuẩn đầu ra TOEIC 450 cho SV tốt nghiệp được 2 khóa, tỉ lệ SV đạt khoảng 70%-80%. Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện áp dụng 2 chuẩn ngoại ngữ là chuẩn TOEIC 400-450 (theo ngành học) và chuẩn bằng C cho hệ ĐH. Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho biết vẫn còn nhiều SV chưa bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ nên trường chỉ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho đến khi sinh viên đạt chuẩn mới xét cấp chứng nhận tốt nghiệp chính thức.


916194-11chot-c8b2d.jpg
Trong giờ học ngoại ngữ của sinh viên Trường ĐH KHXH - NV TPHCM_Ảnh: TẤN THẠNH
Hiện nay, các trường ĐH đặt mức chuẩn đầu ra tiếng Anh khác nhau, trung bình ở mức TOEIC 450, tuy nhiên, cũng có trường chỉ đặt mức TOEIC 300-400. Theo một chuyên gia của TOEIC, mức độ cao nhất của TOEIC là 990 điểm, như vậy mức 450 điểm chỉ ở mức trung cấp. “Bốn năm học ĐH mà đặt tiêu chuẩn đầu ra như vậy là còn thấp. Theo tôi phải ở mức 600-700 điểm thì SV mới có thể đáp ứng được yêu cầu mức trung bình của doanh nghiệp” - chuyên gia này nói.


Đại diện nhiều trường cho rằng dù đặt chuẩn đầu ra tiếng Anh ở mức không cao nhưng chưa nhiều SV đạt được, cho thấy việc đào tạo tiếng Anh chưa thật sự hiệu quả. Theo ông Ngô Đức Tuấn, tại các kỳ thi xếp lớp tiếng Anh đầu vào, có những SV chỉ đạt điểm 70-80/990, do vậy đào tạo tiếng Anh cho các lớp SV có khả năng chênh lệch nhau là một điều không dễ.

Ông Phạm Thái Sơn cho biết khi trường mở lớp bồi dưỡng, tăng cường tiếng Anh thì chỉ có khoảng 25% SV đăng ký học; hiện SV vẫn chưa ý thức việc học tiếng Anh là rất cần thiết cho công việc sau này nên vẫn còn thờ ơ. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng thời gian đào tạo môn tiếng Anh trong các trường ĐH hiện nay còn rất ít. Qua tìm hiểu tại một số trường, chương trình đào tạo tiếng Anh hiện chỉ 10-12 tín chỉ/4 năm học, tương đương với 150-180 tiết. Trong khi đó đào tạo cho SV đạt trình độ TOEIC 450 cần đến trên 400 tiết.


Khó đạt theo chuẩn mới

Bộ GD-ĐT đã ban hành “Kế hoạch triển khai đề án ngoại ngữ 2020 trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2020”, triển khai từ năm học 2011-2012. Theo đó, đối với các ngành học không chuyên ngữ, sau khi tốt nghiệp, SV phải đạt trình độ tối thiểu tương đương cấp độ B1 theo Khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu (Common European Framework of Reference for Languages - CEFR). Hiện nhiều trường triển khai chuẩn đầu ra này, tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn.


Theo ông Đào Đức Tuyên, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, chuẩn đầu ra B1 áp dụng cho SV tốt nghiệp ĐH là phù hợp, không thấp và cũng không cao, giúp SV có thể sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, ông Tuyên nhận định với số tín chỉ dành cho môn tiếng Anh hiện nay là 10, tương đương 150 tiết học tại lớp, không đủ để giúp SV đạt chuẩn đầu ra B1. Thực tế các kỳ thi đầu ra theo chuẩn B1 đang quá sức với SV khi chỉ khoảng 30% SV của trường đạt.


Ông Phạm Thái Sơn cho rằng chuẩn B1 mới đưa vào Việt Nam nên còn rất lạ lẫm, để giảng viên, SV tiếp cận chương trình này cần nhiều thời gian. Ngoài ra, giáo trình, tổ chức thi, ra đề thi theo chuẩn này thực hiện như thế nào cần phải được nghiên cứu, hướng dẫn thêm nên phải đến năm 2014 trường mới có thể áp dụng.


Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng đang trong quá trình triển khai chuẩn đầu ra B1. Tuy nhiên, do còn nhiều bất cập nên trường vừa có thông báo không bắt buộc SV các ngành không chuyên ngữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 để được xét tốt nghiệp năm học 2012-2013. Trường chỉ khuyến khích SV không chuyên ngữ đăng ký thi B1 để khẳng định năng lực.


Nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh

Tại hội thảo về “Đối sách chuẩn đầu ra theo nhu cầu doanh nghiệp”, do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp phàn nàn khả năng ngoại ngữ của SV quá kém, cản trở rất nhiều đến khả năng tiếp cận công việc.


Theo ông Đào Đức Tuyên, để cải thiện trình độ tiếng Anh của SV, cần tính toán để nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh; các trường cần tổ chức kiểm tra phân loại trình độ đầu vào của SV để bố trí các lớp và chương trình học phù hợp, không nên áp dụng một chương trình chung cho tất cả SV; thiết kế chương trình học phù hợp với chuẩn đầu ra mà trường chọn; có biện pháp khuyến khích phong trào học tiếng Anh trong SV như tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh, SV hát bằng tiếng Anh…
Nguồn : nld.com.vn
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top