Tam giác hùng biện là gì?

Linh Nhi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2015
Bài viết
1.309
tai-xuong-1-.jpg

Bạn đã từng trải qua cảm giác trái tim như chùng xuống mỗi khi được yêu cầu phải chuẩn bị tài liệu hay phải thuyết trình trước đám đông hay chưa?

tam-giac.png

Nếu đúng là vậy, đừng lo lắng bởi bạn không phải là người duy nhất. Rất nhiều người gặp khó khăn khi phải truyền tải ý tưởng và suy nghĩ qua lời nói hay câu chữ. Đó là một kỹ năng đặc biệt mà bạn cần phải học hỏi và luyện tâp. Và, trừ phi bạn may mắn vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, nếu không thì kĩ năng này, đặc biệt là kỹ năng viết có lẽ đã bị rơi rụng gần hết rồi.

Giờ đây, với xu thế là sử dụng email để làm việc với những người ở cách xa bạn có khi cả nửa vòng Trái Đất, việc trau dồi kĩ năng truyền đạt rõ ràng, thuyết phục lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xu thế này tách bạch hẳn với việc giao tiếp trực tiếp, một đối một bởi giờ đây người ta không cần phải gặp mặt nhau khi cùng làm việc nữa

Có lẽ vấn đề lớn nhất khi viết là bạn thường không có cơ hội thứ hai để nói lên quan điểm của mình với một cách khác. Lời bạn viết ra giống như viên đạn đã lên nòng. Bạn chỉ được bắn một phát súng duy nhất mà thôi, và một khi đã bóp cò, bạn chẳng thể nào có cơ hội sửa chữa sai lầm nữa. Khi người đọc đã quay lưng lại với bạn rồi, rất khó để thuyết phục họ quay trở lại. Đây là lý do tại sao bạn cần phải chọn lựa từ ngữ cẩn thận, và trình bày luận điểm của mình với giọng điệu, hình thức và trình tự phù hợp nhất với thông điệp mà bạn muốn gửi đi.

Tam giác hùng biện là một công cụ hữu hiệu để trình bày những suy nghĩ và quan điểm của bạn. Trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu xem công cụ này có thể giúp cải thiện kỹ năng viết của bạn như thế nào nhé

THUẬT HÙNG BIỆN
Thuật hùng biện là một nghệ thuật cổ xưa khi một người sử dụng ngôn từ để thuyết phục người nghe. Nếu bạn sử dụng tốt kỹ năng này, người nghe sẽ dễ dàng hiểu những gì bạn đang nói, và sẽ bị ảnh hưởng bởi thông điệp của bạn.

Chỉ cần dành thời gian tìm hiểu các lập luận trong hùng biện được cấu thành, sắp xếp và trình bày như thế nào, bạn hoàn toàn có thể cải thiện kỹ năng viết của mình, và truyền tải điều mình muốn nói cực kỳ rõ ràng và hiệu quả.

Ngày nay, thuật ngữ "hùng biện" dùng để chỉ việc đưa ra những lập luận nhằm che khuất sự thật. Do đó, nó lại trở thành một từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực (đến nỗi câu nói "Tất cả những lời chính trị gia nói ra đều là những lời hùng biện" đã trở nên quá phổ biến với công chúng). Tuy nhiên, chúng ta sẽ không khai thác sắc thái ngữ nghĩa này của từ “hùng biện” khi nói về Tam giác hùng biện.

Áp dụng các nguyên tắc của thuật hùng biện sẽ giúp bạn xây dựng được hệ thống lập luận giúp người nghe/ người đọc ngay lập tức hiểu được ý chính bạn muốn truyền tải. Với Tam giác hùng biện, ta tập trung vào ba yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến một lập luận:

  1. Tác giả
  2. Khán giả
  3. Ngữ cảnh
Ba yếu tố này tạo thành ba điểm của Tam giác hùng biện:

tam-giac.png



Theo phương pháp này, ba yếu tố kể trên mang tính quyết định tới sự thành công cho các lập luận của bạn. Bài viết, bài nói của bạn - hay bất cứ hình thức giao tiếp nào khác - đều cần xem xét cả 3 yếu tố này.

TÁC GIẢ
Cho dù có chủ ý hay không, người đọc hay người nghe đều muốn biết động cơ đằng sau việc bạn truyền tải một thông tin là gì. Nếu bạn không làm rõ lí do tại sao bạn đang đưa đến thông tin, một số người sẽ cho rằng bạn đang vòng vo, không hoàn toàn thẳng thắn và thậm chí đang cố che giấu điều gì. Họ có thể tự hỏi:

  • Bạn chỉ đơn thuần đang cung cấp thông tin?
  • Hay bạn đang cố gắng dạy cho họ một kiến thức nào đó?
  • Bạn muốn kêu gọi hành động?
  • Hay bạn đang cố gắng thuyết phục mọi người thay đổi quan điểm hoặc giữ vững niềm tin của họ?
  • Bạn đang trình bày ý tưởng để giải quyết một vấn đề hay đưa ra để phân tích?
  • Hay bạn chỉ đang cố gắng khiến mọi người vui vẻ?
Cái cách một người nhìn nhận bạn sẽ quyết định đến sức nặng của lời bạn nói ra (hoặc viết ra). Theo triết gia Aristotle, điều này chính là yếu tố ethos (uy tín) trong giao tiếp. Nếu họ không thích bạn, không tin bạn, thì làm sao họ chịu ngồi yên nuốt trôi những gì bạn viết hay nói? Độc giả muốn biết mình đang đối diện với một người như thế nào. Vì vậy, hãy làm rõ:

  • Bạn là ai
  • Bạn có “trình” gì để nói chuyện về vấn đề này
  • Tại sao bạn có đủ thẩm quyền lên tiếng hay viết về vấn đề này
Khán giả cũng sẽ cố gắng tìm ra động cơ của bạn; tìm hiểu giả định bạn đặt ra và những gì bạn tin tưởng. Thông tin này giúp họ xác định xem bạn có phải là người đáng tin hay không và rằng bạn có chân thành hay không.

KHÁN GIẢ
Khi bạn giao tiếp, dù bằng văn bản hay lời nói, bạn cần phải hiểu đối tượng mình nhắm tới là ai. Có như vậy thì bạn mới biết khi nào thì tránh sử dụng những từ chuyên môn khi nói chuyện với những người không chuyên về lĩnh vực đó, hoặc tìm cách truyền tải nội dung một cách đơn giản và thú vị nếu người nghe gồm toàn những chuyên gia. Những điều cần xem xét ở đây bao gồm:

  • Kỳ vọng của khán giả là gì?
  • Họ sẽ sử dụng những thông tin bạn cung cấp như thế nào?
  • Những điều khán giả hy vọng sẽ nhận được sau khi đọc/nghe là gì?
  • Tại sao ngay từ đầu bạn lại lựa chọn giao tiếp với những khán giả này?
Yếu tố này của tam giác hùng biện nhấn mạnh vào việc khơi gợi cảm xúc của khán giả, hay còn gọi là yếu tố gây rung động lòng người (pathos – tiếng Hy Lạp, theo Aristotle). Lời bạn nói cần chạm đến cảm xúc của các khán giả, và hãy tự hỏi bản thân:

  • Cảm xúc bạn muốn gợi lên là gì? Sự sợ hãi, niềm tin, lòng trung thành, v.v?
  • Những điều mà người nghe hằng tin tưởng ăn nhập với thông điệp bạn truyền tải như thế nào?
Kết nối với các khán giả bằng cách tác động đến cảm xúc của họ là một phương thức hữu hiệu giúp người nghe đứng về phía bạn.

NGỮ CẢNH
Người đọc thì chú ý đến ngữ cảnh, trong khi người nghe quan tâm tới hoàn cảnh giao tiếp.

  • Trước khi bạn thuyết trình, có sự kiện nào xảy ra không?
  • Bạn sử dụng những kiểu lập luận nào?
  • Chúng có tính logic và đã được suy tính cẩn thận chứ?
  • Chúng được truyền tải như thế nào?
  • Tài liệu đến tay người đọc hay bài phát biểu được truyền tải tới người nghe ở đâu?
  • Những thông tin này có thực sự cần thiết?
Điều quan trọng ở đây là tính logic và chinh phục khán giả bằng dẫn chứng (theo Aristotle thì yếu tố này gọi là "logos") để lời bạn nói hay viết ra trở nên đáng tin cậy và thuyết phục. Hãy tự hỏi bản thân:

  • Tôi đã trình bày một lập luận có cấu trúc hợp lý, logic chưa?
  • Làm thế nào để hỗ trợ cho các luận điểm của tôi?
  • Bằng chứng tôi có là gì?
  • Các luận điểm phản biện là gì?
Để đạt được hiệu quả và mang tính thuyết phục cao, cách truyền tải thông tin của bạn phải thỏa mãn tiêu chí của cả 3 yếu tố trong Tam giác hùng biện. Lập luận cảm tính sẽ chẳng bao giờ bền lâu. Tương tự, nếu bạn chỉ trưng ra những dẫn chứng và số liệu khô khan, khán giả sẽ chẳng có hứng thú gì với thông tin bạn đưa ra và cũng không nhìn thấy mối liên hệ nào giữa những mối quan tâm của họ và nội dung bạn truyền tải. Cuối cùng, cứ cho như bạn là người đáng tin nhất quả đất, nhưng nếu những gì bạn nói hay viết ra nghe chẳng hợp lý chút nào, hay lập luận bạn đưa ra không có tính logic, người khác sẽ lưu ấn tượng về bạn là một kẻ không đáng tin cậy trong một thời gian khá lâu đấy

SỬ DỤNG TAM GIÁC HÙNG BIỆN
Khi chuẩn bị một bài viết, bài nói hoặc bài thuyết trình, trước hết bạn cần đáp ứng các tiêu chí của cả 3 yếu tố của Tam giác hùng biện để thông tin bạn truyền tải đạt được hiệu quả thuyết phục khán giả cao nhất.

Bước Một

Bạn cần phải tính đến việc uy tín của mình ảnh hưởng đến lời mình nói ra như thế nào. Nếu bỏ qua bước này, nhiều khả năng khán giả của bạn sẽ không bị thuyết phục. Hãy giải tỏa nỗi băn khoăn trong lòng khán giả, “Nguồn thông tin tôi đang nghe hay đang đọc này có đáng tin cậy hay không?" Để làm được điều này, hãy tự hỏi bản thân:

  • Mục đích giao tiếp của bạn là gì?
    • Kêu gọi hành động?
    • Để cung cấp thông tin?
    • Để giáo dục?
    • Để thuyết phục hoặc thay đổi một quan điểm?
    • Để trình bày ý tưởng?
    • Để giải trí?
  • Bạn trình bày với tư cách gì?
    • Hãy xác định bạn là ai và tiết lộ những thành kiến, niềm tin, giá trị và giả định của bạn cho phù hợp
    • Hãy giải thích chuyên môn của bạn có được từ đâu?
    • Hãy sử dụng những bằng chứng chuyên môn
    • Hãy cho thấy bạn là người có thẩm quyền để trình bày thông tin đó
Bước Hai

Hãy tìm hiểu kĩ về khán giả của bạn; nếu không, rất có thể khán giả sẽ cảm thấy những nội dung bạn truyền tải chẳng liên quan gì tới họ cả, hoặc tệ hơn là họ không có chút hứng thú nào. Hãy lôi kéo tình cảm của họ vào những thời điểm thích hợp và trả lời câu hỏi của khán giả, "Có phải người này đang cố gắng tẩy não tôi?"

  • Khán giả của tôi là ai?
    • Kỳ vọng của họ là gì?
    • Tại sao họ đang đọc/lắng nghe tôi?
    • Họ sẽ sử dụng những tài liệu này như thế nào?
    • Tôi muốn họ nhận được những gì?
  • Làm thế nào tôi có thể kết nối với cảm xúc của họ?
    • Tôi muốn gợi lên từ họ những cảm xúc gì?
    • Tôi nên sử dụng những giai thoại hay những câu chuyện cá nhân tôi?
Bước Ba

Bạn cần xem xét đến ngữ cảnh truyền tải thông điệp và hãy chắc chắn rằng mình đã đưa ra các dẫn chứng logic, hợp lý nhất có thể. Hãy trả lời thay cho câu hỏi của khán giả, "Bài thuyết trình này có logic hay không nhỉ?"

  • Tôi sẽ trình bày bài thuyết trình như thế nào?
    • Tôi sẽ sử dụng kiểu lập luận gì?
    • Tôi sẽ hỗ trợ lập luận của mình bằng cách nào? Bằng số liệu thống kê? Hay bằng những quan sát của tôi?
    • Tôi sẽ sử dụng giọng điệu nào, trang trọng hay không trang trọng?
    • Tôi sẽ truyền tải thông điệp với cách thức như thế nào?
  • Các vấn đề liên quan
    • Tôi cần phải cung cấp những thông tin chung nào?
    • Tôi cần làm gì để chắc chắn rằng các luận điểm của tôi là rõ ràng, mạch lạc?
    • Tôi có nên đưa luận điểm phản biện vào và sau đó lại bác bỏ?
    • Liệu các phương pháp của tôi có phù hợp với thông điệp cần truyền đạt?
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
Thuyết phục bất kì ai, dù bằng lời nói hay câu chữ, đều chẳng hề đơn giản chút nào. Tuy nhiên, một khi áp dụng các nguyên tắc của thuật hùng biện trong bước lập kế hoạch ban đầu, cơ hội thành công trong việc truyền tải thông tin của bạn sẽ gia tăng đáng kể.

Khán giả cần chắc như đinh đóng cột rằng bạn là người đáng tin; là người hiểu họ và biết họ muốn gì; và họ muốn nghe các lập luận logic. Đây là ba trụ cột của Tam giác hùng biện, và ai cũng phải tính đến những yếu tố này để đưa ra lập luận, lí lẽ hiệu quả.

Hãy chắc chắn rằng thông điệp của bạn dung hòa được cả 3 yếu tố này. Có vậy thì thông điệp bạn truyền tải mới dễ hiểu, dễ được đón nhận và quan trọng hơn là người nghe hiểu đúng những gì bạn muốn nói. Khi bạn chịu tìm hiểu xem làm thế nào để truyền tải thông điệp mà đáp ứng được tất cả yếu tố này, bạn đã đi trước khán giả một bước trước khi họ mở lời nói lên mối quan tâm của mình.

Theo SAGA​
 
×
Quay lại
Top