Tết ấy, có những sinh viên không về quê…

Sun Glare

Tân Sinh Viên
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/6/2009
Bài viết
2.855
45 năm trước, cũng vào những ngày Tết Nguyên đán, có nhiều người trẻ vừa hồi hộp vừa náo nức chờ đợi đến giờ G.
Đó không phải là thời điểm bắn pháo hoa hay khai mạc các lễ hội, mà chính là thời khắc quân ta tấn công vào Sài Gòn đánh đuổi giặc Mỹ Ngụy. Trong không khí rộn ràng đón Tết Quý Tị, chúng ta sẽ cùng hình dung một chút không khí của những ngày Tết lịch sử Mậu Thân 1968, qua tâm tình của chú Trần Văn Long (nguyên Phó Bí thư Thành Đoàn TP.HCM, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ti SaigonTourist).
Năm 1968, chú đang là sinh viên của trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Một trong những chỗ trọ lí tưởng của sinh viên thời ấy là Trung tâm Quảng Đức của Phật giáo (294 Công Lí - nay là đường Nam Kì Khởi Nghĩa). Đó là nơi các anh chị sinh viên Phật tử đặt trụ sở, gọi là Tổng vụ Thanh niên Phật tử Sài Gòn. Ban Đại diện đoàn sinh viên Phật tử ngày ấy hầu hết là những sinh viên trong phong trào đấu tranh chống chế độ độc tài Mỹ Ngụy. Chú và bạn bè cũng dựa vào danh nghĩa sinh viên Phật tử để dễ dàng ra vào nơi đó, thuận tiện cho hoạt động cách mạng bí mật của mình.
khongve-1-754236-7719.jpg
Gần Tết Mậu Thân, chú và các sinh viên ở Tổng vụ nói với nhau về quê ăn Tết. Thật ra, ai cũng có nhiệm vụ cách mạng bí mật của mình ở tại Sài Gòn nhưng phải che giấu. Rời Tổng vụ, chú đã tìm đến một căn nhà có nhiều ngõ ra vào ở khu Bàn Cờ để thuê phòng trọ. Đó là nhà của một sĩ quan ngụy nên chú sẽ khá an toàn khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo chỉ thị của Đảng, ngay khi bộ đội chủ lực tiến vào Sài Gòn phá thế kềm kẹp của Mỹ và Ngụy quân, lực lượng tại chỗ như các chú có nhiệm vụ nổi dậy tuyên truyền về Cách Mạng, tuyên truyền để nhân dân ủng hộ Quân Giải Phóng, vận động quân địch rã ngũ, phản chiến… Nếu quân ta chưa xuất hiện, thì phải ém kĩ, chờ thời cơ mới. Cùng đến ở với chú tại ngôi nhà ở khu Bàn Cờ còn có người bạn sinh viên đồng hương Phú Yên cùng chung lí tưởng. Trước ngày hành động, chú đi lãnh về 2 khẩu súng K54 giấu trên gác phòng trọ…
Mờ sáng mùng 1 Tết, đường phố vẫn còn vắng vẻ thì đã nghe ì ầm tiếng đạn pháo từ xa vọng lại. Gần 9 giờ sáng, tiếng đạn pháo đã rền hơn ở phía Hóc Môn, Bình Chánh… Khắp các khu phố, nhiều người tụ tập bàn tán chộn rộn và nghe ngóng tin tức. Người tặc lưỡi “mấy ông Việt Cộng đánh tới rồi”, người thì lo sợ gom góp đồ đạc chuẩn bị tản cư…
Chú và bạn bè vừa hồi hộp vừa náo nức chờ đến lúc hành động. Nhìn thấy khẩu súng K54 chú đưa, người bạn đồng hương bỗng lo lắng nói với chú: “Anh trai ông đã đi tập kết, chưa biết ngày trở về. Trong nhà, chỉ còn mình ông là con trai út. Lỡ có bề gì, ai sẽ lo cho mẹ ông…”. Thời khắc căng thẳng, chú phải vận động tư tưởng vừa rỉ rả, vừa quyết liệt để bạn mình chú ý vào nhiệm vụ chung.
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân tuy bất ngờ với địch nhưng do những cánh quân của bộ đội ta không tiến vào các điểm trung tâm Sài Gòn đồng bộ như dự kiến nên sự phối hợp giữa lực lượng bên ngoài với lực lượng tại chỗ đã bị tắt ở một số nơi. Sau 3 ngày đêm, quân địch bắt đầu ruồng bố, truy bắt ta. Đã có những điểm ém quân bị lộ. Tại khu Bàn Cờ nơi chú có mặt, một đồng chí nằm vùng đã bị địch bắn chết khi bung ra quá sớm mà chưa có sự phá kềm của bộ đội. Cuộc tham chiến của lực lượng tại chỗ coi như không thành. Chú phải tìm cách rút khỏi nhà trọ, trở về Tổng vụ 294 Công Lí. 2 khẩu súng chú cũng phải mang đi để không bị lộ. Nhưng đem súng ra đường lúc này và cất giấu ở đâu cũng là một vấn đề nan giải! Bởi loại súng K54 đó chỉ riêng quân cách mạng mới dùng, nếu bị bắt cùng với nó thì không thể nào chối cãi.
Vài ngày sau, từ Tổng vụ, chú nhờ bạn chở tới căn nhà trọ, lên gác lấy 2 khẩu súng gói vào áo khoác và trở về. Còn nhớ hai chú đã mặc bộ quần áo kaki màu vàng đồng phục của sinh viên học quân sự. Trên đường đầy rẫy lính canh với súng giương lê sẵn sàng thổi xét bất kì ai mà chúng tình nghi. May mà bộ đồ đồng phục quân sự giúp các chú đi qua trót lọt. Vào đến sân Tổng vụ, bỗng một người bạn chạy tới bỏ nhỏ với chú: “Ông ôm cái gì mà lòng thòng sợi dây dù giống như súng vậy hả?”. Chú giật thót mình nhìn lại, thì ra sợi dây dù của một khẩu súng ló ra khỏi áo hồi nào mà chú không hay biết…
Chiều tối hôm ấy, chú âm thầm lên sân thượng của tòa nhà Tổng vụ, gói 2 khẩu súng vào giấy báo rồi thòng dây xuống một góc la - phông của mái nhà hội trường giấu ở đó. Sau Tết Mậu Thân, bộ đội ta còn tấn công vào Sài Gòn 2 đợt nữa. Lực lượng tại chỗ chưa bị lộ như chú lại tìm đến các trại cứu trợ chăm sóc đồng bào bị nạn, đồng thời tìm kiếm giúp đỡ các đồng chí bị lộ, xiết chặt hàng ngũ, móc nối lại với tổ chức và sẵn sàng cho những đợt tấn công kế tiếp.
Cuối năm, trong một đợt sửa chữa nhà 294 Công Lí, 2 khẩu súng được phát hiện, cảnh sát ngụy đến khám xét, chẳng thấy gì hơn ngoài tờ báo có ghi ngày, tháng, năm của thời điểm chú cất giấu súng: Tết Mậu Thân 68.

Theo MTO
 
×
Quay lại
Top