Tìm hiểu một vài tư tưởng của Khổng Tử về phương pháp dạy học

xuanhung_xd9

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/12/2011
Bài viết
1.979
Khổng Tử (551 - 479 TCN) là người tài cao, học rộng, có chí lớn. Từ năm 20 tuổi, ông làm nghề dạy học rồi chu du khắp thiên hạ truyền bá đạo Nho. Bằng cuộc đời và hoạt động của mình, ông đã có nhiều đóng góp vào kho tàng giáo dục của Trung Hoa và có ảnh hưởng không nhỏ đến nền giáo dục phong kiến của một số nước trong vùng. Ngoài những tiến bộ về việc xác định vai trò, mục đích, vị trí, nội dung giáo dục thì phương pháp dạy học là lĩnh vực đáng để chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Nhân dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, tác giả xin bàn về một số nguyên tắc trong cách dạy học của ông - người thầy giáo được học sinh của mình tôn vinh là "vạn thế sư".

Nguyên tắc thứ nhất: Phát huy tính tích cực của người học, kết hợp việc học với việc tự suy nghĩ.
Trong quá trình dạy học, Khổng Tử đòi hỏi học trò phải cố gắng tự suy nghĩ. Theo ông, việc dụng công suy nghĩ sẽ làm bật ra những thắc mắc, những câu hỏi để giải quyết vấn đề. Ông nói: "học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi (luận ngữ vi chính)[1]”, nghĩa là học mà không suy nghĩ thì mờ tối chẳng hiểu gì, nghĩ mà không học thì khó nhọc mất công không. Theo ông cần học cho rộng, hỏi cho kỹ, nghĩ cho cẩn thận, phân biệt cho sáng rõ, làm cho hết sức. Do đòi hỏi học trò phải suy nghĩ trong lúc học nên ông đánh giá cao việc đặt câu hỏi của học trò. Ông nói:"Hữu phất học, học chi phất năng, phất thố giả. Hữu phất vấn, vấn chi phất tri, phất thế gia..."(Trung dung)[2] - tức là có điều không học nhưng đã học điều gì mà không hay không thôi; có điều không hỏi nhưng đã hỏi điều gì không biết không thôi. Hay như: "bất phẫn bất khải, phất phí bất pháp. Cử nhất ngung bát dĩ làm nguy phản, tác bất phục dã"[3] - nghĩa là không tức giận vì muốn biết thì không truyền mở cho, không tức giận vì nói không rõ ra được thì không bày vẽ cho. Để tạo điều kiện cho người học tự suy nghĩ trong dạy học ông chỉ gợi mở, cho học trò tự giải đáp các vấn đề còn lại. Ông nói: vật có bốn góc, bảo cho biết một góc mà không suy ra ba góc khác thì không dạy nữa. Không dừng lại ở đó, ông đặt sự ham học hỏi của học trò trong một phạm vi lớn hơn, đó là thái độ học tập: khiêm tốn, học ở mọi nơi, ở mọi lúc, mọi người kể cả lúc đi trên đường "ba người cùng đi tất có một người là thầy ta, chọn người hay mà bắt chước, nhìn người dở mà sửa mình"[4].

Nguyên tắc thứ hai: Học đi đôi với hành
Theo ông, muốn học tập có hiệu quả thì phải tìm thấy vui thú. Có vui thú mới tiến ích: học mà cứ buổi buổi luyện tập luôn thì trong bụng lại không thoả thích sao? Có bạn ở phương xa nghe tiếng đến học làm điều lành với mình thì không vui sao? ("Học nhi thời thú tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viến phương lai, bất diệc lạc hồ?")[5]. Vì vậy cần thường xuyên luyện tập trong học tập, ông nói "đạo thính đồ thuyết, đức chi khí dã"[6] - nghĩa là nghe ngoài đường, nói ngoài đường là bỏ cái đức vậy (ý nói nghe để nói ra miệng chứ không thực hành thì học lắm dở nhiều). Trong đạo đức cũng vậy, tập luyện giúp con người có tính cách riêng, nhân cách con người cũng do luyện tập mà thành (tính tương cận dã, tập tương viễn dã - nghĩa là tính người thì ai cũng gần như ai nhưng luyện tập thì thành ra mỗi người một khác)[7]; hay như "thiếu thành nhược thiên tính, tập quán như tự nhiên" tức là luyện tập được từ khi còn nhỏ cũng như thiên tính, thói quen như thiên tính. Kết quả cuối cùng của việc học, theo ông phải thể hiện ở hành. Ông kết luận: đọc 300 thiên Kinh thi nhưng được giao cho việc hành chính không làm được, giao cho đi sứ không đối đáp được, tuy học nhiều nhưng chẳng ích chi.

Nguyên tắc thứ ba: Giảng dạy phải phù hợp đối tượng
Theo ông, để làm được điều này trước hết cần tìm hiểu đặc điểm nhân cách từng học trò, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng. Ông nói: với người có tư chất bậc trung trở lên thì mới có thể nói điều cao xa, đối với người bậc trung trở xuống thì không thể nói điều cao xa. Cũng là chữ "nhân" nhưng với mỗi học trò ông giải đáp là khác nhau. Chẳng hạn, cùng là giải đáp câu hỏi: "nghe thấy điều phải có nên làm ngay không?" với Tử Lộ: "nhà có cha, anh sao nghe thấy lại làm ngay" , nhưng với Nhiễu Hữu thì ông đáp: "nghe thấy phải làm ngay". Khổng Tử giải thích rằng Tử Lộ thấy cái gì cũng muốn hơn người nên phải kìm lại, Nhiễu Hữu tính rụt rè nên phải khuyến khích thêm.

Nguyên tắc thứ tư: Phương pháp nêu gương của nhà giáo dục đối với đối tượng giáo dục.
Ông gọi đó là "thân giáo". Ông nói: "tiên chi lao chi" tức là bắt người làm việc gì mình phải làm trước. Hay "điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người". Ông đánh giá đạo đức thông qua cuộc sống chứ không qua lời nói: "Hữu đức giả tất hữu ngôn. Hữu ngôn giả bất tất hữu đức" - tức người có đức tất có lời, người có lời chưa chắc chưa chắc đã có đức. Theo ông những người thích trau chuốt hình thức ăn nói sắc sảo, khéo léo là ít đức nhân. Tự bản thân ông ý thức được rằng mọi hành vi của ông đều được học trò quan tâm theo dõi và học trò của ông đã học tập được nhiều điều bổ ích từ tấm gương của thầy mình. Họ tôn ông là: "vạn thế sư" (thầy của muôn đời).

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh việc đổi mới giáo dục, nhất là đổi mới phương pháp dạy học. Việc tìm hiểu tư tưởng của Khổng Tử cho thấy những giá trị tiến bộ của ông trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là những nguyên tắc giáo dục của ông vẫn còn nguyên giá trị đáng để chúng ta học tập.

Theo: Nguyễn Thị Hà - Khoa Lý luận Chính Trị - TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀ TĨNH
 
×
Quay lại
Top