Từ chuyện lạ “Vương Chiêu Quân quê ở Thái Bình”?!

Nam Miên

Cười lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/4/2012
Bài viết
2.058
Vừa qua, có bài viết về thôn Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình còn lưu lại một văn bản thần tích với nội dung cho rằng Vương Chiêu Quân – một trong “tứ đại mỹ nhân” Trung Hoa có quê gốc ở tỉnh Thái Bình ngày nay. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu cho thấy ở đây có sự nhầm lẫn…

Về độ tin cậy giữa thần tích và chính sử

Theo thần tích còn chép lại ở thôn Diêm Tỉnh, xã Thụy Dũng (Thái Thụy, Thái Bình) thì thời gian chép lại từ năm đầu triều Lê Chiêu Thống (1786). Đến năm Khải Định thứ tám triều Nguyễn (1924) thì sửa lại kèm theo sắc phong của nhà vua ban. Bên cạnh những yếu tố kỳ ảo được dân gian thêm thắt vào, nội dung thần tích chép Vương Chiêu Quân là người ở “phủ Hạ bát đụn tang” (tám cái gò cao nổi lên ở vùng Hạ) và người dân cho rằng thôn Diêm Tỉnh (Thái Thụy) ngày nay là nằm trong vùng này.


vuongchieuquan.jpg

Tranh vẽ Vương Chiêu Quân (Ảnh: Internet)

Vào năm Vĩnh Hựu (triều Lê Ý Tông, 1735- 1740), Chiêu Quân còn được phong “Hiển linh tạ thuận thiên vi thái tỷ công chúa”, được thờ ở 12 đền trong “Bát đụn tang”. Thần tích cũng ghi rõ bà sinh ngày 12 tháng 3, mất ngày 13 tháng 12. Vào hai ngày này, người dân thôn Diêm Tỉnh tổ chức Lễ hội tại đền Bà Chúa.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Sĩ Liên cho biết vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), thực hiện chủ trương của triều đình, các làng xã kê khai thần tích, thần phả để bao phong. Việc chỉnh lý các thần tích được giao cho Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (ông có thể là người huyện Đan Phượng) làm ở Bộ Lễ phụ trách.

Về sau, các thần tích do Nguyễn Bính soạn được Quản giám bách thần Nguyễn Hiền, sao lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 – 1740) đời Lê Ý Tông. Những bản này mang nhiều tên gọi khác nhau như thần tích, ngọc phả, phả lục, cổ lục, sự tích… song cùng chung nội dung và tính chất câu chuyện như nhau.

Vì thế, thần tích về nàng Vương Chiêu Quân còn sót lại ở thôn Diêm Tỉnh (Thái Bình) rất có thể là vào thời gian này hoặc sau đó vài chục năm.

Theo sử sách nhà Hán chép lại thì Vương Chiêu Quân còn có tên là Vương Tường, là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy, Nam Quận (nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc). Được tuyển vào nội cung nhà Hán vào khoảng sau năm 40 TCN. Năm 33 TCN, Chiêu Quân được vua Hán Nguyên Đế gả cho thiền vu Hung Nô là Hô Hàn Tà. Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành vợ của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề. Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại "Thanh Trủng", mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.

Về cuộc đời nhân vật Vương Chiêu Quân trong lịch sử Trung Hoa hiện nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được làm sáng tỏ.

Tuy nhiên những điều chưa được làm sáng tỏ chủ yếu là xung quanh vấn đề nàng ở trong cung nhà Hán và cuộc đời nàng từ khi sang làm vợ cho vua Hung Nô như: chuyện về bức tranh "Sát phu trích lệ" (tướng sát chồng) khi nàng vào cung hay chuyện về cái chết của nàng ở bên đất Hung Nô,…

Còn trong “Hậu Hán Thư”, một trong những tác phẩm lịch sử chính thức của Trung Quốc và bao quát giai đoạn lịch sử Đông Hán từ năm 25 đến năm 220 do Phạm Diệp biên soạn vào thế kỷ thứ V, có phần “Nam Hung Nô liệt truyện” (quyển thứ 89) ghi rất rõ về quê quán, nguồn gốc xuất thân của Vương Chiêu Quân.

Thực tế cho thấy, thần tích (kể cả thần phả, thánh phả) chỉ là những truyền thuyết dân gian về các thần hoặc nhân vật lịch sử địa phương, vùng miền với những giai thoại, chuyện kể, lời đồn có liên quan đến họ qua những hình ảnh, hành vi đã được mọi người truyền tụng mang tính cách siêu nhiên, thần bí, tô điểm cho sự siêu phàm của nhân vật được nhắc tới. Những thần tích đôi khi chỉ dựa vào tin đồn, không có tư liệu lịch sử để chứng minh.


phinangdchthntch.jpg

Cụ Hoàng Ngọc Phin (84 tuổi, thôn Diêm Tỉnh, Thái Dũng, Thái Thụy, Thái Bình) và cuốn thần tích Vương Chiêu Quân (Ảnh: Kienthuc.net.vn)

Thần tích cũng có thể nhầm lẫn

Điểm đáng chú ý về thần tích Vương Chiêu Quân ở thôn Diêm Tỉnh (Thái Thụy, Thái Bình) là không hề thấy ghi chép trong các tác phẩm viết về thần tích, thần phả của người Việt.

Người đầu tiên có ý thức thu thập, ghi chép về các thần tích, thần phả và tập hợp thành sách ở Việt Nam là Lý Tế Xuyên với tác phẩm “Việt điện u linh”. Ông làm quan trông coi việc tế tự dưới triều vua Trần Hiến Tông (niên hiệu Khai Hựu, 1329 – 1341). Theo như nhận xét của các nhà sử học lúc bấy giờ thì những thần tích, thần phả, truyền truyền thuyết về các vị thần linh Việt Nam ở vào thời xa xưa được ông ghi chép lại khá đầy đủ. Đến đời Hậu Lê, tác phẩm tiếp tục được tục biên, chia đến 4 quyển, gồm 41 truyện (Việt Nam văn học sử yếu, tr.238). Trong “Việt điện u linh” không có thần tích về Vương Chiêu Quân.

Ngoài ra, trong “Lĩnh Nam chích quái” (nghĩa: chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam), là một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được một số học giả biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần (thế kỷ XV) cũng không hề ghi chép về thần tích Vương Chiêu Quân có nguồn gốc xuất thân ở Đại Việt.

Khi biên soạn, một trong số những tác giả lúc bấy giờ là Vũ Quỳnh đã ví sách “Lĩnh Nam chích quái” với sách “Sưu thần tự” của người Tấn và sách “U quái lục” của người đời Đường và viết: “Đất nước Nam kỳ lạ tất có nhân dân anh hào, đã có nhân dân anh hào tất có sự tích vĩ đại; người phương Bắc có những chuyện thần kỳ để ca tụng Tổ quốc và nhân dân họ, người phương Nam há lại kém sao!” đủ thấy được các tác giả thời đó đã kỳ công tìm kiếm, ghi chép và thu thập các thần tích, thần phả trong dân gian như thế nào.

Mặt khác, Thái Bình khi đó còn có Phủ Long Hưng – nơi phát tích của nhà Trần, không có lẽ các vua Trần lại không biết hay không có ý thức giữ gìn và lưu truyền các thần tích thần phả quê mình?

Sau này còn có “Truyền kỳ mạn lục” (sao chép tản mạn những truyện lạ) của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16); “Công dư tiệp ký” (ghi nhanh lúc rỗi việc công) của Vũ Phương Đề (thế kỷ 17); “Truyền kỳ tân phả” (cuốn phả mới về truyền kỳ) của Đoàn Thị Điểm (thế kỷ 18)… là những tác phẩm kể về những nhân vật có thật trong lịch sử hoặc theo truyền thuyết dân gian và có ý thức đề cao người phụ nữ. Tuy nhiên, tất cả các tác phẩm của các tác giả nói trên không hề thấy đề cập đến thần tích Vương Chiêu Quân.


bcha.jpg

Đền thờ Bà Chúa ở thôn Diêm Tỉnh (Ảnh: Kienthuc.net.vn)

Lẽ nào thần tích về một nhân vật nổi tiếng như vậy mà lại không ai biết? Các học giả thời phong kiến không có ý thức ghi chép lại?

Giáo sư sử học Lê Văn Lan (thuộc Viện Sử học Việt Nam) cho biết: “Thực tế là hiện nay nhiều người vẫn cho rằng thần tích, thần phả là thứ thiêng liêng và đáng tin cậy, tuy nhiên đó chủ yếu là những chuyện do nhân dân tưởng tượng ra, không có thực. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này nên có thể khẳng định như vậy. Về thần tích Vương Chiêu Quân quê ở Thái Bình là một minh chứng cho điều tôi vừa nói. Đó chỉ là bịa đặt”.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam) cũng khẳng định: “Thông tin Vương Chiêu Quân quê ở Thái Thụy, Thái Bình như thần tích nêu là không có thực, nếu không muốn nói là nhầm lẫn hoặc cố ý bịa đặt. Vương Chiêu Quân là người Trung Quốc, điều đó ai cũng biết rõ, chính sử Trung Hoa cũng chép rõ ràng”.
Về thần tích và sắc phong ở thôn Diêm Tỉnh, xã Thái Thái Dũng (Thái Thụy, Thái Bình), Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cho rằng: “Cần phải xem lại tính xác thực của sắc phong và thần tích này. Một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Vương Chiêu Quân nếu có nguồn gốc thực là ở Thái Bình, Việt Nam thì chính sử Việt Nam thời phong kiến đã chép rồi. Ngoài ra, nhân dân cũng lập đền thờ với kiến trúc quy mô lớn, đâu cần phải thần tích với cái đền nhỏ xây mới như hiện nay!”.

Lưu Thủy



 
cái này lạ quá,không biết có phải chém gió không,nhưng trong tứ đại mĩ nhân của TQ thì Tây Thi và Vương Chiêu Quân là hai người đẹp nết sẵn sàng hi sinh vì quốc gia,dù vậy thật cũng được không thật cũng chẳng sao không ảnh hưởng mấy đến thần tượng trong lòng mình
 
chắc không có đâu.....Việt Nam mình thời cổ thiếu gì mỹ nhân mà ....phải động đến mỹ nhân Trung Quốc...cũng có cơ sở nói là không phải rồi mà....thiếu Dương Quý Phi...bà nãy cũng hi sinh vì danh dự quốc gia mà...
 
nhưng lúc đầu tại bà này phá quá nên mới làm bọn gian thần lấy cớ làm càn,nói chung nếu kế hoạch của Vương Doãn thành công thì Điêu Thuyền cũng là công thần,phải nhìn ở nhiều góc cạnh khác nhau mới thấy được sự việc thay đổi
nhưng nói cung vẫn thích 2 người kia hơn
 
đẹp quá cũng là cái tội
 
×
Quay lại
Top