Tư liệu:Tư tưởng Hồ Chí Minh

leduy

Là chính anh
Thành viên thân thiết
Tham gia
26/8/2010
Bài viết
2.078
Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng lãnh đạo

Lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh. Người đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Muốn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người đã cho ra nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh.
Điều quan trọng trước tiên, theo Bác là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công vô tư trong việc xem xét cán bộ. Người nói: “Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải - trái ở người ta, thì phải biết đúng sự phải - trái của mình. Nếu không biết sự phải - trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.
Bác thấy rằng, người lãnh đạo thường phạm 4 bệnh khi xem xét cán bộ: tự cao, tự đại; ưa nịnh hót; do yêu ghét mà xem xét con người; đem một khuôn cứng nhắc để đánh giá cán bộ. Bác ví người lãnh đạo nếu mắc một trong 4 bệnh ấy cũng như một người mang kính có màu, không bao giờ thấy được màu sắc thật sự của sự vật. Bác khuyên người lãnh đạo phải bỏ kính màu đỏ, sữa chữa những bệnh ấy, mới có thể hiểu biết đúng cán bộ.
Người dạy chúng ta phải có phương pháp khách quan toàn diện trong việc xem xét đánh giá cán bộ. Chống lối “duy ngã” siêu cứng nhắc, hời hợt. Khi xem xét cán bộ, không nên chỉ nhìn bề ngoài, xem trong một lúc, một việc mà phải xem xét một cách toàn diện, cả quá trình phát triển của họ, những lúc gặp khó khăn, cũng như lúc thuận lợi.
Theo Bác, cách tốt nhất để đánh giá đúng cán bộ, tránh thiên vị, là để cho quần chúng nhận xét cán bộ. Người lãnh đạo nên lắng nghe ý kiến của quần chúng nhận xét cán bộ. Người nói: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc hay hay, việc gì quậy, dân chúng cũng do cách so sánh đó mà họ biết rõ ràng. Vì vậy để cho dân chúng phê bình cán bộ, dựa theo ý kiến họ mà cân nhắc cán bộ, nhất định không xảy ra, thiên vị, nhất định hợp lý và công bằng.
Người chỉ rõ, sử dụng cán bộ, cũng như khi đánh giá cán bộ phải rất “vô tư”. Người phê phán gay gắt những bệnh hám dùng người bà con, anh em quen biết, hám dùng người nịnh hót, ghét người chính trực, hám dùng những người hợp tính với mình, tránh những người không hợp ý mình.
Bác căn dặn: “Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”.
Bác đã nêu rõ 4 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ lãnh đạo:
+ Những người đã tỏ ra rất trung thành, hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
+ Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
+ Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết thì kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn.
+ Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là khuôn khổ để lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Chúng ta phải theo đúng. Trong công tác cán bộ, Người luôn luôn coi trọng cả đức và tài của người cán bộ. Người nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như “ông bụt” ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai”.

Trong công tác cán bộ, Bác chỉ rõ những khuyết điểm cần phải sửa: “Có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí làm việc tốt mà nói không thạo, nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gũi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm đó”.

Bác còn chỉ rõ: Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, phải làm cho họ yên tâm công tác, hứng thú trong công việc. Muốn thế, người lãnh đạo phải làm sao cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, cả gan phụ trách, cả gan làm việc”. Người căn dặn: Người lãnh đạo muốn biết mình, tốt nhất là phải có thái độ và cách làm việc thật sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người lãnh đạo thật sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thật sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội bộ được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp.
Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều”. Người cho rằng: Điều mấu chốt trong cách lãnh đạo là làm sao cho cấp dưới có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, dám tìm tòi suy nghĩ và dám quyết định.
Bác căn dặn: “Khi giao trách nhiệm cho cán bộ, cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch ra những điểm chính và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã được quyết định rồi thì giao cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật đã quyết định rồi, thì Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Thà để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”.
Bác còn chỉ rõ “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không, muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát, kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.
Kiểm tra, kiểm soát có tác dụng đánh giá không những hoạt động của các cơ quan, mà còn đánh giá cả những chủ trương, chính sách, quyết định đã đề ra.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trên đây, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Đến Đại hội Đảng lần thứ X, trong phần báo cáo về công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã nêu lên những nội dung, phương hướng tiếp tục “Đổi mới công tác cán bộ” như sau đây:
“Mục tiêu chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ phải đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý”.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và người đứng đầu tổ chức các cấp, các ngành của hệ thống chính trị… Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ xuất thân từ công nhân, con em những gia đình có công với cách mạng”.
“Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu tổ chức. Cấp uỷ Đảng có thẩm quyền phải chủ trì và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Các chính sách, quy chế tôn vinh những người có công, bố trí sử dụng đúng những người có năng lực, hết lòng vì dân, vì nước; khuyến khích những người năng động, sáng tạo, có sáng kiến, có ý tưởng mới”,
“Mở rộng và phát huy dân chủ, thực hiện công khai, minh bạch trong công tác cán bộ…”
“Thực hiện tốt các cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quản lý, giám sát cán bộ sau bầu cử, bổ nhiệm…”
“Đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ… Không bổ nhiệm, đề bạt những người không đủ phẩm chất và năng lực…”.
“Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng. Không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng…”.

Theo Trần Đình Quảng
Tạp chí Công nghiệp
 
sao không gửi link cho anh em download! post chữ cho tốn diện tích trái đất à?
 
×
Quay lại
Top