Từ “Tây Du Ký” rút ra bài học lãnh đạo thành công

Tuổi Trẻ 24

Tuoitre24.vn - Đào Tạo Khởi Nghiệp
Thành viên thân thiết
Tham gia
10/2/2014
Bài viết
345
Ngày ba tháng chín năm Trinh Quán thứ 13, Đường Tăng bắt đầu hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh. Con đường thiên lý gian nan, hiểm nguy tưởng chừng thần thánh cũng phải thoái lui. Điều gì khiến bốn thầy trò Đường Tăng vượt qua bao nhiêu khiếp nạn? Có phải nhờ ước nguyện trở thành Phật, hay lòng quyết tâm và tinh thần đồng đội chính là sức mạnh vô song giúp họ gìn giữ được sự sống của nhau?

Thành Quân Ức, một giáo sư quản trị học của Đại học Bắc Kinh đã phân hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng để rút ra nhiều bài học quản trị rất đặc sắc.

Từ thay đổi thế giới đến thay đổi bản thân



Tôn Ngộ Không là hình ảnh có trong giấc mơ của biết bao trẻ nhỏ. Bản thân người lớn cũng bị cuốn hút bởi cá tính của người xưng Vương Hoa Quả Sơn. Hành trình đến Tây Thiên đầy thử thách đã cho chúng ta gặp một nhân vật tràn đầy sức sống, thông minh, tài năng, bản lĩnh, quyết đoán, cương nghị, càng gặp trở ngại càng kiên cường dũng cảm. Rõ ràng đây là những tố chất không thể thiếu của người đứng đầu một tập thể. Một đôi mắt sáng tinh anh có thể nhìn thấu tâm địa xấu xa dưới những khuôn mặt hoàn mỹ. Bảy mươi hai phép thần thông biến hóa có thể hóa giải những khó khăn. Phép cân đẩu vân mười tám ngàn dặm có thể giải quyết nhanh chóng mọi vấn đề. Cây gậy như ý với sức mạnh vô địch là lợi thế mà đối thủ khó so sánh. Hành trình từ Đông thổ Đại Đường đến Tây Thiên của bốn thầy trò sở dĩ hoàn thành là nhờ vào tài năng đại đồ đệ trung thành Tôn Ngộ Không.

Trước khi hộ tống Đường Tăng đi thỉnh kinh, Mỹ Hầu Vương luôn khát khao thay đổi thế giới, từng vượt qua muôn trùng biển cả để tầm sư học đạo và cũng đã từng đại náo thiên cung. Song cuối cùng Tôn Ngộ Khong đã không thể thoát ra khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ, bị đè dưới chân Ngũ Hành Sơn năm trăm năm để chờ một người đi lấy chân kinh giải thoát cho mình, chịu đựng sự giày vò của vòng kim cô mỗi khi hành động theo cá tính, sự phán đoán của mình nhưng trái với bản tính của sư phụ. Vậy là Tôn Ngộ Không đã tự thay đổi bản thân từ sự khống chế của nhiều sức mạnh khác nhau theo từng bước chân trên con đường sang Tây Thiên. Nhờ đó, bốn thầy trò đã lấy được chân kinh và thành Phật. Điều mà “Tây Du Ký” muốn nói với chúng ta chính là quá trình trưởng thành của Tôn Ngộ Không từ “thay đổi thế giới” đến “thay đổi bản thân”. Sự thay đổi đó dẫn dắt Tôn Ngộ Không hòa mình vào mục tiêu chung của tập thể tự lúc nào không hay.

Vượt qua thử thách



Carl Gustav Jung, chủ tịch nhiệm kỳ thứ nhất Hiệp hội Phân tâm học Quốc tế, từng nói với thái độ kính phục: “Tây Du Ký sử dụng ngôn ngữ bình dị nhưng lại chứa đựng hàm ý rất sâu sắc. Người sáng tác ra tác phẩm này hẳn là một bậc hiền triết thấu hiểu bản tính con người”. Sự tôn sùng mà Jung dành cho “Tây Du Ký” là điều hoàn toàn dễ hiểu. “Tây Du Ký” ra đời vào giữa triều Minh, sớm hơn 400 năm so với ngành phân tâm học do Jung và người thầy của ông là Freud sáng lập.

Điều khiến người ta càng khâm phục là “Tây Du Ký” khắc họa nên đặc trưng của bốn kiểm tính cách tiêu biểu: kiểu tính cách cầu toàn của Đường Tăng, mạnh mẽ của Tôn Ngộ Không, sôi nổi của Trư Bát Giới và ôn hòa của Sa Ngộ Tĩnh. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên của thế giới đề cập đến các kiểu tính cách khác nhau trong một tập thể và hành vi của tổ chức. Tám mươi mốt kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải vượt qua, thực ra là những khó khăn chúng ta có thể sẽ gặp trên con đường lập nghiệp cũng như trong cuộc sống. Điều thú vị là, khi khó khăn xuất hiện, bạn sẽ thấy sự khác biệt trong cách lý giải và phản ứng trước khó khăn của những kiểu tính cách khác nhau. Vì thế, “Tây Du Ký” không chỉ là tác phẩm mang tính nghệ thuật của phân tâm học, mà còn là tác phẩm nghệ thuật của môn học hành vi tổ chức. Nó diễn tả một cách sinh động mối quan hệ logic giữa tính cách và số phận, sự tác động của tính cách, thái độ mỗi cá nhân đối với thành công chung của tập thể.

Điều đáng chú ý là, “Tây Du Ký” không chỉ kể lại quá trình chiến thắng chuỗi các khó khăn của thầy trò Đường Tăng, mà còn giải thích rõ nguyên nhân tạo nên những khó khăn này. Người xưa có câu: “Tâm sinh thì ma quỷ sinh, tâm diệt thì ma quỷ diệt”. Hóa ra tất cả khó khăn đều do quan niệm và tính cách của chúng ta tạo nên. Quá trình chiến thắng khó khăn là quá trình chiến thắng cái tôi. Quá trình chiến thắng cái tôi cũng chính là quá trình trưởng thành của con người. Khi học được cách làm người, chúng ta sẽ biết cách chung sống hòa thuận với người khác, biết cách xây dựng mối quan hệ hài hòa tương trọ lẫn nhau. Có như thế, chúng ta mới có thể đạt được thành công của cá nhân và tập thể. Tất nhiên, khi đối mặt với khó khăn, thử thách ngoài sức mạnh vật chất, con người cần có niềm tin và tình yêu đối với cuộc sống để làm điểm tựa về tinh thần. “Tây Du Ký” đã đưa ra hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát từ bi cứu độ nhân thế luôn xuất hiện ở những nơi cần sự giúp đỡ, cứu giúp chúng sinh thoát khỏi khổ nạn. Gạt bỏ màu sắc thần thoại và tôn giáo sang một bên, chúng ta sẽ nhận thấy, Quán Thế Âm Bồ Tát thực ra là trái tim tin yêu cuộc sống đang thổn thức đập trong lồng ngực chúng ta. Chính thái độ yêu quý cuộc sống giúp chúng ta hóa giải biết bao phiền muộn, oán hận và hoạn nạn.

Tìm một con đường đi lấy chân kinh

Người xưa có câu: “Trên đời chỉ có làm người là khổ, mọi chuyện không có gì khó bằng kiếm miếng ăn”. Tất cả tri thức của nhân loại cũng chẳng qua là để giải quyết vần đề làm người và mưu sinh. Khi trở về từ Tây Thiên, thầy trò Đường Tăng mang theo 5048 cuốn Kinh Phật, dạy cách làm người, đối nhân xử thế. Khi công đức viên mãn, cuộc sống của họ đã thay đổi hoàn toàn. Trở thành Phật, họ tránh xa những phiền muộn ở chốn nhân gian, bước vào thế giới cực lạc vĩnh hằng. Thiết nghĩ, đây là cuộc sống mà nhân loại khổ công theo đuổi.

Được biết đến là một trong bốn tác phẩm kinh điển của văn học cổ điển Trung Hoa, Tây Du Ký – bên cạnh sự hấp dẫn của một câu chuyện thần thoại – còn chứa đựng nhiều triết lý Phật giáo sâu sắc. Song, sự khác biệt về mặt lịch sử và văn hóa khiến cho chúng ta lâu nay mới chỉ nhận thấy giá trị của tác phẩm này ở những tình tiết hư cấu đầy sức cuốn hút. Sự phát triển của thế giới ngày nay với xu hướng tìm kiếm và làm bật dậy trí tuệ Phương Đông tiềm ẩn trong các giá trị văn hóa đã thôi thúc khát vọng tham gia hành trình khám phá triết lý nhân sinh và cuộc sống từ những công trình văn hóa và văn học nghệ thuật đặc sắc. Tây Du Ký là một trong những công trình bí ẩn đó. Vậy chúng ta hãy theo bước chân của thầy trò Đường Tăng đi tìm kiếm chân kinh cho mình!

Theo: https://daotaokhoinghiep.tuoitre24....-Du-Ky-rut-ra-bai-hoc-lanh-ao-thanh-cong.html
 
×
Quay lại
Top