"Tư thù" Pablo Picasso & Marcel Duchamp

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Cách đây đúng 100 năm (1913), bước ngoặt quan trọng dự báo cho nghệ thuật sẽ không còn như trước nữa. Cột mốc này kỷ niệm cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Pablo Picasso và Marcel Duchamp, cùng với cuộc triển lãm Amory Show ở Hoa Kỳ gây sốc người xem với bức Khỏa thân bước xuống cầu thang của Duchamp theo phong cách lập thể và vị lai.

Và quan trọng nhất, năm nay (2013) kỷ niệm sinh nhật tròn 100 tuổi của hình thức nghệ thuật Readymade (ký chế phẩm) với những ý niệm về một loại hình phản nghệ thuật và phản chiến để đáp lại nỗi kinh hoàng của Thế chiến 1: Một cái bánh xe gắn trên cái ghế đẩu trắng và được lăn bánh mỗi khi xem, được coi là nghệ thuật, báo hiệu sự ra đời của phong trào dada và hậu thân của nó là nghệ thuật khái niệm; Nghệ thuật của Duchamp đã ảnh hưởng tới những phong cách nghệ thuật sau đó như avant-garde, chủ nghĩa siêu thực, tân hiện thực, âm nhạc khái niệm của John Cage, pop art và fluxus.

Ta thử sắp cạnh hai tác phẩm quan trọng ra đời cùng năm 1913: Chai, kèn clarinet, báo, thủy tinh của Picasso bên cạnh Cái vành xe đạp của Duchamp, để làm nổi bật sự không tương hợp về thực chất giữa hai lối tiếp cận của mỗi nghệ sĩ đối với chủ nghĩa hiện đại. Hai tác phẩm này đánh dấu mốc cách đây đúng 100 năm kể từ khi Picasso và Duchamp lần đầu tiên khẳng định tầm ảnh hưởng của họ lên nghệ thuật hiện đại.

ChaiKen.jpg

Tác phẩm Chai, kèn clarinet, báo, thủy tinh của Picasso
Hai “ông tổ” một thế kỷ

Năm 1968, khi nghe tin “đấu thủ” của mình là Duchamp qua đời ở Hoa Kỳ, lời nhận xét duy nhất của Picasso là: “Hắn đã sai rồi”. Nhưng trước khi chết vào năm 1973, Picasso đã tỏ ra phẫn uất khi thấy di sản của ông bị các nghệ sĩ khác thách thức và bỏ rơi, vì ngày càng có nhiều nghệ sĩ trẻ ưa thích Duchamp hơn - ưa những thứ mà ông không thể đội trời chung.

Duchamp là nghệ sĩ duy nhất đã thách đấu với tín điều của Picasso: con mắt, bàn tay, và chính hội họa. Duchamp cũng không chấp nhận cái thị trường nghệ thuật đang xuất hiện, và lật đổ nó bằng loại tác phẩm mang tính phản mỹ học truyền thống. Ông nói rằng: “Điều thú vị nhất về những nghệ sĩ là cách họ sống ra sao”.

Như vậy, thế giới nghệ thuật hiện đại được xem là cuộc đụng độ lớn giữa hai đối thủ: Picasso và Duchamp. Hai câu phát biểu dưới đây của hai họa sĩ tiêu biểu này được xem là những mâu thuẫn không thể hòa giải của họ và của nghệ thuật nói chung trong thế kỷ 20 và cho tới nay.
Pablo Picasso: “Giá như chúng ta có thể tháo bộ não ra và chỉ dùng đôi mắt thôi”. Marcel Duchamp: “Tôi quan tâm tới những ý niệm, chứ không phải vào những sản phẩm thị giác. Tôi muốn đặt hội họa trở lại phục vụ cho trí óc”.

Picasso thống trị nửa đầu thế kỷ 20, còn Duchamp thực sự lên ngôi nửa thế kỷ sau, tuy số lượng tác phẩm của ông tạo ra rất ít, nhưng tầm ảnh hưởng giờ đây tràn khắp nghệ thuật đương đại và hậu hiện đại. Từ những năm 1920, Duchamp tuyên bố từ bỏ nghệ thuật, đúng hơn, ông từ bỏ cái mà ông gọi là “nghệ thuật giác mạc” để chơi cờ, nhưng suốt hơn 20 năm phần đời còn lại này ông vẫn kín đáo làm nghệ thuật.

VanhXeDap_w_600.jpg

Tác phẩm Cái vành xe đạp của Duchamp

Readymade (ký chế phẩm)

Có lẽ Duchamp được người ta biết đến nhiều nhất, tuy đa số không hiểu ông, với việc phong tước cho cái bồn tiểu được đặt đảo ngược với chữ ký, trở thành tác phẩm nghệ thuật, và đặt cho nó cái tên là Suối nguồn(Fountain).

Trước Marcel Duchamp, chưa từng có tiền lệ trong nghệ thuật với cái ý tưởng bằng việc chọn một đồ vật tầm thường từ đời sống rồi đặt nó vào trong một phòng triển lãm, người nghệ sĩ có thể hoàn toàn thay đổi ý nghĩa của nó. Và qua việc tách nghệ thuật ra khỏi mỹ học, Duchamp đã chuyển bánh xe nghệ thuật lăn bánh theo một dòng khác, khác hẳn với cái dòng mà nó đi theo và kế thừa kể từ thời phục hưng, và từ đó hầu như bảo chứng cho mọi nghệ thuật được tạo ra ở châu Âu và Hoa Kỳ sau khi ông chết năm 1968, dù ở bất cứ mức độ nào đó đều có mang tư tưởng của ông.

Suối nguồn (Fountain), một cái bồn tiểu được ký với bí danh “R.Mutt” đã gây sốc thế giới nghệ thuật năm 1917. Năm 2004, Suối nguồn được chọn là “tác phẩm nghệ thuật ảnh hưởng nhất thế kỷ 20” do 500 nghệ sĩ tên tuổi và các sử gia nghệ thuật bầu chọn. Duchamp tự bình luận về tác phẩm của ông qua “Vụ Richard Mutt” như sau: “Họ nói bất kỳ nghệ sĩ nào trả sáu đô-la đều có thể triển lãm. Mr. Richard Mutt (tức Duchamp) đã gửi tới một cái bồn. Không hề có bàn luận, món đồ này biến mất và không hề được triển lãm. Cái gì là cơ sở cho việc từ chối cái bồn của Mr. Mutt? Một số cho rằng nó trái đạo đức và dung tục. Với những người khác, nó là thứ đánh cắp, một món đồ của cầu cống.

Bởi chưng cái bồn của Mr. Mutt không trái đạo đức, thật vô lý, chẳng khác gì xem một cái bồn tắm là trái đạo đức. Nó là một vật dụng mà bạn thấy hàng ngày trong những gian trưng bày đồ ống nước. Mr. Mutt có tự tay làm ra cái bồn này hay không, không quan trọng. Ông đã “chọn” nó. Ông đã đem một món đồ thường dùng trong đời sống, rồi đặt để nó sao cho cái ý nghĩa hữu ích của nó biến mất dưới cái tên mới và dưới điểm nhìn mới, tạo nên một ý tưởng mới cho món đồ ấy”.

SuoiNguon_w_600.jpg

Tác phẩm Suối nguồn (Fountain) của Duchamp

Khi tạo ra những tác phẩm readymade mang tính “phản nghệ thuật”, Duchamp tuyên bố ông tạo ra chúng không ngoài chủ ý nào khác ngoài việc giải phóng tư tưởng, với câu phát biểu nổi tiếng: “Tôi muốn tự mâu thuẫn với mình để tránh chiều theo thị hiếu riêng”. Và: “Bởi những tuýp sơn mà các họa sĩ sử dụng là những sản phẩm được sản xuất và được chế sẵn, cho nên chúng ta phải kết luận rằng mọi họa phẩm trên đời đều là “những readymade hỗ trợ” và cũng là những tác phẩm kết hợp”.

Trên thực tế, việc tạo ra thời điểm quyết định cái ý niệm về nguồn gốc nghệ thuật, phù hợp với việc giải trừ sự lãng mạn hóa và giải trừ cái thái độ chủ quan hóa. Nỗ lực của Duchamp là giảm trừ tác phẩm nghệ thuật thành một hành động vô danh thuần túy. Duchamp muốn hình thành tư tưởng chung về một thứ nghệ thuật tràn ngập trong đời sống bình thường: “Tôi thích sự sống, hít thở hơn là làm việc…, nghệ thuật của tôi là của sự sống. Mỗi giây phút, mỗi hơi thở là một tác phẩm, nó không được ghi khắc ở đâu cả, nó cũng không hình thù, không tiếng tăm, là một sự sảng khoái không ngừng”. Và quan niệm: “Nói chung, hành động sáng tạo không chỉ thực hiện một mình bởi người nghệ sĩ…; người xem cũng mang tác phẩm tiếp cận với thế giới bên ngoài bằng việc giải mã và thông giải những phẩm chất nội hàm của nó, và như vậy đóng góp thêm vào hành động sáng tạo”. Do vậy: “Nghệ thuật không phải là về tự thân nó mà là sự quan tâm mà chúng ta mang lại cho nó”.
Nghệ thuật readymade từ đó được ra đời khi Duchamp nhận thức rằng có thể thay đổi ý nghĩa của cái gì đó mà không cần phải thay đổi hình thức của nó. Từ đây trở đi, cái văn cảnh mà một đối tượng được nhìn thấy là điều quan trọng nhất, và những gì chúng ta thấy phụ thuộc vào những gì chúng ta tìm kiếm.

Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
 
×
Quay lại
Top