Sử Vấn đề phân chia giới tuyến quân sự tạm thời trong hiệp định Giơ-ne-vơ 1954

xam2507

không gì là mãi mãi.........
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/11/2011
Bài viết
30
Li m đu

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của quân và dân ta đã buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Trên mặt trận chính trị chúng ta đã thu được thắng lợi lớn bước đầu với việc hội nghị Geneva được mở ra ở Thụy Sĩ. Từ 17h ngày 20-7-1954 hiệp định Geneva được kí kết với việc lấy vĩ tuyến 17 làm phân định giới tuyến quân sự Bắc-Nam tạo thời cơ cho Việt Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trong năm 1956, thống nhất hai miền.
Vĩ tuyến 17 nằm ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị chỉ là một đường quy ước địa lí bình thường song đã trở nên nổi tiếng thu hút sự chú ý của toàn thế giới bởi nó đánh dấu thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, hoàn toàn giải phóng miền bắc, gắn liền với điểm xuất phát của một cuộc chiến đấu gan góc, dữ dội của dân tộc ta-cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954-1975) của nhân dân Việt Nam càng lùi dần, nhiều vấn đề liên quan đến cuộc kháng chiến thần thánh này càng trở nên có ý nghĩa, xét cả trên hai cấp độ vĩ mô và vi mô. Giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự (DMZ)-vĩ tuyến 17 là dấu ấn xác định tương quan giữa hai thế lực: cách mạng và phản cách mạng ở thời kì Chiến tranh Lạnh, đồng thời là nơi mà “trách nhiệm của quốc tế” đòi hỏi phải được thể hiện đối với Việt Nam trong việc duy trì đúng đắn nội dung hiệp định Geneva (1954) và sau này còn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi trở thành một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong suốt thời gian diễn ra hội nghị Pari về Việt Nam (1968-1973).
Đối với Việt Nam, DMZ là nơi đầu tiên diễn ra cuộc đụng đầu quyết liệt giữa nhân dân ta với đế quốc Mĩ xâm lược và các chính quyền tay sai; nơi mà đường lối kháng chiến chống Mĩ cứu nước của ĐCS Việt Nam ghi một dấu ấn sâu sắc. DMZ chính là “hình ảnh thu nhỏ” của cuộc kháng chiến chống Mĩ với sự đa dạng, phong phú quyết liệt của các hình thức đấu tranh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa…của quân dân hai miền Nam-Bắc trong tư thế “mặt đối mặt” với kẻ thù để từng bước đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá cách mạng của Mĩ và tay sai ở DMZ, tiến tới giải phóng hoàn toàn DMZ Nam vào năm 1967.
I. Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương

I.1. Giải pháp chia cắt Việt Nam

Ngày 27-7, tại Bàn Môn Điếm đã diễn ra lễ kí kết hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm, dập tắt một lò lửa chiến tranh nguy hiểm và làm dịu bớt tình hình căng thẳng trên thế giới. Sự kiện này đã thúc đẩy xu thế giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng con đường thương lượng hòa bình. Vì những mục tiêu, ý đồ chiến lược khác nhau, các nước Mĩ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc và cả Việt Nam DCCH đều tán thành ở mức độ khác nhau việc triệu tập hội nghị quốc tế ở Geneva để bàn giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Đông Dương.
Ngày 26-4-1954, hội nghị Geneva chính thức được khai mạc và đến ngày 8-5-1954 thì hội nghị bắt đầu chuyển sang bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thành phần tham dự hội nghị gồm có 9 đoàn đại biểu của các bên: Mĩ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam DCCH, quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia, trong đó Liên Xô và Anh được cử làm đồng chủ tịch hội nghị. Mỗi bên khi tham gia hội nghị, đều xuất phát từ những mục tiêu và ý đồ chiến lược khác nhau nên lập trường đàm phán cũng khác nhau.
Với mong muốn sớm thoát khỏi tình trạng sa lầy trên chiến trường Đông Dương, phía Pháp tìm cách kết thúc chiến tranh trong danh dự. Ngày 8/5/1954, phái đoàn Pháp đã trình bày lập trường của mình tại phiên khai mạc: Chấm dứt toàn bộ các cuộc xung đột ở Đông Dương dựa trên những sự đảm bảo cần thiết về an ninh; tách riêng vấn đề Campuchia và Lào dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đối với Việt Nam, chấm dứt xung đột, tập kết các quân đội chính quy hai bên vào những vùng có ranh giới rõ ràng và do các Ủy ban quốc tế kiểm soát trong lúc chờ đợi tổng tuyển cử tự do, từ đó sẽ đi đến ra giải pháp cuối cùng.
Lập trường của Pháp nhận được sự đồng cảm của phái đoàn Anh vì Anh không muốn ảnh hưởng cách mạng lan sang các thuộc địa của mình, càng không muốn bị lôi vào một cuộc chiến tranh khác ở Đông Nam Á nên lập trường của Anh là ủng hộ cho một giải pháp chia cắt cho vấn đề Đông Dương tương tự như giải pháp đã đạt được gần 1 năm trước đó ở Triều Tiên.
Quan điểm của Anh lại được sự chia sẽ của phái đoàn Liên Xô. Điều Liên Xô quan tâm lúc này là vấn đề Tây Âu mà điểm nóng thường trực là ở Beclin và nước Đức cùng mối đe dọa chủ yếu đến từ Mĩ và NATO. Sau khi Stalin qua đời thì xu hướng tìm kiếm sự hòa hoãn trong đường lối quốc tế của Liên Xô ngày càng rõ nét. Do đó, Liên Xô đã đồng ý với giải pháp chia cắt Triều Tiên và đang vận động cho tiến trình hòa dịu với Mĩ, Liên Xô chẳng thấy có lí do gì để kéo dài cuộc chiến ở một khu vực vừa rất xa Liên Xô vừa không giúp gì cho việc cải thiện quan hệ Đông-Tây.
Đặc biệt nhấn mạnh về phía Trung Quốc, do phải gánh chịu những tổn thất hết sức nặng nề ở Triều Tiên và đang cần tập trung sức lực cho kế hoạch 5 năm (1953-1957), Trung Quốc rất muốn giải quyết cuộc chiến tranh ở Đông Dương theo chiều hướng ngăn không để Mĩ có cơ hội can thiệp trực tiếp vào Đông Dương như đã từng làm ở Triều Tiên. Một giải pháp theo kiểu Triều Tiên là thích hợp nhất: một Bắc Việt Nam giáp ranh theo chế độ XHCN được dùng làm lá chắn, một Nam Việt Nam vẫn thuộc quyền kiểm soát của Pháp ngăn không để Mĩ vào. Ngày 24-8-1953, Chu Ân Lai đã tuyên bố “ Cuộc đình chiến ở Triều Tiên làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác” nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Có thể nói ngăn chặn Mĩ can thiệp vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung được đặt thành mục tiêu hàng đầu của phái đoàn Trung Quốc và do đó chi phối toàn bộ hoạt động của họ tại hội nghị. Bằng cách nào? Chấm dứt chiến tranh bằng giải pháp chia cắt Việt Nam là phương sách phù hợp nhất với hoàn cảnh thực tiễn của Trung Quốc và tình hình thế giới. thủ tướng Chu Ân Lai đã nhiều lần bày tỏ điều này trong các cuộc gặp riêng với các phái đoàn Anh, Pháp trong các ngày 16,17-6-1954.
Ngày 23-6, Chu Ân Lai gặp Tổng thống Pháp M.France và cho biết Trung Quốc ủng hộ ngừng bắn trước, thỏa thuận chính trị sau. Ông nói sẽ thúc giục Việt Nam DCCH ngừng can thiệp vào Lào và Campuchia, và dự tính khả năng sẽ có “hai Việt Nam”. Chu Ân Lai tỏ ý muốn thấy hai nước Việt Nam được thống nhất bằng đàm phán trực tiếp vào thời điểm sau này và không phản đối lập trường của Pháp là tổng tuyển cử sẽ không diễn ra trong thời gian gần. Ông đặc biệt nói rõ không để Liên hợp quốc can thiệp vào cuộc xung đột ở Đông Dương và rất lo ngại viễn cảnh Mĩ sẽ lập các căn cứ quân sự ở Đông Dương.
Ngay sau cuộc gặp gỡ với Chu Ân Lai, ngày 24-6, Mendes France ra chỉ thị cần tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn: định giới tuyến phân chia Việt Nam càng tốt, trì hoãn tối đa thời hạn tổng tuyển cử, kéo dài thời gian quân Pháp rút khỏi Bắc Việt Nam. Như vậy, Pháp đã tán thành giải pháp chia cắt Việt Nam.
Ngày 24-6, tại Washinton, đã diễn ra cuộc họp cấp cao về Đông Dương giữa thủ tướng và ngoại trưởng Anh với tổng thống và ngoại trưởng Mĩ, đề ra 7 điều kiện về một thỏa thuận đình chiến ở Việt Nam-Đông Dương, trong đó nhấn mạnh điều kiện giành cho phương Tây phần lãnh thổ phía Nam Việt Nam và một vùng khác lõm sâu ở đồng bằng Bắc Bộ. Mĩ-Anh cũng tán thành giải pháp chia cắt Việt Nam. Như vậy 4 trong 5 cường quốc tham dự hội nghị Geneva (Trung Quốc, Pháp, Anh, Mĩ) đã tán thành giải pháp chia cắt Việt Nam, tương tự như ở Triều Tiên.
I.2. Vấn đề xác định giới tuyến trong hiệp định Geneva-hội nghị Liễu Châu then chốt

Hội nghị Geneva trung giải quyết 4 vấn đề lớn trong một giải pháp kết thúc chiến tranh
· Vấn đề đình chiến và khu vực tập kết
· Vấn đề hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ
· Vấn đề quân sự, chính trị trong mối quan hệ giữa ba nước đông dương và giữa ba nước này với bên ngoài
· Vấn đề quan hệ với nước Pháp
Trong những vấn đề vừa nêu thì vấn đề đình chiến và khu vực tập kết đặc biệt gây ra nhiều tranh cãi trong tiến trình đàm phán ở hội nghị Geneva
Trước đó khi chuẩn bị tham dự hội nghị Geneva, 3 phía Trung-Xô-Việt chưa hoàn toàn nhất trí ý kiến về dự án đàm phán về vấn đề Việt Nam rốt cuộc là vạch một giới tuyến quân sự Nam-Bắc hay là xác định vùng tập kết quân sự của hai bên Việt-Pháp, phương án nào là lợi nhất còn đang trong thương lượng. Chu Ân Lai nghiêng về vạch giới tuyến Nam-Bắc và cho rằng vĩ tuyến 16 là thích hợp. Lúc này chiến trường Điện Biên Phủ còn đang gay go, quyết liệt, chưa phân thắng bại, vì vậy, mặt trận phía Đông (Xô-Trung-Việt) quyết định sau khi đến Geneva, sẽ căn cứ vào kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ mà xác định phương án đàm phán.
Tại Geneva, phương án giới tuyến dần dần được rõ thêm. Ngày 8-5, sau khi quân đội Việt Nam toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng có thái độ cứng rắn lên, mạnh dạn đưa ra ý tưởng vạch giới tuyến quân sự tại vĩ tuyến 13. Như thế Việt Minh có thể khống chế 2/3 lãnh thổ cả nước. Lẽ dĩ nhiên là các cường quốc phương Tây phản đối dữ dội phương án này. Phía Pháp bác bỏ, với lý do tuy những vùng Việt Minh kiểm soát có diện tích rộng lớn, nhưng lại có rất ít dân, trong khi quân đội Pháp kiểm soát toàn bộ các thành phố đông dân, các trục đường quan trọng ở đồng bằng và khu ven biển. Theo họ, vĩ tuyến 19, phía Bắc Đồng Hới, sẽ là thích hợp hơn. Trước sự cứng rắn không khoan nhượng của phái đoàn Việt Nam DCCH, ngày 24 tháng 6 năm 1954, phía Pháp đưa ra đề nghị ở vĩ tuyến 18, với lý do họ cần đường thông thương qua Lào, tức quốc lộ 9. Phía Việt Minh vẫn không nhượng bộ. Hội nghị đi vào bế tắc .
Ngày 29-6, tại washington, Mĩ-Anh đã đạt được “phương châm 7 điểm” về vấn đề Đông Dương. Trong đó có điều khoản “chí ít đảm bảo Việt Nam phải có một nữa lãnh thổ, nếu có khả năng thì bao gồm cả đồng bằng sông Hồng. Tận cùng phía nam của giới tuyến tạm thời không thể vượt quá Đồng Hới mà vị trí là ở Bắc vĩ tuyến 17”. Như thế, Anh-Mĩ đã chủ trương chia cắt Việt Nam thành 2 miền và lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới phân chia 2 miền.
Từ ngày 3 đến 5-7, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Chu Ân Lai tại Liễu Châu (Trung Quốc). Hai bên đã trao đổi ý kiến thẳng thắn và toàn diện về những vấn đề trong giải pháp kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, nhất là vấn đề phân vùng tập kết, giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn của cuộc tổng tuyển cử để thống nhất 2 miền. Cùng tham dự cuộc họp phía Việt Nam có đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuộc gặp này, thủ tướng Chu Ân Lai nói tình hình quốc tế yêu cầu có hòa bình, việc phân chia ranh giới tạm thời nên châm chước chừng nào để tranh thủ những cơ sở pháp lí cho một cuộc tổng tuyển cử hòa bình thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam trong vòng 2 năm. Trước đây, Pháp đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của phe ta, M.France và Anh, Mĩ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng với so sánh lực lượng trên thực tế chiến trường, không được vĩ tuyến 15 thì ít nhất cũng phải giành được vĩ tuyến 16 như trước đây Đồng minh đã chọn làm ranh giới tạm thời để giải giáp quân đội Nhật ở 2 miền nam-bắc Đông Dương. Còn thời hạn tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam ta nên đòi 6 tháng. Thủ tướng Chu Ân Lai khẳng định sẽ cùng trưởng đoàn Liên Xô cố gắng thực hiện ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, song nếu việc đấu tranh tại hội nghị xác định ranh giới tạm thời có khó khăn thì đề nghị được linh hoạt về giới tuyến.
Như vậy, sau khi tiến hành 8 lần họp trong 3 ngày tại Liễu Châu, lãnh đạo hai bên Trung-Việt đã đưa ra quyết định trọng đại cho số phận tương lai của Việt Nam, điều hòa lập trường hai bên tại hội nghị Geneva được nhất trí. Chu Ân Lai là người định ra luận cứ cho hội nghị Liễu Châu, sự lí giải và ủng hộ của Hồ Chí Minh cũng có tác dụng then chốt. Hoàn toàn thực hiện dự tính của Chu Ân Lai, hội nghị Liễu Châu đã lát con đường cho hội nghị Geneva cuối cùng giải quyết được vấn đề Đông Dương.
Ngay trong ngày kết thúc hội nghị Liễu Châu, Hồ Chí Minh đã viết điện chỉ thị cho Phạm Văn Đồng đưa ra các vấn đề then chốt về ngừng bắn và vạch giới tuyến cũng như vấn đề liên quan đến Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử. Về vấn đề vạch giới tuyến quân sự, Phạm Văn Đồng đã từng kiên trì phương án chia giới tuyến quân sự từ vĩ tuyến 13 đến bắc vĩ tuyến 14, bây giờ Hồ Chí Minh quyết định có thể nhượng bộ. Ông đề xuất lấy vĩ tuyến 14 hoặc 15 làm ranh giới. Nếu phía Pháp tối đa chỉ nhượng đến vĩ tuyến 17 và do đó làm cho đàm phán bế tắc thì phía Việt Nam có thể nhượng tới vĩ tuyến 15, tìm lí do để phản bác Pháp, ra sức đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16. Nếu như ở vĩ tuyến 16 còn có khó khăn, phía Việt Nam có thể nhượng bộ từ 3 mặt sau: 1.Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ 1 năm. 2.Lào có thể lợi dụng đường số 9 để đi ra biển. 3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ. Ngoài ra, còn vạch ra khu phi quân sự ở hai bên nam-bắc giới tuyến này, nó cũng kéo dài đến biển như giới tuyến tạm thời.
Qua 10 ngày đấu tranh, mặc cả gay go ở các diễn đàn khác nhau, những vấn đề then chốt, gay cấn được tháo gỡ bằng những thỏa hiệp ở cả hai phía.
Vấn đề phức tạp và quan trọng hàng đầu mà hai bên đều quan tâm là phân vùng, định ranh giới tạm thời cho hai phía ở Việt Nam. Trong thời kì này Trung Quốc, Liên Xô và ta buộc đối phương phải từ bỏ phương án chia vùng tập kết quân theo kinh tuyến Đông-Tây. Ta đóng quân vùng trung du miền núi từ Nam ra Bắc mà không có trung tâm lớn nào và phương án “da báo” . Ta giữ được khu V, bắc khu IV; Pháp được một vùng bắc Tuy Hòa đến nam khu IV; Nam Bộ và Bắc Bộ thì hai bên đóng xen kẽ nhau; Hồng Quảng và vùng kế cận thuộc Pháp; Hải Phòng có thể thành cảng tự do và Hà Nội, đường 5 thành khu phi quân sự hoặc khu cộng quản. Ta cũng buộc quân viễn chinh phải đồng thời đình chỉ chiến sự và rút quân khỏi Lào và Campuchia.
Đối phương phải nhượng bộ vì tình hình chiến trường Đông Dương sau chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là chiến trường phía bắc ngày càng xấu hơn với quân viễn chinh. Chúng buộc phải rút khỏi thành phố Nam Định và nhiều vị trí quan trọng ở đồng bằng Bắc Bộ. Hơn nữa, thời hạn cam kết trong 30 ngày đem lại hòa bình cho cuộc chiến tranh Đông Dương của thủ tướng MendesFrance sắp hết. Nhưng khó khăn nhất vẫn là việc chọn ranh giới giới tuyến quân sự. Trưa ngày 20-7, trưởng đoàn Liên Xô Molotov đã mời Mendes France, Chu Ân Lai, Eden và Phạm Văn Đồng đến họp ở trụ sở của phái đoàn Liên Xô. Tại đây, Molotov đã dàn xếp để các bên nhất trí đi dến thỏa thuận chọn vĩ tuyến 17 làm đường ranh giới phân chia lãnh thổ Việt Nam và quyết định 2 năm là thời hạn tổ chức tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Như vậy, lập trường chính đáng của ta hầu như bị thu hẹp dần vào một giải pháp thỏa hiệp vì lợi ích chiến lược riêng của các thành viên hội nghị. Từ chiến thắng quân sự đã chuyển sang thế bị động về chính trị và ngoại giao. Mức độ thắng lợi của ta bị giảm sút.
Xuất phát từ điều kiện cụ thể cuộc kháng chiến của ta, cũng như so sánh lực lượng giữa ta và Pháp trong cuộc chiến tranh và xu thế chung của thế giới sau chiến tranh thế giới thứ hai là giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng; đồng thời căn cứ vào thực trạng mối quan hệ giữa các nước lớn tham dự hội nghị, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc lúc đó, Việt Nam DCCH phải chấp nhận kí hiệp định Geneva, đồng nghĩa với việc chấp nhận quyết định lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Có thể thấy thắng lợi và hạn chế của giải pháp Geneva đối với Việt Nam phản ánh tương quan lực lượng giữa các nước lớn và phản ánh tính phức tạp về ý đồ chiến lược của các bạn đồng minh chúng ta trong quá trình đàm phán.
II. Sự thiết lập khu phi quân sự-vĩ tuyến 17 sau hiệp định Geneva

II.1. Các quy định về sự thiết lập DMZ-vĩ tuyến17

Sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21-7-1954, hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được kí kết giữa đại diện Quân đội nhân dân Việt Nam và đại diện Quân đội Liên hiệp Pháp. Điều 1 của hiệp định qui định:

"A provisional military demarcation line shall be fix, on either side of which the forces of the two parties shall be regrouped after their withiệp địnhrawal, the forces of the Peoples Army of Vietnam to the North of the line and the forces of the French Union to the South ... It is also agreed that a demilitarized zone shall be established on either side of the demarcation line, to a width of not more than 5 kilmetres fromit, to act as a buffer zone and ovoid any incidents which might result in the resumption of hostilities."
Tạm dịch:
"Một giới tuyến quân sự sẽ được quy định rõ để lực lượng của hai bên sau khi rút lui sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy: Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, lực lượng Quân đội Liên hiệp Pháp ở phía Nam giới tuyến... Hai bên đều đồng ý có một khu phi quân sự hai bên giới tuyến, mỗi bên rộng nhất là 5 ki-lô-mét kể từ giới tuyến trở đi, khu phi quân sự này dùng để làm khu đệm và để tránh những việc xung đột có thể làm cho chiến sự xảy trở lại".


Điều 4 của Hiệp định nói rõ thêm:

"The provisional military demarcation line between the two final regrouping zones is extended into the territorial water by a lie perpendicular to the eneral line of the coast."
Tạm dịch:
"Giới tuyến quân sự giữa hai vùng tập hợp kéo dài ra ngoài hải phận theo một đường thẳng góc với đường ven biển".


Giới tuyến cụ thể được quy định :

"The mouh of the Song Ben Hai (Cua Tung River) and the course of that River (known as the Rao Thanh in the mountains) the village of Bo Ho Su, then the parallel of Bo Ho Su to the Laos – Vietnam frontier. "
Tạm dịch:
"Cửa sông Bến Hải (sông Cửa Tùng) và dòng sông đó (trong vùng núi sông này gọi là sông Rào Thành) cho đến làng Bô-hô-su, rồi vỹ tuyến Bô-hô-su cho đến biên giới Lào - Việt"


Lúc 15h ngày 21-7-1954, bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị Geneva được công bố. Điều 6 của bản tuyên bố nói rõ: “ Hội nghị chứng nhận rằng mục đích căn bản của hiệp định về Việt Nam là giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ”. Đối với việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước ở Việt Nam, điều 7 của bản tuyên bố viết “ Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956; kể từ ngày 20-7-1955, hai bên sẽ gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”[1].
Song song với hội nghị Geneva, từ ngày 4-7-1954, hai đoàn đại biểu của Bộ tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ tổng chỉ huy Quân đội Liên Hiệp Pháp gặp nhau tại Trung Giã (Thái Nguyên) để bàn về các vấn đề như: trao trả tù binh, dân thường bị bắt trong chiến tranh, việc tiếp quản các thành phố… Sau khi hiệp định kí kết, hội nghị Trung Giã bắt đầu đi sâu bàn về việc thi hành hiệp định này. Ngày 3-8-1954, hiệp nghị về việc thành lập Ủy ban liên hợp (UBLH) để thi hành hiệp định được kí kết. Theo đó UBLH có nhiệm vụ đại diện cho hai bên đặt kế hoạch và thể thức thực hiện các điều khoản trong hiệp định đình chỉ xung đột và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ấy, đồng thời thương lượng, giải quyết mọi việc khác có liên quan đến hiệp định” nhằm “đảm bảo tôn trọng các đường ranh giới đóng quân tạm thời, giới tuyếnquân sự và DMZ”[2].

Bản đồ khu phi quân sự

Ngoài UBLH Trung ương cho toàn Việt Nam, hiệp nghị Trung Giã còn qui định Ban liên hợp cho các chiến trường[3]. Dưới ban ấy có các tổ liên hợp tỉnh tại và tổ liên hợp lưu động.
Thực thi hiệp nghị Trung Giã, UBLH Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn về giới tuyến quân sự và qui chế DMZ. Ngày 18-8-1954, UBLH Trung ương ra quyết định số 06/QD qui định về việc vạch giới hạn thực tế của DMZ, về số lượng công an mỗi bên trong DMZ cũng như việc ra vào DMZ. Ở đoạn giới tuyến quân sự trùng với sông Hiền Lương, mỗi bên sẽ chịu trách nhiệm đặt ở những địa điểm qua lại những tấm biển ghi bằng 2 thứ tiếng Việt-Pháp:

"Giới tuyến quân sự tạm thời
Ligne de démarcation militaire provisoire".

Trên đoạn giới tuyến lên đến biên giới Việt - Lào, cứ độ một cây số lại có một dấu hiệu như trên, đặt ở những chỗ dễ thấy.
· Giới tuyến quân sự và DMZ phải được quy hoạch xong trước ngày 27 tháng 8 năm 1954 và kể từ ngày đó hai bên phải rút tất cả lực lượng, vật liệu, dụng cụ quân sự ra khỏi DMZ.
· Trừ nhân viên của Ủy ban Quốc tế, các đội thị sát của Ủy ban quốc tế, Ủy ban liên hợp Trung ương, Ban liên hợp Bình Trị Thiên,các tổ liên hợp, nhân viên dân chính cứu tế và những người được phép riêng của Ban liên hợp Bình Trị Thiên, không một người nào dù quân nhân hay thường dân được vào DMZ cũng như vượt giới tuyến quân sự.
· Trừ vật liệu dụng cụ quân sự cần thiết riêng cho lực lượng an ninh, không một thứ vật liệu, dụng cụ quân sự nào được mang vào DMZ.
· Hai bên đều không được gây nên bất cứ một hành động xung đột nào trong DMZ, hoặc từ trong DMZ ra, hoặc từ ngoài vào DMZ và phải tránh mọi thái độ hay hoạt động có thể đưa đến xung đột
· Toàn thể những người từ 17 đến 60 tuổi (trừ những người tàn phế) vẫn sinh sống hoặc được tạm thời ra vào trong DMZ phía Nam và phía Bắc giới tuyến quân sự đều phải có giấy chứng minh của chính quyền mỗi bên trong DMZ cấp cho, trong đó ghi rõ tên tuổi, nam hoặc nữ, địa chỉ và dấu tích đặc biệt, nếu có thể thì sẽ có ảnh. Những người có giấy chứng minh ấy mới được phép ra vào tự do DMZ.
Ngày 15 tháng 9 năm 1954, Ủy ban liên hợp Trung ương ra Quyết định số 11/QĐ, quy định về giới hạn của DMZ ở hai bên giới tuyến quân sự.
Ranh giới phía Bắc DMZ được giới hạn bởi:
ü Một đường từ Đông sang Tây nối liền cửa sông phía Bắc sông Cửa Tùng tới làng Yên Du Bắc chạy thẳng qua làng Tân Trại Thượng và Liêm Công Tây đến mỏm 46.
ü Một đường ngăn đôi làng Liêm Công Tây và làng Đơn Thầm đi vượt qua quốc lộ số I ở chỗ chiếc cầu nhỏ cách 2,5km Đông Nam Đơn Duệ.
ü Một đường đi theo đường ranh giới phân chia các làng Quảng Xá - Tiên Lai - Tiên Trạo ở phía Tây và các làng Phan Xá - Lê Xá ở phía Đôn Geneva Đường này vượt qua đường xe lửa rồi men theo phía Tây làng Thủy Ba Hạ, đi qua các mỏm 16 - 15 rồi gặp dòng sông Ngọn Đan, đi theo con sông đó đến tận nguồn, đi sâu vào miền núi qua các mỏm 52, 84, 145, 414, 776, 1023, 1254, 917, 1250, 700.
Ranh giới phía Nam DMZ được giới hạn bởi:
ü Một đường đi từ bờ biển ở chỗ 281, 771 qua các mỏm 10, 5 và 23 đến sông Tân Yên. Từ sông Tân Yên chạy thẳng đến sông Cao Xá.
ü Đường ranh giới giữa các làng Trung Sơn, Gia Bình ở phía Nam và làng Đông Thị, Kinh Môn ở phía Bắc.
ü Dòng sông Kinh Môn giữa các chỗ 154 - 750 và 110 - 731.
ü Một đường nối liền chỗ 110 - 731 với con sông Khe Mước ở chỗ 189 - 715 bao gồm các con sông Thanh Hương và Thanh Khê.
ü Dòng sông Khe Mước đến chỗ 050 - 690.
ü Một đường đi qua các mỏm 330, 360, 415, 370, 624, 705, 628, 815, 895, 808, 1028, 422.
Đường ranh giới phía Bắc và phía Nam của DMZ sẽ được đánh dấu trên địa hình bằng những cọc gỗ, đặt ở những địa điểm dễ nhận thấy, có ghi những chữ “K.P.Q.S” ở một mặt. Những chữ đó, chữ nọ đặt dưới chữ kia, viết bằng sơn xanh hoặc đen trên nền trắng. Cọc cao 1,7m, cắm cách nhau xa hay gần tùy theo địa hình (tối thiểu là 50m, tối đa là 300m). Ở những ngã ba đường quan trọng, các cọc đó sẽ được thay thế bằng những biển ghi những chữ “Khu phi quân sự". Bắt đầu đến vùng rừng núi, phía Bắc từ Thủy Ba Hạ, phía Nam từ Thanh Khê trở lên đến biên giới Việt - Lào thì mỗi cọc cắm cách nhau chừng 1km.
Ở trên biển, DMZ là vùng giới hạn bởi hai đường ranh giới DMZ Bắc và Nam trên đất liền kéo dài và nghiêng 45 độ so với bờ biển.
Cũng theo quyết định này, việc bảo vệ Giới tuyến quân sự và DMZ sẽ do lực lượng công an và cảnh sát của hai bên đảm nhiệm. Mỗi bên có nhiều nhất là 100 người, kể cả cán bộ. Trang bị cho mỗi đội có 50% mang súng ngắn; số còn lại, 1/3 mang carbin, 2/3 mang tiểu liên, không có lựu đạn. Mỗi khẩu carbin hoặc tiểu liên có 200 viên đạn, mỗi súng ngắn 50 viên.
Để tạo thuận lợi cho kiểm soát Giới tuyến quân sự, quyết định trên còn quy định rõ 10 địa điểm nhân dân được phép qua lại, gồm có cầu Hiền Lương và 9 bến đò[4], nối đôi bờ sông. Tại những nơi này, mỗi bên sẽ đặt các đồn hay trạm gác của mình để kiểm soát và những ai muốn ra vào DMZ phải có giấy thông hành do Ban liên hợp DMZ cấp, gồm ba loại:
a. Giấy thông hành vĩnh viễn để đi lại trong DMZ mỗi miền do cơ quan hành chính cấp cho dân trong DMZ của mình, tuổi từ 17 đến 60.
b. Giấy thông hành tạm thời để vào DMZ do Tiểu ban hỗn hợp DMZ cấp cho những người ở ngoài muốn vào DMZ trong một thời hạn nhất định.
c. Giấy thông hành đặc biệt để vượt tuyến do Tiểu ban hỗn hợp DMZ cấp.
Việc kiểm soát hoạt động ở DMZ sẽ do Tổ Quốc tế 76 thuộc Ủy ban quốc tế, gồm có đại diện 3 nước Ấn Độ, Ba LanCanađa phụ trách. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra việc thi hành Hiệp định ở DMZ, có thể triệu tập Ban liên hợp DMZ họp nếu thấy cần thiết. Mỗi lần Tổ muốn đi kiểm tra ở đâu phải báo trước với Ban liên hợp DMZ và phải có đại diện Ban liên hợp đi theo để cùng giải quyết tại chỗ những việc xảy ra trong khu vực phụ trách.
II.2. Quy hoạch DMZ-vĩ tuyến 17 trên thực tế

Thực thi những qui định trên và để phù hợp với tình hình thực tế, trong các cuộc họp tại Hiền Lương, Ban liên hợp DMZ đã thống nhất việc khảo sát và cắm mốc DMZ theo các yêu cầu sau:
1. Về giới hạn: hiệp định chỉ quy định chung DMZ rộng tối đa 5km kể từ giới tuyến quân sự trở đi mà không nói về độ hẹp nhất là bao nhiêu. Do đó, để đảm bảo yêu cầu khoảng cách vừa đủ để ngăn cách lực lượng quân sự, hai bên nhất trí DMZ có giới hạn từ 2,5km đến 5km.
2. Việc lập DMZ phải không ảnh hưởng đến công việc làm ăn bình thường của nhân dân như không chia cắt xóm làng, ruộng vườn…Nếu đường ranh giới DMZ chạy ngang qua xóm làng nào thì đưa làng đó vào hoặc ra ngoài DMZ, hay đối với ruộng vườn cũng vậy, miễn sao đảm bảo DMZ rộng trong khoảng 2,5-5km.
3. Khi cắm cột mốc phải giữ khoảng cách thích hợp là từ mốc này phải nhìn thấy mốc kia.
4. Giới tuyếnquân sự và DMZ chỉ kéo dài đến những nơi có thể kiểm soát được.
Việc không kéo dài giới tuyến quân sự và DMZ là nhằm để phù hợp với thực tế khu vực từ Bến Tắt lên đến biên giới Việt-Lào rất dài, địa hình hiểm trở nên không thể khảo sát kịp trong thời hạn 25 ngày như hiệp định đã quy định[5]. Trong khi đó, theo quy định số 11 của Ủy ban liên hợp Trung ương, đại đội công an bảo vệ giới tuyến chỉ có 100 người nên nếu để giới tuyến quân sự và DMZ quá dài sẽ không kiểm soát được hết[6]. Sau khi khảo sát xong, ngày 30-8-1954, Ban liên hợp DMZ họp thông qua giới hạn của DMZ và trong ngày này, cột mốc đầu tiên được cắm ở Mũi Si. Tổng cộng, từ Mũi Si lên đến Hải Cụ có 133 cột[7]. Về vấn đề này, ông Hồ Sĩ Thản, nguyên thành viên Ban liên hợp DMZ nói rõ “ về phạm vi đường giới tuyến, ta đấu tranh không để ranh giới cắt qua giữa thôn làng, nghĩa là khi gặp thôn làng thì đường ranh giới phải lùi ra, đi vòng. Vì vậy, khi cắm mốc giới tuyến không theo đường thẳng mà dích dắc, quanh co. giới tuyến chỉ lên đến Khe Bằm, Bến Tắt (thuộc khu vực nghĩa trang Trường Sơn hiện nay), đến đây, ta viện lí do rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn không thể kiểm soát được…Như vậy, từ Cù Rừng lên đến biên giới Việt-Lào là không có ranh giới”.
Do thực tế trên nên ranh giới DMZ có độ rộng hẹp khác nhau. Chẳng hạn, cột mốc DMZ Bắc trên quốc lộ 1 chỉ cách cầu Hiền Lương 2,5km, cột mốc DMZ Nam ở Cao Xá (cũng trên quốc lộ 1) cách cầu 4,5km và cột mốc phía sau làng Tân Trại cách sông hơn 6km[8].
Sau khi qui hoạch, DMZ Nam có xã Vĩnh Liêm (11 thôn, dân số 10.406 người) và một nửa xã Vĩnh Sơn (có những thôn: Tân Xuân, Võ Kinh Đồng, Tân Kinh Đồng, Tân Lập, dân số 2.861 người). DMZ Bắc có xã Vĩnh Giang hoàn toàn phi quân sự (8 thôn, dân số 4.557 người), một nửa xã Vĩnh Sơn (có các thôn: Cổ Hiền, Phan Xá, Lê Xá, Huỳnh Thượng, Huỳnh Hạ, Tiên Cụ, Phước Sơn, Minh Đức; dân số 3.070 người), một số thôn của xã Vĩnh Tùng (Vĩnh An, Xóm Trăn, Xóm Chùa, Xóm Dâu, Tân Lý, An Băng, An Ngãi, Thọ Tây; dân số 3.607 người).

Kết luận

1. Để có thể chấm dứt chiến sự, đi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời ngăn ngừa mọi sự xung đột có thể xảy ra, tại hội nghị Geneva,Việt Nam chấp nhận giải pháp phân vùng chuyển quân tập kết. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI (tháng 7-1954) chỉ rõ “ tình hình chiến trường Đông Dương rất phức tạp, không điều chỉnh khu vực đóng quân thì không có cách nào đình chiến được. Việc điều chỉnh khu vực đóng quân càng dứt khoát, càng giảm bớt được những khả năng bắn nhau trở lại. Trên tinh thần đó việc tạm chia cắt đất nước là tất yếu song việc lấy sông Hiền Lương- vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự hoàn toàn không phải là sự “lựa chọn ngẫu nhiên” của lịch sử. Từ một địa danh ít được biết đến trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sông Hiền Lương-vĩ tuyến 17 nhanh chóng trở thành tiêu điểm thu hút sự quan tâm không chỉ của nhân dân cả nước mà còn của cả dư luận quốc tế.
2. Với nội dung của hiệp định, quy định số 6 và 11 của Ủy ban liên hợp Trung ương, có thể thấy quy định về giới tuyến quân sự nhìn chung không rõ ràng, trừ vùng đồng bằng (từ nam-bắc Cửa Tùng đến nam-bắc làng Bô-hồ-sư) được quy định rõ là dòng Hiền Lương, còn đường giới tuyến ở vùng rừng núi chỉ là những đoạn thẳng nối các điểm cao được xác định trên bản đồ do Pháp vẽ trước đây. Ranh giới ở ngoài cửa biển cũng chỉ là hai đường thẳng trừu tượng chiếu theo hai đường ranh giới DMZ. Đây chính là một trong những lí do khiến DMZ không được thiết lập đầy đủ như đã qui định. DMZ trên thực tế cũng không chạy hết giới tuyến mà chỉ trong phạm vi đường giới tuyến rõ rệt và giới hạn DMZ cũng không đều nhau, có độ rộng hẹp khác nhau tùy theo điều kiện địa hình và đảm bảo không thay đổi kết cấu làng xóm, ruộng vườn của nhân dân.
3. Những quy định trên không chỉ chia đôi nước Việt Nam mà còn chia đôi tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh, thậm chí chia cắt đến xã, thôn và từng gia đình ở Vĩnh Linh. Trên thực tế DMZ sau hiệp định đã trở thành “hình ảnh thu nhỏ” của nước Việt Nam với hai khu vực có hai chế độ chính trị-xã hội đối nghịch. Trong cùng một lúc nhân dân ta phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở DMZ Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở DMZ Nam. Do vậy DMZ trở thành nơi đụng đầu quyết liệt nhất của cách mạng và phản cách mạng để đi đến sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất tổ quốc.
4. Dù hết sức nỗ lực ngăn chặn, chính quyền Việt Nam cộng hòa vẫn không thể cản được ý chí thống nhất đất nước của những người Cộng sản. Tháng 10 năm 1967, trước áp lực của quân Cộng sản, toàn bộ các đồn cảnh sát Sài Gòn bỏ chạy và quận Trung Lương bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định giải tán. Đường giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam tại sông Hiền Lương được xóa bỏ. Từ tháng 6 năm 1969, vùng này nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đến hết năm 1975. Ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất họp phiên đầu tiên, chính thức xóa bỏ sự tồn tại của khu phi quân sự vĩ tuyến 17.
5. Ngày nay, vùng V-DMZ ngày xưa hầu như không còn dấu tích gì của sự chia cắt. Chỉ còn một số di tích cũ được nhà nước Việt Nam chú trọng phục dựng hoặc tôn tạo để phục vụ cho công tác bảo tồn và khai thác du lịch.

[1] Nguyễn Đình Bin (Cb), Ngoại Giao VN 1945-2000, NXB Chính trị QG, 2002, trang 159

[2] Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Trị, lịch sử đồn Biên phòng cửa Tùng, Đông hà, 2004, trang 28

[3] Ban liên hợp chiến trường bính-trị-thiên ra đời từ hiệp nghị trung giã đến 2-8-1955 đổi thành ban liên hợp DMZ theo quyết định số 33 của uBan liên hợp trung ương

[4] Gồm: Cửa Tùng-Cát Sơn; Tùng Luật-Xuân My; Phước Lý-Bạch Lộc; Chòi-Xuân Long; Hiền Lương-Xuân Hòa; Huỳnh Thượng-Võ Xá; Tiên An-Kinh Môn; Minh Hương-Hải Cụ; Bến Tắt-Cẩm Sơn

[5] Điều 5 của hiệp định “để tránh những sự xung đột có thể gây lại chiến sự, tất cả lực lượng, vật liệu và dụng cụ quân sự đều phải đưa ra khỏi DMZ trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày hiệp định này có hiệu lực

[6] Ngoài ra do Bến Tắt là cửa ngõ vào chiến khu Thủy Ba của ta trong kháng chiến chống Pháp nên cần phải giữ bí mật, không để cho các lực lượng khác vào kiểm soát khu vực này.

[7]Bảo tàng Quảng Trị, Hồ sơ di tích đôi bờ Hiền Lương, tài liệu trang 8

[8]Hoàng chí hiếu, khu phi quân sự-vĩ tuyến17 sau hiệp định Gionevo 1954, tạp chí lịch sử quân sự, số 4-2003
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top