Vân Vy - Thuận: Tiểu thuyết với giọng văn sắc sảo, cách nhìn về cuộc sống mang màu sắc khá khắc nghi

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Vân Vy – Thuận Vân Vy là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nét nhất những sáng tạo của Thuận với hình thức tiểu thuyết ngắn. Để phù hợp với hình thức sáng tác độc đáo này, cô đã chăm chút thể hiện tính triết lý một cách đầy đủ và sâu xa trong các tác phẩm của mình. Chất triết lý trong tác phẩm của Thuận toát ra từ những suy tư trực tiếp, từ những độc thoại của nhân vật, từ việc công khai đem vào truyện những trường đoạn tiểu luận. Một đặc điểm góp phần làm nên sự khác biệt, đặc sắc trong cuốn tiểu thuyết Vân Vy của Thuận là cô đã tạo ra được những biểu tượng nghệ thuật có sức khái quát và khả năng gợi ý nghĩa rất cao. Đó chính là những suy tư, trăn trở với bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập vào văn hoá nhân loại. Nhiều khi, Thuận còn cắt nghĩa tình trạng đời sống bằng cái nhìn văn hoá. Cũng nhờ đó, tác phẩm của cô mang lại được âm hưởng về chiều sâu của những suy tưởng triết lý và ám ảnh đến suy tư của độc giả. Cô phân tích nội tâm của nhân vật bằng thứ ngôn ngữ thấu suốt, đa cảm song cũng rất hiện đại, táo bạo và để lại cái dư cảm tinh tế đến bất ngờ. Chất thơ trong các câu văn của Thuận khiến người đọc cứ say mê, cứ ngỡ ngàng, cảm giác lâng lâng quả thực rất khó tả...
GIỚI THIỆU SẢN PHẨM Tóm tắt nội dung
Với Vân Vy, tác giả Thuận đã sử dụng một kết cấu khá đặc biệt: một cuốn tiểu thuyết gồm 20 chương với từng chủ đề độc lập; trước 15/20 chương có phần đề từ và một bài “Đả đảo độc tài tiểu thuyết “chân chính “trích từ tiểu thuyết Nicolas Page của Guillaume Dustan được đặt ở cuối tác phẩm”. Mỗi chương có nội dung khá độc lập, có thể tách ra như một truyện ngắn nhưng lại được nối kết với nhau nhờ các phần đề từ trước từng chương. Việc lồng các trích đoạn của một cuốn tiểu thuyết khác trong hai mươi chương sách của Vân Vy là cách Thuận kết nối các chủ đề của tác phẩm, làm mạch truyện trở nên vừa hàm súc, vừa giàu ý nghĩa.
Vẫn là một giọng văn sắc sảo, đậm chất miền Bắc quen thuộc và cách nhìn về cuộc sống mang màu sắc khá khắc nghiệt, Vân Vy tiếp tục là một câu chuyện khác của Thuận về đời sống của những Việt kiều tại Pháp, là câu chuyện của những cô gái Hà Nội và giấc mơ đổi đời cùng danh phận cao sang, cuộc đời khá giả, sung túc. Nét hấp dẫn chính là cách miêu tả nội tâm của nhân vật nữ tên Vy trong truyện. Vy được sang Pháp nhờ cưới một Việt kiều làm bác sĩ phụ khoa hơn Vy hai con giáp và họ bắt đầu sống một cuộc sống "đứng đắn", lịch sự và "tiết kiệm" như họ vẫn thường nói. Những trang sách trong cuốn tiểu thuyết từng bước một mang đến cho người đọc cái nhìn trực diện và có phần bạo liệt, gai góc về đời sống của người Việt tha hương, với những va chạm văn hóa, những giằng níu giữa quá khứ và hiện tại, cái được và mất thường tình. Không chỉ có Vy, độc giả còn được làm quen với một cô gái đồng tính nhưng phải sống trốn tránh, lén lút; một người chị mất chồng vì mải làm giàu để rồi cuối cùng lại mong muốn lấy Việt kiều với tiêu chí "không cần tiền chỉ cần đứng đắn"...
Vân Vy được viết phá cách từ nội dung đến hình thức thể hiện. Bề nổi của tiểu thuyết là những cuộc hoan lạc chớp nhoáng, những cuộc tình vụng trộm, những tệ nạn nhức nhối trong xã hội từ bấy lâu nay... Còn ẩn sâu bên dưới lại là những đau khổ, dằn vặt, những nỗi niềm cần được sẻ chia của từng nhân vật. Người đọc có thể thích thú hoặc ái ngại với đề tài t.ình d.ục được Thuận đề cập đến trong tập sách nhưng không ai có thể phủ nhận sức quyến rũ khó cưỡng của nó. Nó cuốn hút độc giả đến với câu chuyện, đến với những phận người đơn côi, hoang mang trong cuộc sống của chính mình và chỉ biết lấy niềm vui thể xác làm ý nghĩa sống. Qua từng trang sách, người đọc sẽ nhận thấy là sự giễu nhại một cách đầy ý thức của tác giả Thuận về sự hoài cổ của Việt kiều, về sự mục ruỗng trong những thang bậc giá trị mà đôi khi người ta vẫn cố công níu giữ. Song, vượt lên trên tất cả, tác giả mong muốn người đọc và cả xã hội đồng cảm hơn và có cái nhìn bao dung hơn với những phận người này. Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc nhưng sai lầm đôi lúc làm ta lạc lối, chênh vênh và tổn thương...
”... Tháng Tám miền Nam nắng trưa sung sức, Vy kéo đầu Vân vào ngực, tóc Vân đẫm mồ hôi, môi Vân nóng rực, da Vân lấp lánh màu đồng. Vy bảo giá thế này mãi mãi. Vân bảo Paris có gì mà quay lại. Vy im lặng. Vân im lặng. Chuông gió lao xao. Chín giờ năm phút từ tàu cao tốc, Vy gọi điện về văn phòng, rơi ngay phải sếp. Chưa kịp xin phép, sếp đã nói một hơi ba hồ sơ khẩn đang đợi, hai thân chủ đặc biệt ngày mai hầu tòa, không có chuyện ra sân bay đón chị họ hôm nay. Vy ngập ngừng nhưng chị họ đợi. Sếp gạt phắt, ai chết được vì đợi. Vy ngập ngừng thứ Bảy làm bù. Sếp gạt tiếp, Chủ nhật làm bù mới xong. Vy cám ơn, đặt máy, thế là mất trắng hai ngày nghỉ cuối tuần, làm bù lần này không phải tỉ lệ 3-1 mà 4-1, sếp đúng cáo hơn cả cáo, nhưng lại được sáu tiếng bên Vân. Vân dụi đầu vào ngực Vy, tóc đã bớt mồ hôi, môi đã bớt nóng, nhưng da vẫn lấp lánh như đồng. Vân bảo giá có bánh dày. Vy bảo bánh dày khó gì. Rồi mở túi lôi ra xâu bánh trắng, không cần nồi hấp, không cần lò vi sóng, tự động tan đá dưới nắng nóng miền Nam. Vân tủm tỉm: cô hàng bán cho tôi một cặp. Vy tủm tỉm: anh khách có cái gì đổi lại. Vân gạt xâu bánh, đè Vy xuống đệm: sức được mấy nả. Vy chồm dậy, ghì đầu Vân: đấu xong sẽ biết. Cả hai ôm nhau lăn trên sàn. Sàn nóng như lửa...”
Thông tin tác giả
Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, sinh năm 1967 tại Hà Nội, hiện đang sống ở Paris. Cô là một trong những nhà văn có công góp phần khơi dòng chảy tiểu thuyết ngắn trong văn học Việt Nam đương đại, cùng với Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Mạc Can, Nguyễn Viện, Bùi Hoằng Vị, Hồ Anh Thái... như là những hiện tượng tiêu biểu trong làng tiểu thuyết gần đây. “Phải nhảy xuống nước thì mới biết bơi”, với quan niệm này Thuận đã tìm đến thử nghiệm và khẳng định mình trên hình thức tiểu thuyết ngắn qua 5 tiểu thuyết “trình làng” liên tục trong 5 năm: Made in Việt Nam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, và Vân Vy. Hành trình sáng tạo theo hình thức tiểu thuyết ngắn của Thuận đang khẳng định một sự vận động không ngơi nghỉ của một người cầm bút ý thức với nghề và đặc biệt quan tâm tới nghệ thuật viết.
Thông tin thêm
Cuốn tiểu thuyết Vân Vy của Thuận được hoàn thành vào cuối năm 2007 với phần bìa sách do chính chồng cô - Trần Trọng Vũ, con trai nhà thơ Trần Dần – thiết kế. Mời các bạn tìm đọc!
 
×
Quay lại
Top