Xót xa nước mắt con trẻ khi bố hành hung mẹ

bamboo_kute

mất hết niềm tin rùi......huhu...
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2011
Bài viết
1.024
Bị từ chối đề nghị quay lại chung sống, Nguyễn Đình Tuấn ở ngõ Lệnh Cư, Khâm Thiên (Hà Nội) đã dùng dao sát hại vợ cũ. Vụ việc trên bắt nguồn từ những hành vi bạo hành nhiều năm của người chồng, còn người vợ cố gắng im lặng chịu đựng. Và bi kịch đau lòng đã xảy ra...

ImageHandler.ashx
Con dao tang vật và bức thư Tuấn chuẩn bị sẵn trước khi gây án.

"Lúc bác gọi điện bảo cháu xin phép cô giáo nghỉ học để vào bệnh viện vì mẹ sắp chết, cháu nghĩ ngay tới bố vì bình thường, mẹ đi xe máy rất cẩn thận, không thể xảy ra tai nạn giao thông. Chắc chắn bố đã làm gì mẹ. Nghĩ vậy nhưng trong lòng cháu mong chuyện xấu đó không xảy ra. Không ngờ đó lại là sự thật...".
Bên hành lang Phòng cấp cứu Bệnh viện 19-8, lời nói thật thà của con trẻ như dao cứa vào lòng. Những trận đòn của bố đối với mẹ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với Tuấn Anh, nhưng có lẽ cậu bé không ngờ có một ngày, người cha đã ra tay sát hại mẹ.
Vụ án kinh hoàng xảy ra sáng 3-3-2011, tại Trung tâm Pháp y, Sở Y tế Hà Nội, 35 phố Trần Bình, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Theo các nhân chứng kể lại, khoảng 8h30’, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (40 tuổi) đang trong Phòng Tổ chức hành chính - Kế toán cùng 2 đồng nghiệp nữ thì một người đàn ông từ ngoài xộc vào. Hai nữ đồng nghiệp nhận ra đó là chồng cũ của chị Nhung tên là Nguyễn Đình Tuấn. Hai người đã ly hôn từ năm 2008.
Tuấn kéo áo chị Nhung nói: "Cô đi ra ngoài nói chuyện". Chị Nhung gạt tay trả lời: "Tôi đã nói nhiều lần rồi, không giải quyết được việc gì". Lập tức Tuấn rút con dao nhọn giấu trong tờ báo mang theo ra đâm nhiều nhát vào người chị Nhung. Hai nữ đồng nghiệp kinh hãi chạy ra ngoài gọi bảo vệ. Ngay sau khi nhận tin báo, Công an phường Mai Dịch đã có mặt.








ImageHandler.ashx
Trung tâm Pháp y, nơi xảy ra vụ án.


Bà Bùi Thị Bích, mẹ chị Nhung lặng lẽ thở dài khi kể về cô con gái. Hồi chị Nhung yêu Tuấn, thấy cậu ta không có nghề nghiệp ổn định mà Nhung thì còn quá trẻ, gia đình can ngăn nhưng tiếng gọi tình yêu đã vượt ra khỏi lý trí. Con không nghe lời, gia đình bà Bích buồn lắm nhưng cũng không thể làm quá, sợ Nhung vì trẻ người non dạ sẽ làm liều. "Đến khi cái Nhung sinh con, tôi cũng nguôi ngoai dần, không giận vợ chồng nó nữa" - bà Bích sụt sịt.
Thời gian đầu, Tuấn cũng chịu khó kinh doanh buôn bán nuôi vợ con. Nhưng được ít năm, Tuấn sinh ra đổ đốn, lô đề, cờ bạc, đến mức phải bán nhà. Bà Bích phải cho mẹ con chị Nhung về tá túc. Cuộc sống gia đình đổ dồn lên vai chị Nhung. Một mình chị đi làm vừa nuôi con, lại vừa nuôi chồng.
Năm 1996, chị Nhung sinh cháu thứ hai là Nguyễn Tuấn Anh. Những tưởng có thêm con, Tuấn sẽ tu tỉnh làm ăn. Nào ngờ anh ta vẫn chứng nào tật ấy, không những không đỡ đần được vợ con mà còn có con riêng với một người phụ nữ khác.
Nhiều lần chị Nhung đến gặp người phụ nữ kia và Tuấn, nói thẳng nếu hai người thật sự yêu thương nhau, chị sẽ tạo điều kiện ly hôn và chấp nhận nuôi 2 con, nhưng Tuấn không đồng ý. Thương 2 đứa trẻ, khi cơn giận đã nguôi ngoai, chị Nhung và gia đình bà Bích cho Tuấn quay về đoàn tụ.
Tuy nhiên, Tuấn vẫn chứng nào tật ấy, đã không nuôi được vợ con còn cờ bạc, rượu chè. Mỗi lần uống rượu say, Tuấn đánh vợ thâm tím mặt mày. Xấu hổ với gia đình, với mọi người, chị Nhung cắn răng chịu đựng, không dám thổ lộ với ai.
Nhắc đến bố, cả hai cậu con trai của chị Nhung đều rùng mình khi nhớ lại những trận đòn của người cha vũ phu. Mỗi khi bố đánh mẹ, hai cháu đều chạy ra đỡ đòn nhưng Tuấn không dừng tay. "Ngày bé, có lần anh trai cháu kể bố lấy khăn thít cổ mẹ. Lúc đó bé quá cháu chưa hiểu, nhưng lớn lên, chứng kiến bố đánh mẹ nhiều lần, cháu thấy sợ bố lắm. Nhiều lúc đến lớp, cháu buồn không muốn học. Mấy bạn thân biết chuyện đã động viên cháu rất nhiều. Cháu nhớ nhất là lần cuối cùng trước khi ly hôn, bố đập cốc thủy tinh xuống nền nhà, dùng mảnh vỡ dọa rạch mặt mẹ. Cháu chạy lại xin nhưng bố vẫn đuổi đánh. Mẹ phải chạy vào khu nhà trọ gần đó, bố vẫn không tha, cầm búa đuổi theo". Cháu Tuấn Anh bật khóc vì thương mẹ khi nhớ lại những chuyện cũ. Không chịu nổi người chồng bạo hành, năm 2008, chị Nhung quyết định ly hôn.
Thế nhưng sau ly hôn, Nguyễn Đình Tuấn vẫn không buông tha vợ cũ. Thỉnh thoảng, anh ta tìm đến nhà, cơ quan chị Nhung đe dọa, bắt quay lại, nếu không sẽ giết. "Xấu chàng hổ ai", chị Nhung giấu mọi người vì nghĩ anh ta chỉ dọa chơi. Thấy Tuấn nhiều lần tìm gặp, có lúc chị đã mềm lòng, cho anh ta chiếc xe máy cũ để làm ăn, có cơ hội đưa đón con cái giúp chị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, xe cũng chẳng còn.
Tối 2-3, Tuấn lại đến nhà chị Nhung đòi quay lại. Chị Nhung trả lời dứt khoát: "Tôi đã cho anh cơ hội nhưng anh không tu tỉnh, nên xin anh để yên cho tôi nuôi con". Tuấn tỏ ra rất tức giận, đe dọa sẽ giết chị. Tối đó, chị Nhung điện thoại cho một người bạn thân kể lại sự việc. Người bạn này khuyên chị nên báo công an để đề phòng bất trắc. Không ngờ đến sáng 3-3, Tuấn hành động thật.

Khi bắt giữ Nguyễn Đình Tuấn, Cơ quan Công an thu giữ trong túi áo của y một bức thư đã được viết từ trước có nội dung: "Tôi tên là Nguyễn Đình Tuấn, ở số nhà 6 ngõ Lệnh Cư, Khâm Thiên. Ai đọc được thì nhắn cho anh Dũng là anh ruột tôi. Hôm nay tôi đi gặp vợ tôi là chị Nguyễn Thị Nhung, nói chuyện vợ tôi không nghe là tôi tự tử trước mặt vợ tôi...". Trong thư, Tuấn còn dặn dò anh trai lo hậu sự cho mình, chia phần thừa hưởng nhà đất của Tuấn cho các con trai sau này và trả giúp chiếc xe máy cho một người bạn ở Gia Lâm.
Theo một điều tra viên, việc viết thư chứng tỏ đối tượng Nguyễn Đình Tuấn đã có sự chuẩn bị gây án rất kỹ. Nắm được quy luật sinh hoạt, giờ làm việc của chị Nhung, Tuấn đã chuẩn bị sẵn dao nhọn và quyết tâm giết chết vợ.
Ngay cả khi Cơ quan Công an xuất hiện, anh ta tìm cách "cố thủ", giữ không cho mọi người đưa chị Nhung đi cấp cứu. Khi được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết chị Nhung bị Tuấn đâm thấu phổi và nhiều vết thương trên tay, chân.
Cố giữ vẻ bình tĩnh hơn cậu em trai, nhưng Tú, cậu con trai lớn của chị Nhung đang là sinh viên đại học vẫn không giấu được cảm giác uất hận. Tú kể nhiều đêm khi cả nhà đã đi ngủ, bố vẫn dựng mẹ dậy để chửi bới. Mỗi lần uống rượu say, bố thường dùng dao, búa đuổi đánh mẹ, thường xuyên đe dọa sẽ giết. Nhiều lần như vậy, chị Nhung đều âm thầm chịu đựng.
"Chính chúng cháu khuyên mẹ nên ly hôn, vì mẹ chịu đựng thế là quá đủ rồi. Biết bố không làm ra tiền, mẹ cháu chấp nhận, chỉ có một đề nghị là bố ở nhà lo cơm nước hàng ngày, không cờ bạc nữa, nhưng bố cháu không chịu. Chúng cháu cũng rất buồn khi gia đình tan vỡ. Nhưng thà ba mẹ con cháu sống với nhau còn hạnh phúc hơn là có bố", Tú chua xót nói.
Trên hành lang trắng toát, bóng áo đồng phục học sinh của cháu Tuấn Anh thơ thẩn đi lại, gương mặt buồn đến thẫn thờ. Chốc lát, cháu tựa lưng vào cửa sổ, người run lên bần bật. "Cháu buồn cô ạ. Hận bố cháu cũng chẳng để làm gì. Chỉ thương mẹ cháu chịu khổ nhiều quá rồi. Cháu chỉ mong mẹ sớm bình phục để trở về. Và mong sau này mẹ cháu sẽ được bảo vệ...".
Vẫn biết chịu nhịn là đức tính tốt của người phụ nữ để giữ gìn gia đình hạnh phúc. Nhưng đôi khi sự im lặng, nhẫn nhịn như chị Nhung lại dẫn tới hậu quả khó lường. Bởi người hứng chịu nỗi đau, hơn ai hết vẫn là những đứa trẻ.
Vết thương của chị Nhung rồi sẽ lành theo thời gian, nhưng vết thương trong tâm hồn hai cậu con trai của chị, có lẽ sẽ ám ảnh suốt cuộc đời. Giá như, chị Nhung có thể dũng cảm chia sẻ với người thân, bạn bè từ những lần bị chồng bạo hành trước đây để được chia sẻ, giúp đỡ, thì có thể hậu quả đau lòng không xảy ra...

Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, những người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình trong một thời gian dài thường phải chịu những hậu quả về sức khỏe thể xác và tinh thần nghiêm trọng sau này. Ngoài ra, con cái của những người phụ nữ này cũng chịu những tác động xấu trong tương lai.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa bé trai từng chứng kiến bạo lực gia đình hồi nhỏ thì sau này cũng có nhiều khả năng sử dụng bạo lực đối với chính vợ con của mình. Khi họ mạnh mẽ lên và có kiến thức và thêm nữa họ hiểu quyền của mình thì họ biết cách tự bảo vệ họ trước tiên và sau đó họ tìm cách thay đổi người chồng. Rất nhiều người sau đó gia đình trở nên hạnh phúc và gia đình không có bạo lực. Có một số người thì đã ly hôn thành công.
Bạo lực gia đình tại Việt Nam giờ đây đã không còn là câu chuyện đằng sau cánh cửa khép kín của mỗi gia đình. Thực tế nhiều người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình ở Việt Nam đã bắt đầu dũng cảm cất lên tiếng nói để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Hãy dũng cảm đương đầu với sự thật và tìm cách giải quyết trước khi quá muộn.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Tôi hiểu cảm giác của hai đứa trẻ! Hy vọng những người cha đọc được những lời này thấu hiểu cho cảm xúc của con cái mà k có những hành động vũ phu như thế!
 
×
Quay lại
Top