Văn YUKIGUNI (TUYẾT QUỐC) - Yasunari Kawabata : Tác phẩm kinh điển đạt giải Nobel (1968)

nguyenanhtuan1992

Thành viên thân thiết
Staff member
Thành viên thân thiết
Tham gia
11/3/2011
Bài viết
49
Dẫn Nhập
Đây là chuyện ngắn phỏng dịch dựa vào quyển tiểu thuyết "Yukiguni" (雪国) của văn hào Kawabata Yasunari (川端康成・người đoạt giải Nobel về Văn Học cho Nhật Bản năm 1968) do nhà xuất bản Shincho Bunko (新潮文庫) ấn hành năm 1971. Người viết cũng mượn rất nhiều lời hay ý đẹp qua âm nhạc và hình ảnh của phim "Yukiguni" do giám đốc Oba Hideo (大庭秀雄) - hãng phim Shochiku (松竹) chế tác năm 1965 và do Iwaa Shima (岩下志麻 vai Komako), Kimura Isao (木村功 vai Shimamura) và Kaga Mariko (加賀マリコ vai Yoko) đóng 3 vai chánh. Quyển dịch sang Anh ngữ "Snow Country" của Edward G.Seidensticker -1957) cũng giúp cho người viết nhiều bí quyết về cách dụng ngữ để làm cho bài viết nầy rõ ý hơn.
Qua Website của các hãng du lịch địa phương vùng Echigo Yuzawa, người viết cảm thấy rất sung sướng khi được nhìn "trộm" cái dung nhan diễm lệ của bà Matsuei (松栄・Tùng Vinh) (1) - người Geisha thực sự đã mang đến nguồn cảm hứng cho Kawabata để sáng tác ra kiệt tác "Xứ Tuyết" của thế kỷ thứ 20. Tuy đã sau hơn 3/4 thế kỷ, cái đẹp của bà Matsuei thuở Da tuyết Mắt xanh Má hồng còn làm cho đàn ông như tôi rung động ngẩn ngơ không đủ lời để diễn tả. Hơn thế nữa, trong phim "Yukiguni" nữ tài tử Iwaa Shima đã trình bài hết sức tài tình về cái đẹp của nàng kỹ nữ Komako (駒子・Câu Tử), cái Mỹ học của phụ nữ Nhật Bản, cái Văn hóa tuy lạ nhưng không xa với cái gì đã từng xảy ra ở Việt Nam ta vào đầu thế kỷ thứ XX - Ông Nghè ông cống có vợ bé "ả đào" là chuyện thường và người phụ nữ là kẻ vô tội tiết trung hy sinh nhất trên đời.
Cái văn phong của Kawabata trong tiểu thuyết "Yukiguni" quá tài tình và lý thú, nó gợi lên trong đầu của người đọc hình ảnh tả chân không khác gì như lúc nhìn những bức tranh "ukiyoe"(浮世絵・tranh phù thế) Nhật Bản: "Tabi"(足袋・bit tất trắng) của bàn chân Geisha nhỏ bé, "Obi"(帯・đai áo Kimono), "Kami"(髪・tóc của kỹ nữ), Kyodai (鏡台・giá gương soi), "Ozashiki-gi" (お座敷着・kimono của "real Geisha"), "Kanzashi"(簪・cây “trâm” cày tóc), "Genrokusode"(元禄袖・một loại casual kimono), rồi "Chijimi"(縮・vải dệt từ chỉ gai cho kimono mùa hè). Có lúc lại quá táo bạo khiến người đọc phải ngạc nhiên và gây bối rối cho người dịch vì không biết phải chuyển ngữ như thế nào để làm vừa lòng người đọc không có cùng một mức độ cảm khái(2). Theo dịch giả Seidensticker, lối dùng văn trong "Xứ Tuyết" của Kawabata làm cho ông nhớ đến "Haiku" (của Thi bá Bashô (芭蕉)?). Đối với người viết bài nầy, cái thi vị bàng bạc khi đọc "Yukiguni" gợi lại những kỷ niệm êm đềm xa xưa như lúc đọc tiểu thuyết của thế hệ cha anh mình, trong đó có truyện "Hồn bướm mơ tiên" của Khái Hưng chăng?.
Vài lời nói thêm về phim "Yukiguni" (Xứ Tuyết) của Oba Hideo: Đây là phim Fuji Technicolor do hãng phim Shochiku chế tác. Người phụ trách âm thanh là Yamamoto Naozumi (山本直純) cho ta thưởng thức cái âm hưởng cổ điển Nhật Bản qua tiếng sáo buồn và viôlông tha thiết, tiếng còi hú của đầu máy xe lửa dưới màn đêm mông lung, tiếng đơn điệu của bánh xe lửa đang lăn nghiến trên con đường sắt chạy về một chân trời xa thăm thẵm, rồi có tiếng ngâm "Noh"(能・năng) của người lữ khách quán trọ. Có lẽ Komako sẽ không quyến rủ thằng "tôi" được nếu không có Iwaa Shima đóng vai của nàng. Trong phim nầy Shima vừa cho thấy cái đẹp thanh tú trong trắng của người con gái Xứ Tuyết "Hokuriku bijin" (北陸美人・Bắc Lục Mỹ Nhân) lúc tuổi 19-20. Nó gợi lại hình bóng vừa "kawaii"(可愛い-dễ thương) vừa "kawaiso" (可哀そう-tội nghiệp) của Tanaka Yuko(田中裕子)và của cô bé Kobayashi Ayako (小林綾子) trong vai "Oshin" 30 năm trước.
Về tầm vóc nghệ thuật, phim Yukiguni của Oba Hideo cũng chẳng kém gì khi so với phim "Doctor Zhivago" (tác giả tiểu thuyết là Boris Pasternak) do giám đốc Giacomo Campiotti chế tác năm 2002 -("Masterpiece classic Theater" của đài TV PBS). Cái bi đát của cặp ba tình nhân Komako-Shimamura-Yoko nào có khác gì cái bi đát của Lara-Yuri (Zhivago)-Tonya trong phim Doctor Zhivago. Cả hai câu chuyện "Tình" đã nói lên được cái tuyệt đỉnh của "Yêu" mà người Nhật gọi là "Dai ren-ai"(大恋愛・đại luyến ái) có khác! Vì thế đã mang đến cho người viết ra nó 2 cái giải thưởng Nobel chăng? – Naruhodo!
Phần 1
Sau khi vượt ra khỏi con đường hầm biên giới dài thăm thẫm... đó là xứ tuyết. Mặt đất trải trắng xóa dưới màn đêm. Con tầu đã dừng lại nơi trạm kia... (3). Người con gái ngồi hàng ghế phía trước Shimamura vội vã đứng lên rồi mở toang cửa sổ kính của toa tầu để cho luồng gió lạnh buốt trôi vào. Cô đưa đầu ra ngoài và hướng về người nhân viên phục vụ nhà ga: "Bác xếp ga ơi...bác xếp ga ơi...". Người đàn ông trùm mũ lông xuống đến gáy và choàng cái khăn ấm "erimaki" (maffler) lên đến mũi ngoảnh lại nhìn:"Ô kìa...có phải Yoko đó chăng? Cháu đã về đến đấy à? - Trời hôm nay lạnh lắm đấy nhé... ". "Vân, vân thưa bác. Em cháu hôm nay có làm nơi đó không...Nó còn ngây thơ lắm, mọi sự xin nhờ bác dạy dỗ giúp đỡ cho...." người con gái ngân cao vọng nói vừa trong sáng vừa thành khẩn. Thế rồi khi xe bắt đầu lăn bánh trên đường sắt, cô ta cố ngân vọng lên một lần nữa rất thiết tha tưởng chừng như để gửi tiếng gọi của mình vượt qua tiếng còi hú của đầu xe hỏa: "Bác ơi...bác làm ơn nhắn lại với em cháu là khi có nghỉ lễ thì nhớ về nhà thăm cháu nhé...".” Được rồi, cháu đi về đường cẩn thận”.
Đã 3 tiếng đồng hồ trôi đi trên chuyến tầu hỏa về miền Jôetsu (上越- Thượng Việt, i.e. Tây Bắc NB), giữa lúc buồn bã chán nản, Shimamura trầm ngâm nhìn ngón trỏ của bàn tay trái mình trong khi cong co nó lên xuống. "Giờ nầy có lẽ chỉ có ngón tay nầy còn nhớ rõ người con gái mà mình sẽ tìm đến gặp trong chuyến đi nầy". Càng cố gợi lên hình ảnh của nàng bao nhiêu, càng nhạt nhòa bấy nhiêu....Trong cái hoang mang cực kỳ của ký ức hình như chỉ có ngón tay nầy còn ướt át với sự gần gũi âu yếm của nàng...Thế rồi chàng để cho nó lôi kéo mình về người con gái kia ở một nơi xa vời. Trong lúc mơ màng chàng đưa ngón tay vẽ mũi mình để giúp tìm lại cái nhung nhớ của dĩ vãng. Nhưng vô tình ngón tay đó đã vẽ một lằn gạch trên cái kính cửa sổ đọng hơi nước của toa tầu để hiện ra một con mắt của nàng thiếu nữ ngồi trên băng ghế xéo gốc phía trước - đó là Yoko (葉子・Diệp Tử). 
Rồi không kiềm nén được sự tò mò, Shimamura giả vờ như một lữ khách tha hương muốn nhìn thấy quê xưa sắp đến, anh lấy bàn tay gạt hết màn hơi nước đọng trên kính cửa sổ của mình để nhìn "lén" cái gương mặt trái soan xinh đẹp nhưng còn ngây thơ của nàng qua sự phản chiếu trên kính cửa sổ trong khi cảnh vật bên ngoài xe chạy đến rồi trôi qua như phim trên một màn bạc huyền ảo.
Yoko ngồi bên cạnh một người đàn ông còn trẻ tuổi. Nàng có đôi mắt nhung ướt át buồn hiu lúc nào cũng mở to nhìn châm chú người đàn ông hình như đang hôn mê trong cơn bệnh nặng. Với cử chỉ như một người hiền mẫu hay vợ ngoan, cô gái thỉnh thoảng cúi xuống gần mặt anh hỏi nhỏ ân cần, rồi lấy khăn choàng của mình đắp lên thân người trai đang co nằm gác chân trên ghế. Đôi lúc đóm ánh sáng đèn trên đồi kéo về rơi vào con mắt long lanh của nàng thiếu nữ trên kính cửa sổ, khiến người nhìn tưởng chừng như bắt gặp được con lân trùng (4) trên biển cả dưới màn đêm giá lạnh. Đối với Shimamura, đây chẳng khác gì đang trong lúc mộng mơ. Anh không hiểu rõ điều mình thấy có phải là hiện thực hay ảo huyền, nhung nhớ hay luyến tiếc, nó vội đến gần rồi lại ra đi theo nhịp "xình xịt" đơn điệu của tiếng bánh sắt nghiến trên đường rầy xe hỏa.....
Vào đầu mùa Xuân năm đó sau chuyến đi leo núi trên vùng Hokuriku (北陸・Bắc Lục) miền Tây Bắc, trên đường về Tokyo Shimamura ghé sang làng Yuzawa (5) của xứ Echigo để nghỉ lấy lại sức. Yuzawa đã từng là nơi dừng chân cho khách hào hoa văn thi sĩ xứ Phù Tang đến tìm cái cảm khoái trong bể nước nóng ôn tuyền, cũng vừa đến để mua vui với các "Geisha" (芸者・nghệ giả -kỹ nữ hay ả đào) như đã từng diễn ra nhiều thế hệ trước. Điều đó không là ngoại lệ đối Shimamura. Được thừa hưởng gia tài giàu có của cha mẹ, tuy đã có vợ và con thơ anh không thành khẩn lắm với kế sinh nhai mỗi ngày. Shimamura tự dựng cho mình một cái nghề tài tử phong lưu (hay sở thích chăng?) - đó là chuyên gia về vũ nghệ Ba-lê Tây Phương, nhà nghiên cứu hoạt kịch cổ truyền, và cũng là nhà dịch thuật văn chương Pháp ngữ dù rằng anh chưa từng bao giờ quan thưởng môn vũ Ba-lê nầy.
Sau khi check-in với một lữ quán trong vùng và đi tắm rửa sạch sẽ, chiều hôm đó Shimamura nhờ người Jochu (女中・đàn bà đày tớ quét dọn) của lữ quán mướn giùm mình một Geisha. Vì đúng vào lúc trong làng có nhiều buổi tiệc lớn, các Geisha đều bận phục vụ với khách đặt trước cho nên không có thể giúp được cho anh. Nhưng rồi người Jochu đề nghị: "Thay gì mướn một Geisha thiện nghệ, có một thiếu nữ đang tập sự để thành Geisha, may ra tôi có thể hỏi thử thì anh nghĩ sao?". Shimamura liền tán đồng.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau đó, có tiếng chân người bước đến cửa phòng rồi người Jochu hiện ra dắt theo sau một nàng con gái trẻ. Shimamura quá ngạc nhiên và ngẩn ngờ vì trước mắt mình là một thiếu nữ quá ư xinh đẹp, thanh khiết và trong trắng ngoài sự tưởng tượng của mình. Thực ra trong lúc đợi người con gái làm Oshaku (お酌・chước - cô gái rót rượu) cho mình, Shimamura nghĩ một cách thường tình là nơi nhà quê núi non xa lánh đô thị lớn như đây, mọi người đàn bà dù cho là Geisha đi nữa chắc chẳng có gì đáng quyến rũ. Anh đã lầm to rồi.
Shimamura như rơi vào trong một giấc mơ mong lung khi người còn gái vừa quá tuổi trăng tròn có tấm thân đầy đặn đến quì gối cúi chào anh đưa cái gáy cổ trắng như bông như tuyết với lời thốt nhẹ nhàng: "K-o-m-b-a-n-wa…Ko-ma-ko to i-i-ma-su" ((Chào anh...em tên là Komako) ) quá tươi mát và ân cần. Đột nhiên người đàn ông phong lưu sung sức nầy không còn thấy hao hức thèm khát nữ giới như một tiếng đồng hồ trước đây nữa. Trước mắt anh đây là một “Mitsukai” (天使・thiên sứ, angel) biễu tượng của trinh trắng trong sạch, của thánh thiện hoàn hảo, của chân thật nồng nàng đầy nữ tính. Nó khiến cho anh không biết phải làm sao để đối phó ngoại trừ sự chiêm ngưỡng trong khi lo âu như sợ cho cái ảo huyền ly kỳ nầy sẽ bị tan biến bể vỡ đi qua tiếng tim đạp của mình… Thế rồi Shimamura nhận chén rượu nồng của nàng kỹ nữ "tập sự" trong tâm trạng như thế và tiễn nàng ra về sau buổi chiều đêm.
Sáng ngày hôm sau trước khi đến phục vụ buổi tiệc của nhà Ryotei (料亭・liêu đình - tức tửu điếm), Komako (駒子) ghé thăm Shimamura (島村). Như một cô gái ngây thơ tò mò với khách từ miền đô hội đến viếng, nàng đôi lúc thẹn thùng với khách lạ làm cho đôi má trắng mịn màng ửng hồng. Rồi lại quấn quít bên người đàn ông có vẽ hào hoa “interi”(インテリ・trí thức) như người anh quen từ lâu. Trước con mắt tò mò của chàng trai, nàng con gái nầy có cái sóng mũi tuy hơi “buồn” nhưng rất dọc dừa và nâng cao với một nét thanh tao kiêu hãnh. Cặp mắt nàng long lanh dưới rèm lông mi cong dài như muốn che dấu hòn châu ngọc “đồng tử”, nó rất hài hòa với làn môi nhung ướt mỏng manh của cô gái. Nàng quả là hiện thân của cái đẹp hoàn mỹ quyến rũ không lời.
Trong những ngày nghỉ còn lại của chàng ở làng suối nước nóng, Komako tìm mọi giây phút rảnh rỗi để đến viếng anh. Một hôm Shimamura ngỏ lời muốn nhờ Komako tìm cho mình một kỹ nữ để giải khuây - vì trong lòng anh cho rằng nàng không thể bị dùng như một cô gái được mua và bán. Komako nổi giận một cách kháu khỉnh như đứa con gái trẻ non, "i-ya- ne-. Watashi sonna koto tanomareru towa yume ni mo omotte kimasen dea wa!" (Không thèm đâu… Dù là trong mơ em cũng không ngĩ là anh có thể nhờ em chuyện như thế...). Tuy giận đến rưng nước mắt thế nhưng mỗi đêm sau khi xong việc ở tửu điếm, nàng về ghé qua phòng trọ của Shimamura để âu yếm thăm chàng dù cho có lúc còn đang đắng say với rượu nồng hay thân xác mệt mỏi rã rời bởi công việc phục vụ khách bạc tình tung tiền mua vui của tửu điếm.
Phần 2
Sau khi con tầu đổ ở bến Yuzawa, Shimamura mới biết là Yoko cùng người đàn ông trẻ kia cũng cùng xuống xe nơi đây. Trước cửa nhà ga nhân viên của lữ quán ra đón anh. Khi Shimamura hỏi Komako còn làm nơi xưa không thì người đàn ông của lữ quán gật đầu và chỉ về phía nhà ga: "cô nàng mặc áo măng-tô màu tím đang đứng nơi kia kìa... hôm nay cô ấy ra đón con trai của "Shishô" (6) dạy đàn và vũ của mình". Thì ra Komako ra nhà ga để đón Yoko và người đàn ông bệnh về làng.
Thế rồi Shimamura đâm ra thắc mắc trong lòng - "giữa người phụ nữ mà ngón trỏ của mình còn nhung nhớ hơn gì cả và người con gái có con mắt hừng ánh dạ quang kia có liên hệ như thế nào...?". Anh cảm thấy có điều gì vương vấn trong lòng và nhớ lại cái cảnh chiều đêm trôi qua trên màn kính tầu hỏa."Đây có phải là tượng trưng cho thời gian không nhỉ?" - anh lầm bầm với mình.
Đêm hôm đó Shimamura chờ Komako trước phòng khách của lữ quán. Rồi trên đôi "Tabi" (bít tất) trắng bạch ôm bó hai bàn chân xinh xinh nhỏ bé một kỹ nữ trong bộ kimono "geisha" toàn vẹn hiện ra trước mắt mình. Anh ngạc nhiên trong khi cảm thấy lạnh buốt sau gáy, Shimamura tự hỏi:"Nàng đã trở thành Geisha rồi sao?" rồi vội bước tới cạnh nàng. Dưới lớp phấn trắng người con gái ngày nào định mĩm cười với chàng, nhưng rồi đột nhiên nghẹn ngào để tuông ra hạt lệ buồn cay đắng trên cái má hồng của nàng. Thế rồi hai người trầm lặng cùng bước về phòng.
Đây là lần viếng xứ tuyết giữa mùa đông đầu tiên đối với Shimamura. Anh trách yêu nàng là tại sao lại rủ anh về nơi đây vào lúc giá lạnh nhất trong năm rồi đưa cho Komako xem ngón tay của mình và kể chuyện về nó. Nàng Geisha sung sướng như một cô gái ngây thơ kháu khỉnh ngã đầu vào vai Shimamura rồi kéo bàn tay của chàng và kề cái má mịn màng trắng như tuyết như bông của mình lên đó trong lúc nhìn âu yếm: "kore ga oboete ite kuretano?" (có phải “mi” nhớ nơi nầy không?).
Từ giây phút gặp lại Komako, Shimamura rất tò mò muốn biết việc gì đã xảy ra trong đời nàng. Một hôm sau khi tắm ôn tuyền về, anh mướn một người đàn bà tẩm quất đến để phục vụ mình. Trong lúc đấm bóp cho chàng, hai người nghe có tiếng ai đang gảy đàn Samisen. Người đàn bà tuy mù nhưng có thể biết ai là người gảy đàn và ai là kẻ có tài ba qua tiếng nhạc. Shimamura mới hỏi ai là người giỏi nhất nơi đây theo ý bà. Bà ta mới khen Komako vì cô ta rất cần mẫn trong lúc "keiko" (稽古・luyện tập). Rồi luôn miệng bà tỏ lòng thương hại cho cô gái vì nghe tin rằng Komako đã bán thân trở thành Geisha kiếm tiền giúp thầy dạy đàn và vũ cổ truyền để cho anh con trai trên Tokyo trị bịnh lao ruột (7). Vì biết Komako ra ga đón một bệnh nhân, "Tôi có gặp anh ta đi cùng trên chuyến tầu hôm đến đây với một cô gái trẻ mà?" - Shimamura bày tỏ sự thắc mắc với bà. "Đó là Yoko đấy. Cô nầy là bạn gái của Yukio (行男・Hành Nam - tên người con trai) gần đây dù rằng tôi nghe đồn là Komako đã đính hôn với anh ta. U cha chuyện đời đâu mà tréo trơ quá..."
Ngày hôm sau Komako đến thăm Shimamura vào buổi sáng. Khi thấy nắng ấm trên đồi phủ đầy tuyết Komako thỏ thẻ:"Trời đẹp như thế nầy thì tiếng đàn sẽ trong và thanh hơn lúc thuờng... ". Shimamura nhớ đến chuyện người đàn bà tẩm quất kể hôm qua, anh đề nghị nàng gảy đàn Samisen cho mình nghe. Tức thì mắt nàng sáng lên như đứa trẻ được khen, liền gọi điện thoại về nhà trọ nhờ người mang đàn tới lữ quán để tập đàn trước người thương. Đột nhiên Shimamura nhớ đến người con gái có con mắt đẹp trên tầu, "Có phải Yoko sẽ mang đàn đến đây chớ?” - anh hỏi."Sao anh biết nó?"- Komako vặn lại. "Có phải em đã đính hôn với người con trai của nhà đó?"."Ai bảo anh đấy?" - Komako ngạc nhiên má đỏ hồng trên màng da trong trắng. “Okashina hito. Kiitara kiitade, naze sakuya sou iwanakattano? ” (Người gì mà kỳ cục! Đã nghe hết rồi đấy à, sao đêm qua anh không nói gì cả?) - nàng nhìn chàng với cặp mắt có vẽ trách móc nhưng không đến giận dỗi.
Để phá tan cái hoài nghi của Shimamura, Komako bắt đầu kể lại những gì đã xảy ra trong gần nửa năm qua. Khi "Shishô" dạy đàn của mình ngã bệnh tê liệt, vì lòng nhân nghĩa nàng phải lao vào nghề Geisha để tìm cách giúp tiền thuốc men cho bà. Tuy có lúc bà ta ước là Yukio nên kết hôn với nàng con gái giúp mình, nhưng sự thực trong lòng nàng chẳng hề nghĩ đến chuyện đó. Rồi khi Yukio mang bịnh trên Tokyo, gánh nặng tình nghĩa giữa thầy trò càng thâm sâu...."Tada sore dake" (chỉ có thế thôi anh à...).
Những ngày kế tiếp sau khi xong công việc xướng ca hầu khách ở tửu điếm Komako ghé sang lữ quán nơi Shimamura trọ rồi ở lại qua đêm với anh. Hai người có những giây phút thân mật nồng nàng với nhau. Có đêm Komako đến quá muộn nên nàng cố tránh đánh lên tiếng động để cho người mình yêu được ngũ ngon trong khi ngồi cạnh chàng suốt đêm thâu giá lạnh. Trước khi bình minh hiện ra, bên cái Kyodai (giá gương soi) để sửa lại mái tóc Geisha người con gái nầy lại tỏ ra thẹn thùng muốn từ giả người yêu vì lo âu sẽ bị nhân viên lữ quán bắt gặp mình....
Thế rồi đến lúc Shimamura phải trở về Tokyo với gia đình. Komako ghé sang phòng trọ của anh từ đêm trước và ở lại để tiễn người mình thương lên đường. Shimamura bâng khuâng trong đầu và buồn như chưa bao giờ thấy khi nghe nàng than thở xa vời: "korekara kôe hitobanjuu aruku nano yo...."(từ nay trở đi em sẽ đi suốt đêm như thế nầy...." qua cặp mắt nhung u sầu đẫm lệ. Shimamura thì thầm rồi cảm thấy đau nhói trong tim: "nơi Xứ Tuyết giá lạnh nầy...?".
Trên nhà ga hôm đó lạnh buốt, Shimamura ước rằng trong phòng chờ sẽ có cái lò sưởi để mình hâm ấm. Trong lúc chờ tầu đến, Yoko hiện ra với khuôn mặt đầy vẻ lo âu thác loạn. "Kamako, Komako. Yukio gọi chị đấy, hãy về mau...Anh đang hấp hối!”. Thế nhưng Komako lạnh lùng từ chối: "Cô về trước đi, tôi đang tiễn khách ra về...". Khi Shimamura khuyên nàng nên quay về với Yukio, ít ra trong giây phút cuối cùng của một đời người, "Yokunaiwa. Anta mou nidoto kuruka konaika, watashi niwa wakaryashinai" (Không được đâu, em làm sao biết rồi anh sẽ trở lại với em hay không).
Con tầu xế trưa bắt đầu lăn bánh. Ánh sáng chiếu rọi trên mặt kính cửa sổ phòng tiễn khách làm cho cái má của Komako ửng đỏ lên rồi biến mất, nó giống như cái má hồng của nàng khi ngồi trước cái “kyodai” lọng cảnh tuyết bình minh của hôm đó. Shimamura tự hỏi:" Đây có phải chăng là màu sắc báo hiệu cho sự chia tay với với hiện thực?".
Phần 3
Thấm thoát đã gần một năm sau khi Shimamura giả từ xứ Tuyết. Mùa đông năm đó các nơi đều phải đối phó với cái lạnh bất thường. Trên miền Hokuritsu thỉnh thoảng tuyết lở làm tắt nghẽn đường giao thông. Lúc như thế người dân vùng nầy sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Nhưng rồi mùa Xuân sẽ đến để giải tỏa cho họ. Ngày Xuân nơi đây qua nhanh với nhiều bông hoa đua nở. Tiếp đến là ngày hè dài buồn chán chờ cho Thu đến. Đột nhiên mọi nhung nhớ không ai nhắc vội sống lại hừng hực trong lòng người như màu "Momiji" (紅葉・hồng diệp, i.e. lá Thu hay lá phong) ) đỏ thẫm trên đồi xa xa của dải núi "Mikuni" (三国山脈・Tam Quốc Sơn Mạch) phân ranh xứ "Kôzuke"(上野の国・Thượng Dã chi Quốc) và "Echigo"(越後の国・Việt Hậu chi Quốc).
"Anh nhớ giũ áo quần thường xuyên và cất trong tủ không nhở những con nhậy sẽ đẻ trứng lên trên đấy"- vợ anh nhắn nhủ khi tiễn Shimamura lên đường. Mùa Diễm Thu mang đến cho làng ôn tuyền của "Xứ Tuyết" một cảnh trời đẹp rực rỡ thơ mộng. Khách thưởng ngoạn cảnh Thu và suối nước nóng còn dừng lại nơi đây làm cho chốn thôn dã cùng cốc nhộn nhịp đến lúc Thu tàn. Những nàng Geisha sẽ bận rộn trong mùa lá đỏ với mây buồn trên không gian trong khi dân làng hối hả chuẩn bị cho ngày Đông tuyết đổ sắp đến. Dưới mái nhà tranh những trái "shibugaki"(渋柿・hồng mềm) đỏ được treo bằng dây gai trên giàn tre chờ cho khô chín mãi đến lúc ngày Thu ra đi. Ngoài thung lũng bãi cỏ lau đã trổ hoa lung linh đưa đẩy dưới ánh nắng của buổi chiều vàng.
Sự trở lại nơi đây của Shimamura là điều ngoài tưởng tượng của nàng kỹ nữ. Đã gần một năm qua Komako chẳng có tin tức gì về chàng. Nàng đã ra đón chờ anh đến ngoài nhà ga vào ngày “Tori-oi matsuri” (鳥追い祭り・Lễ rượt chim) lúc tháng hai như đã được hứa, nhưng chỉ gặp những hành khách xa lạ thờ ơ đến rồi đi rất hối hả và buồn bã. "Hay là chàng đã quên ta rồi như những người khách bạc tình của làng chơi?"- Komako tự hỏi trong đầu.
Sau khi Shimamura được chủ lữ quán dẫn về phòng "Tsubaki" (椿・Camellia) thường tá túc trước đây, người Geisha ngày nào hiện ra trước mặt anh đứng bất động không thốt lên một lời. Cả hai nhìn nhau âu yếm, thương nhớ, giận hờn rồi tha thứ. Một thời gian sau nàng bật lên tiếng:"Anta, nani shi ni kita.Konna tokoro e nanshi ni kita"(Anh nầy, đến đây làm gì? Anh đến đây làm chi nữa?). "Anh đến chỉ để gặp em". Nàng mắng yêu:"Kokoro ni mo nai koto. Tokyo no hito wa usotsuki dakara kirai" (Người đâu vô tình. Người Tokyo nói dối quá nhiều, em không yêu được đâu) rồi nũng nịu cái môi nhỏ xinh xinh ướt át dưới đôi mắt long lanh đa tình.
Thế rồi nàng Geisha của chàng vẫn là Komako đáng yêu, ngây thơ, xinh đẹp, thanh tao trong sạch của thuở nào. Shimamura âu yếm muốn biết hết cuộc sống của nàng trong những ngày qua. Anh gợi lại chuyện sau lúc chia tay - "Yukio đã mất sau đó chớ?". Nàng gật đầu mơ màng rồi hỏi:"Anh ở nơi đâu vào ngày 14 tháng 2? Em không còn tin anh nữa, đã hứa đến rồi không giữ lời" một cách kháu khỉnh.
Komako cho anh biết là đầu tháng 2 vừa qua nàng đã về quê định bỏ nghề Geisha, tuy nhiên vì nhớ lời hứa của anh nên nàng đã trở lại Yuzawa để chờ cho anh đến. "Phải chi em biết anh như thế thì em đã ở lại lâu hơn để trông nom bà ấy...." nàng nói như hối tiếc. "Ai đó bệnh nặng chăng?". "Vân, thầy dạy đàn của em đấy. Bà bị nám phổi và về quê ở ngoài "Minato" (港・bến cảng). Sau đó không lâu thì mất...". Shimamura nói ân cần:"Xin lỗi cưng nhé".
Mối tình của nàng Geisha xứ Tuyết với chàng trai miền kinh chưa bao giờ nồng ấm như lúc nầy. Nhưng rồi cái "romance" lãng mạn của chuyện tình cũng sẽ như tiếng cung đàn Samisen của nàng Kỹ nữ - có lúc ngân nga ồ ạt vội vàng như thác đổ như thủy triều dâng trên bãi cát, rồi đột nhiên lơ lững hững hờ như mây trắng giăng bay trên bầu trời mùa Thu, cuối cùng là u ẩn chìm đắm dưới đáy biễn ưu sâu - "Tsurai wa" (em thật đau đớn) như tiếng than thở của nàng một đêm nào... Cứ mỗi lần Shimamura rung động khi nhận biết là nàng con gái Echigo Yuzawa kiên nhẫn diễm kiều nầy chạy đến mình với tất cả sự nồng nàng âu yếm đắm say - như tia sáng phản chiếu của buổi chiều tà trên núi đồi "yamazato" ( 山里・sơn lý) rơi vào kính cửa sổ trên chuyến tầu hỏa về Xứ Tuyết cô đơn, khi anh định vơ tay ôm lấy thì nó lại biến mất đi như một giấc mơ ảo huyền luyến tiếc. Chàng không hiểu được lòng mình.
Lúc đó nàng con gái với cặp mắt ngơ ngác ướt át hiện ra. Nó đến để đánh cắp giấc mơ của chàng, hay đến để thay thế bằng một giấc mơ huyền ảo khác? Shimamura nhận ra Yoko khi anh đi ra vào nơi mình trọ. Hình như nàng về đây để giúp việc vặt trong bếp cho lữ quán. Cô ta có gương mặt lúc nào cũng buồn điềm đạm nhưng không làm cho người đàn ông trốn tránh được sự quyến rủ của nàng. Khi vào tắm trong phòng bên kia vách cho phái nữ, cô ta hay cất tiếng lên ca một mình thật trong sáng và hồn nhiên như đứa trẻ thơ. Shimamura rất thắc mắc về nàng....
"Yoku aimaa ne"(lại gặp cô nữa) - Shimamura nói với Yoko khi cô ta đến phòng anh để trao lá thư nhắn của Komako. Cô gái bẽn lẽn nhìn người đàn ông lạ rồi gật đầu. Con mắt to ướt át linh động của nàng làm cho anh nhớ lại những hình ảnh trôi qua trong chuyến tầu đổ về đêm, mãnh kính cửa sổ được dùng làm cái gương phản chiếu để cho anh có dịp nhìn trộm cái dung nhan yêu kiều của Yoko. Shimamura cảm thấy một sự đê m.ê êm ái dưới đáy lòng...
Đã quá nữa đêm trong lúc ngũ say Shimamura bị đánh thức qua tiếng động của cánh cửa "Shoji" (8) phòng trọ. Tuy đã cho người đến nhắn với Shimamura là mình sẽ không ghé qua nơi anh đêm nay nhưng Komako lại hiện ra với mùi rượu nồng nặc dưới lớp phấn son của kỹ nữ. "Oki-na-sai. Ne-e, Oki-na-sa-itta-ra"(hãy dậy với em, anh hãy dậy với em chớ). Rồi lại bảo:"Yappari ne-na-sai"(nhưng mà thôi anh đi ngủ đi...).
"Yoko có mang thơ của em đến cho anh chớ? " - nàng hỏi khi Shimamura ngồi dậy. Khi nghe Shimamura bảo "Cô nầy có cặp mắt ướt át với gương mặt thật buồn nhưng chỉ vài phút sau trong phòng tắm thì lại ca hát quá hồn nhiên như một đứa bé...". Komako nghe xong sắc mặt biến đổi có vẻ không vui.
Những ngày còn lại ở lữ quán ôn tuyền Shimamura tìm viếng làng dệt vải "Chijimi" (chỉ gai) trong vùng. "Sợi chỉ Chijimi được sinh ra nơi xứ Tuyết, dệt nơi xứ Tuyết, giặt sạch bằng nước của Tuyết, rồi được tẩy trắng bởi ánh nắng trên mặt Tuyết" - anh còn nhớ đã đọc qua trong văn chương của quê hương ngày nào. Shimamura mơ màng nhìn những nàng thôn nữ đang phơi những mảnh vải "Chijimi" dưới bầu trời Thu xanh mát, những cô "chức nữ" ngồi dệt trước khung cửi, trong lúc mơ màng anh thấy có cả Komako và Yoko, những nàng con gái không đòi hỏi, hiền hòa ôn hậu ngây thơ trong trắng mang đến mối tơ tình thơ mộng cho tâm hồn mình...
Lúc Shimamura trở về nhà trọ, Komako vội chạy đến - "Anh đi đâu sao không rủ em với..." nàng trách rồi bước theo anh về phòng. Komako không còn ngại ngùn về việc mình ghé sang lữ quán thăm anh. "Geisha như em tìm việc nơi đâu cũng chẳng có vấn đề, người ta có muốn nói gì về em với anh cũng mặc họ". Đã khá lâu Shimamura đôi lúc tò mò về nơi nàng cư ngụ. Một hôm anh hỏi:"Bây giờ em ở trong "Okiya" (9) thực sự chớ?". Komako liếc nhìn anh một cách gượng gạo:"Anh đã biết chuyện đó rồi à, sao cứ giữ im với em như thế?".
Nàng kể lại cho Shimamura biết là từ thuở 15-16 vì gia cảnh nghèo nàng lên Tokyo đi ở đợ rồi được người đàn ông lớn tuổi nhận làm "Oshaku" bỏ tiền cho đi học đàn và ca để trở thành Geisha. Nhưng chỉ có một năm người "Danna" (旦那・patron) đó qua đời nên không có nơi nương tựa phải trở về "Minato". Lúc đó gặp một người "Danna" mới. Vì là điều không ổn với gia đình sống cùng làng, "Danna" mới gỡi em cho bà shishô" dạy đàn và vũ lúc bà dọn về làng Onsen (ôn tuyền) để làm con nuôi. Cũng vì tuổi tác có khác nhau nên thực ra chẳng có chút tình yêu giữa em và người đó. Khi mẹ nuôi mất em được gửi về đây. Gia đình sống phía dưới rất biết điều với em. Nhưng nếu em muốn em có thể trả nợ cho "Danna" rồi lập lại cuộc đời nơi phương trời khác.
Đối với Shimamura người con gái nầy thực đáng thương hại, tuy nhiên không hiểu tại sao anh chẳng thấy có gì phải ghen tương với người đàn ông kia trong lòng mình. Shimamura cảm thấy rất êm đềm khi về với nàng và như hưởng thụ được một niềm hạnh phúc khó diễn tả - "Anta Ichi-nen ni ichido shika konai hito ne" (người gì mà chỉ đến với em mỗi năm có một lần), rồi lại nhíu mắt khẩn cầu thiết tha:"Ichi-nen ni ichi-do de ii kara irasshaine. Watashi no koko ni iru aida wa, ichi-nen ni ichi-do, kitto irasshaine"(Nhưng thôi mỗi năm một lần cũng không sao. Nhưng anh nhớ đến với em khi em còn ở nơi nầy nhé... anh hứa với em đi). Rồi lững lờ vô tư như thuở mới gặp nhau lúc còn là "Hangyoku" (10):"Anta, watashi no kimochi wakaru?"(Anh có hiểu lòng em chớ?).
Một hôm trời đổi lạnh như báo trước tuyết sẽ rơi bất cứ lúc nào. Trên đường về chốn trọ sau khi ghé thăm Komako ở "Okiya" của nàng, cô ta đuổi theo và muốn đưa anh về đến cổng. Tuy đã từ giã với anh, chỉ trong chốc lát sau, Komako hiện ra với 2 ly rượu "sake" rồi mời anh cùng uống với mình.Trong bóng đêm có lẽ vì cái lạnh làm cho and say rượu rồi choáng váng, đột nhiên ngã xuống. Thế rồi Komako bên cạnh vội choàng tay sang đở Shimamura. Cái th.ân thể ấm áp mềm mại đó làm cho anh an tâm vô cùng. Komako tỏ vẻ hơi ngượng ngập như người đàn bà trẻ bồng bế âu yếm đứa bé trong lòng không phải con đẻ của mình.
Shimamura quá sung sướng với cái cảm giác mới lạ đó. Anh mơ màng thủ thỉ:"Kimi wa ii ko da ne" (Em là người con gái tốt của anh). "Tại sao anh bảo em như thế, em tốt nơi đâu?". "Thôi đi anh nhỉ...đừng đùa với em nữa". Nàng lặng im sau khi vổ nhẹ lên người anh, nhưng rồi lại mĩm cười như nói với mình:"Không xong rồi, em khổ quá thôi anh đi về đi. Em hết áo mặc rồi. Để làm anh vui em phải mượn "Ozashiki-gi" (11) của người bạn khác. Nay đã hết rồi em phải làm sao? Đấy anh thấy em có phải là "ii ko" không?". Rồi nàng nhắc lại chuyện xưa lúc mới gặp chàng khi anh nhờ mình tìm cho một Geisha - "Lúc đó anh thật là người đáng ghét, and đã quá thất lễ với phụ nữ đó...". Thì ra Komako muốn phục vụ anh như một Geisha vẹn toàn theo sự mơ ước của chàng trong ngày mới gặp nhau. Shimamura sung sướng rồi bắt đầu nói để trêu người con gái: "Đàn ông mà bị mắn như thế nầy thì hết chỗ trốn rồi...". "Ii yo"(mặc kệ anh). Rồi cả hai cùng im lặng trong lúc Shimamura cảm thấy một sự đê m.ê ấm áp trong tim.
"Kimi wa ii onna da ne" - Shimanura muốn khen tiếp."Dô iu no?"(Anh nói gì?). "Ii onna da yo" (Anh nói em là người đàn bà tốt). Đột nhiên nàng đứng lên rung giận: "Anh ngụ ý gì, nào anh hãy nói cho em nghe". Rồi nàng xụt xùi:" Thì ra anh đến với em để mua vui đấy sao?...hãy nói cho em biết. Hay là anh khinh khi em, có phải thế chăng?". Shimamura chợt biết là mình đã lỡ lời. Anh định tìm cách giải thích và xin lỗi nhưng Komako đứng lên rồi vội vã rời khỏi phòng. Shimamura bước theo nàng.
Ngoài trời đã đổ Tuyết, thế thì mùa Thu cũng sắp tàn như sự tạm bợ nhất thời của niềm hạnh phúc ấm áp trong lòng anh. Komako đứng yên lặng. Mặt nàng lạnh lùng như cái "Noh-men" (12) u sầu xa vời như chưa từng thấy. Xung quanh nàng mọi sự như đổ vở tan rã rồi bay lất phất theo bông Tuyết trắng xóa dưới màn đêm. Shimamura cảm thấy như cả vũ trụ sụp đổ trên đầu mình. Thế rồi Kamako chậm rãi quay về chàng:"Thôi mình hãy vào nhà, ngoài nầy lạnh lắm anh có cùng vào onsen tắm với em chớ?". Shimamura tránh ánh mắt nàng rồi bước theo trong khi Komako thốt nhẹ nhàng:"Gomen nasai ne. Watashi kangae naoe kita no" (xin lỗi anh nhé. Em đã đổi ý ...).
Một ngày trước khi trở lại Tokyo với gia đình, Shimamura được đánh thức bởi tiếng ngâm "Noh" của khách trọ cùng nơi. Có lẽ được nghỉ ngơi một mình thoải mái nơi đây khá lâu với Komako nên tai anh trở nên thính hơn chăng, and có cảm giác như nghe được tiếng gào của biển cả núi đồi. Anh thả bộ ra khỏi làng, tìm đến phố cổ nơi sản xuất "Chijimi". Trong cái mơ tưởng lãng mạn anh gợi lên trong tim mình hình ảnh của 2 nàng con gái, 2 thân phận, trong đó có một tâm hồn trong sáng không ích kỷ không đòi hỏi lúc nào cũng tìm chạy đến với anh. Trong lúc đó mỗi khi anh biết Komako đến gần mình, gần đến nỗi anh có thể ôm vào vòng tay, nhưng tại sao rồi lại chập chờn ra đi như những hình ảnh trên màng bạc kéo qua sau khung kính cửa sổ tầu hỏa, để rồi anh phải chạy theo với một cái mông lung khác.
Khi anh trở về gần đến làng suối nước nóng, Komako đang trò chuyện vớ 3-4 nàng Geisha khác trước cửa vào quán nhậu "Kikumura" - nơi đáng lý ra một kỹ nữ hoàn lương sẽ về làm chủ. Nàng hỏi anh đi đâu đấy. "Cũng chẳng biết đi đâu". "Sao anh không dẫn em theo, sao anh lại lạnh lùng với em như thế?". Lúc đó đã bắt đầu tối, trên trời sao lần lượt hiện ra vì là đêm quang đãng không có mây. Dải ngân hà kéo dài nhòa nhạt trên đinh đầu, một quang cảnh mà Shimamura ít thấy dưới bầu trời Tokyo. Rồi anh nghe có tiếng còi hú báo động. "Hỏa hoạn sao"- Komako hỏi. Rồi hai người nhìn về phía nhà ga, một góc trời đỏ ửng. Nàng liền kéo Shimamura chạy về phía lửa cháy.
Lúc đến gần thì mới biết đó là nhà kho nuôi tằm xưa kia được dùng làm phòng chiếu phim "Si-nê". Lửa bốc lên ngun ngút. Đội cứu hỏa đã đến và bắt đầu xịt nước lên mái nhà trong khi những người đàn ông tự nguyện di tản khách xem trong đó đa số là trẻ con và người già. Trong lúc hỗn loạn mọi người đều rất căng thẳng. Komako tỏ vẻ lo âu "không biết có ai bị thương không?" trong khi mắt nàng đẫm ước lệ không biết do khói cay hay do sự lo âu cho nạn nhân của đám cháy. Đột nhiên ngọn lửa lại bừng lên mãnh liệt, rồi lẫn trong luồn khói đen và lửa đỏ, một cô con gái xốc xếch được người đàn ông kéo ra. Thân cô ta co giật không ngừng khi được đặt xuống đất.
Rồi cùng một lúc Shimamura và Komako nhận ra nàng con gái đó là Yoko, người có con mắt ước át làm não lòng người trai và tạo sự hoang mang cho nàng kỹ nữ. Komako vội đẩy Shimamura sang một bên, rồi như điên dại nàng chen vào đám người đàn ông đang săn sóc Yoko và giành ôm chặt lấy cô ta trong lòng mình. Lúc nhìn mặt Yoko ngã gục xuống như sắp lên thiên đường, Komako trở nên thác loạn tưởng rằng mình đang ôm lấy cái sự hy sinh hay hình phạt của Yoko cho chính mình. Rồi nàng thét to:"kono ko, ki ga chigau wa, ki ga chigau wa"(con bé nầy điên khùng rồi, con bé nầy điên khùng rồi).
Khi Shimamura cố bước đến gần Komako, anh bị những người đàn ông cứu cấp đẩy ra. Trong khi sắp ngã ngửa anh nhìn lên bầu trời tối đen rồi nghe một tiếng vang hãi hùng tưởng chừng như dải ngân hà đang rơi vào trong người mình.
Huỳnh Văn Ba,
Mùa Tuyết rơi 2010
Chú thích:
(1) Ảnh trắng đen của "Matsue"

(2) Thí dụ như câu:”細く高い鼻が少し寂しいけれども、その下に小さくつぼんだ唇はまことに美しい蛭の輪のように伸び縮みがなめらかで…”-“蛭の輪” : thân (hay làn cong) của con “đĩa” để chỉ cái môi ướt át của mỹ nhân
(3) Đối với người Nhật khi nghe câu văn: 「国境の長いトンネルを抜けると雪国であった。夜の底が白くなった。信号所に汽車が止まった。」- đơn thuần trên liền gợi lên trong đầu về quyển tiểu thuyết "Xứ Tuyết" - nào có khác gì với người Việt Nam ta khi nghe câu "trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" là nhớ ngay đến truyện Kiều.
(4) Lân trùng: 夜光虫・dạ quang trùng - Noctiluca scintillans, loài sinh vật phát lân quang dưới biển
(5) Echigo Yuzawa (越後湯沢・Việt Hậu Thang Trạch – thuộc tỉnh Niigata ngày nay) - Đây là địa danh thật sự nơi mà tác giả đã đến để tìm cái cảm hứng để viết nên quyển tiểu thuyết kiệt tác nầy. Trong sách in ra không có điểm danh nơi nầy tuy nhiên về sau Kawabata có trở về nơi đây để gặp lại Matsue, tức Komako.
(6) "Shishô" (師匠・sư tượng) - tức thầy hay sư mẫu
(7) "腸結核" là bệnh lao trong ruột do bệnh nhân nuốt đàm của bệnh lao trên phổi. Nhiều sách dịch là "lao phổi" - tuy không đúng lắm nhưng cũng không đến nỗi quá sai lạc.
(8) "Shoji" (障子・chướng tử) - cửa dán bằng giấy Nhật
(9) "Okiya"(置屋) là nhà để gởi Oshaku (お酌・người làm bé) vì không muốn chính thê dòm ngó. Tục nuôi Oshaku để có ngày trở thành Geisha thực thụ đã có từ xưa. Ngày nay việc bỏ ra 1-2 triệu đô-la để cho Oshaku học ca, đàn và vũ cũng không phải là lạ đối nam giới ham chơi xứ Nhật. 
(10) "Hangyoku" (半玉・bán ngọc) là Geisha đang đang tập sự
(11) "Ozashiki-gi"(お座敷着):áo Kimono formal cho geisha mặc khi phục vụ khách nơi phòng tiệc "Ozashiki" 
(12)"Noh-men" (能面) là mặt nạ cho môn kịch "Noh" truyền thống NB
 
×
Quay lại
Top