Cánh buồm đỏ thắm – Alexandre Grin

Một quả địa cầu to lớn đóng khung trong đường xích đạo và kinh tuyến bằng đồng giao nhau đặt trên bàn tròn.
Quay ra cửa ra vào, Grây trông thấy một bức tranh lớn ở phía trên cửa. Nội dung bức tranh càng làm cho không khí trong thư viện thêm tù túng ngột ngạt. Bức tranh vẽ một con tàu đang ngả nghiêng trên đỉnh ngọn sóng. Bọt trắng tung cao bên mạn tàu. Con tàu như đang bay lên, lao về phía người xem. Mũi tàu dăng cao che lấp cả phía dưới cột buồm. Ngọn sóng bị thân tàu xé đôi tung ra hai bên như đôi cánh buồm căng phồng thấp thoáng hiện ra phía sau mũi tàu như cố chứa hết sức mạnh điên cuồng của cơn dông tố để đẩy con tàu vượt qua con sóng lớn đi nhanh về phía xa. Những đám mây bị xé nhỏ sà xuống mặt biển. Ánh sáng mờ mờ đang đấu tranh một cách tuyệt vọng với bóng đêm đang ập tới. Nhưng đáng chú ý nhất trong bức tranh ấy là hình ảnh một người đứng ở mũi tàu quay lưng lại người xem. Hình dáng người ấy như đã nói lên tất cả tình trạng, thậm chí tính chất của thời điểm đó. Người đó đứng chân giạng ra, tay vung cao. Với tư thế đó, không thể biết anh ta đang làm gì, nhưng nó buộc chúng ta phải hình dung rằng người ấy đang căng thẳng chú ý vào một cái gì đó ở phía trên boong tàu, nơi chúng ta không nhìn thấy rõ. Vạt áo của anh ta bay trước gió, chiếc kiếm đeo bên sườn hất lên cao: trông cách ăn mặc cũng có thể đoán anh ta là thuyền trưởng. Thân hình anh ta nhún nhảy theo sóng ; đầu không mũ, anh ta được thể hiện vào đúng cái giờ phút hiểm nghèo. Anh ta hét lên nhưng để làm gì? Liệu anh ta có trông thấy ai đang ngã không? Liệu anh ta có ra lệnh quay sang hướng khác, hay tiếng anh ta gọi thuỷ thủ trưởng bị tiếng gió át đi? Nhiều ý nghĩ khác nhau cứ lởn vởn ám ảnh tâm trí Grây khi cậu ngắm bức tranh này. Chợt cậu cảm thấy bên trái cậu có người nào lạ mặt tàng hình vừa bước tới đứng ngay cạnh. Chỉ cần quay đầu lại là cảm giác kỳ lạ đó sẽ biến mất. Grây biết rõ điều đó. Nhưng cậu không ngừng tưởng tượng mà chăm chú lắng nghe. Một giọng nói không thành tiếng thốt lên vài câu rời rạc khó hiểu như tiếng Ma-lai-xi-a. Có tiếng ầm ầm tựa như cái gì đó sụt lở kéo dài. Tiếng vọng và tiếng gió âm u lan khắp thư viện. Tất cả những âm thanh ấy, Grây đã nghe từ trong người mình, Cậu chợt nhìn quanh; cảnh im ắng trong căn phòng xua tan ngay những tiếng động trong tưởng tượng vừa rồi, cậu không còn can dự vào cơn dông tố trên biển nữa.
Grây nhiều lần đến thư viện ngắm bức tranh đó. Bức tranh ấy đối với cậu đã trở thành lời nói cần thiết trong cuộc đối thoại giữa tâm hồn và cuộc sống, thiếu lời nói đó thì cậu không thể nào tự hiểu được mình nữa. Trong tâm trí cậu bé, biển bao la dần dần được hình thành. Cậu luôn luôn tưởng tượng ra nó, lục lọi trong thư viện để tìm đọc ngấu nghiến những cuốn sách mà sau cánh cửa vàng của chúng mở ra vầng hào quang xanh sẫm của đại dương. Ở đó có những con tàu đang chuyển động, tung bọt sau bánh lái. Có những con tàu bị mất buồm và cột buồm, bị sóng nuốt chửng và dìm xuống đáy sâu; ở đó thấp thoáng những đàn cá mắt lấp lánh như lân tinh. Có những con tàu bị sóng đánh vào đá ngầm, lắc lư trên sóng đã dịu đi. Một con tàu không người, bị đứt dây chão đang kéo dài cảnh hấp hối cho đến lúc một cơn bão khác phá nó ra thành từng mảnh. Loại tàu thứ ba lấy hàng an toàn ở một bến cảng rồi bốc dỡ ở một cảng khác; đám thuỷ thủ ngồi bên bàn rượu vui vẻ ca ngợi chuyến đi biển và say sưa uống rượu. Lại còn có những con tàu cướp biển, treo cờ đen với súng ống và âm nhạc. Có tàu nghiên cứu khoa học, quan sát các núi lửa, nghiên cứu động vật và cỏ cây. Có những con tàu với ý đồ đen tối và những cuộc nổi loạn; có con tàu phát kiến và phiêu lưu.
 
Trong thế giới ấy, vai trò người thuyền trưởng, lẽ tự nhiên, nổi bật lên. Thuyền trưởng là linh hồn, là lý trí, là số phận của cả con tàu. Tính cách của người này ảnh hưởng đến công việc và sự nghỉ ngơi của thuỷ thủ. Đích thân thuyền trưởng chọn thuỷ thủ cho con tàu của mình, và đội ngũ ấy nói chung phải đáp ứng được những ý thích của riêng anh ta. Anh ta biết rõ thói quen và hoàn cảnh gia đình của từng người. Trước con mắt mọi người dưới quyền, anh ta có vốn kiến thức sâu rộng, nhờ đó mà có thể điều khiển con tàu, chẳng hạn đi thẳng từ Li-xbon đến Thượng hải trên mặt biển mênh mông. Anh ta chống lại bão táp bằng hàng loạt cố gắng phức tạp, xua tan nỗi sợ hãi bằng cách phát ra những mệnh lệnh ngắn gọn. Tàu dừng lại hay tiếp tục cuộc hành trình là tùy thuộc vào ý muốn của anh ta, anh ta điều khiển việc ra khơi và chất hàng, tu sửa và nghỉ ngơi, thật khó mà hình dung được hết quyền lực to lớn và sáng suốt của anh ta trong công việc hoạt động không ngừng. Quyền lực ấy hạn chế hay đầy đủ đều tương đương với quyền lực của oóc-phê.
Trí tưởng tượng sán lạn của Grây đã hình dung như vậy về vị trí và hoạt động thật sự của người thuyền trưởng. Không một nghề nghiệp nào trên đời này lại có thể hoà hợp tất cả những gì hấp dẫn nhất trong cuộc sống vào một thể thống nhất như nghề làm thuyền trưởng, mà vẫn không loại bỏ những gì riêng tư trong hạnh phúc của từng người. Sự nguy hiểm, táo bạo, quyền lực của thiên nhiên, ánh sáng của miền đất nước xa xôi, sự bí ẩn đầy kỳ diệu, mối tình thoảng qua, gặp gỡ và chia ly, sự nồng nàn hấp dẫn của các cuộc gặp gỡ, các nhân vật, các sự kiện, sự phong phú vô hạn của cuộc sống khi mà cao tít trên bầu trời là chòm sao Thập tự nam, chòm sao Gấu, và tất cả các lục địa đều nằm trong tầm mắt tinh tường mặc dù buồng tàu của anh đầy những thứ của Tổ quốc vẫn chưa xa rời anh như sách vở, tranh ảnh, thư từ và những đoá hoa khô quấn trong mớ tóc xoăn mềm mại để trong chiếc bùa bằng da mịn đeo trên bộ ngực rắn chắc.
Mùa thu, khi Ác-tua Grây vừa mười lăm tuổi, cậu đã bỏ trốn khỏi nhà để bước qua cánh cửa vàng của biển. Ít lâu sau, từ bến cảng Đu-ben, con tàu A-xem đã nhổ neo đi Mac-xây, chở theo một cậu thiếu niên có đôi bàn tay nhỏ bé trắng trẻo, có dáng vẻ bề ngoài của một thiếu nữ giả trai. Cậu thiếu niên đó là Grây. Cậu có chiếc túi du lịch rất đẹp, đôi ủng da bóng láng mỏng như da găng tay, quần áo may bằng thứ vải sang trọng, đắt tiền.
Trong khoảng một năm, khi tàu A-xem đi Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha thì Grây đã tiêu một phần tiền của mình cho quá khứ là đánh chén, phần còn lại cho hiện tại và tương lai – là thua bạc. Anh muốn trở thành một thuỷ thủ “lão luyện”. Anh uống rượu hừng hực, tắm thì đứng từ trên cao khoảng hai xa-giên thản nhiên nhảy cắm đầu xuống nước. Dần dần anh mất hết, trừ cái chính là tâm hồn thích bay bổng lạ kỳ, anh không còn yếu ớt mà trở nên cứng cáp, bắp thịt rắn chắc, nước da mai mái đã sạm nắng, cử chỉ mềm mại được thay bằng động tác chính xác của đôi tay lao động. Còn đôi mắt suy tư của anh ánh lên như đang nhìn vào lửa. Cả cách nói của anh từ chỗ nhỏ nhẹ, nhút nhát đã biến thành rắn rỏi, dứt khoát như chim hải âu lao xuống làn nước bắt chú cá đang nghiêng mình lấp lánh.
 
Thuyền trưởng con tàu A-xem là một người tốt bụng, nhưng lại là một thuỷ thủ khe khắt. Ông đã nhận chú bé Grây lên con tàu của mình với một thâm ý nào đó. Ông coi nguyện vọng thiết tha làm thuỷ thủ của Grây chỉ là một ý thích ngông cuồng trong chốc lát, và nghĩ rằng chỉ một hai tháng sau là Grây sẽ phải cúi mặt xuống mà nói với ông: “Thưa thuyền trưởng Gốp, cháu đã bị xây xát hết cả khuỷu tay khi leo dây thuyền, cháu bị đau hết cả mạng sườn và lưng, ngón tay không duỗi được nữa, đầu nhức, chân run lẩy bẩy. Những dây chão ướt nặng hàng hai pút này làm trĩu cả tay, những mớ dây rợ, đoạn nối cột buồm… đã hành hạ cơ thể mềm mại của cháu. Cho cháu về với mẹ cháu”. Nghe lời cầu xin tưởng tượng ấy, thuyền trưởng Gốp tưởng tượng luôn câu trả lời: “Thôi, cậu muốn đi đâu thì đi, con chim nhỏ của tôi ạ. Nếu đôi cánh của cậu bị dính nhựa thì về nhà cậu có thể lấy nước hoa Rôđa Mi-môđa mà rửa sạch được đấy”. Cái thứ nước hoa tưởng tượng ấy làm thuyền trưởng thấy đắc ý hơn cả, ông buột miệng nói thành lời: “Phải rồi, cậu hãy về nhà mà kiếm nước hoa Rôđa Mi-môđa!”.
Nhưng rồi đoạn đối thoại tưởng tượng kia ngày càng ít có dịp lặp lại trong tâm trí thuyền trưởng, bởi vì Grây đã đi tới đích mình mong muốn với bộ mặt tái nhợt, đôi môi mím chắt. Anh đã làm mọi công việc nặng nhọc với sự cố gắng lớn lao. Anh cảm thấy ngày càng dễ chịu hơn, khi con tàu khắc nghiệt ấy gần gũi hơn với anh, khi mọi việc lạ trở thành quen thuộc. Có khi dây xích mỏ neo làm anh ngã xuống sàn tàu, dây chão mà anh không kéo nổi làm tuột da tay, cánh buồm ẩm ướt có đính vòng sắt bị gió táp vào mặt anh. Tóm lại toàn bộ công việc thật sự là một thử thách, đòi hỏi phải hết sức chú ý. Nhưng càng thở nặng nhọc, càng mỏi cứng lưng, anh càng luôn luôn giữ được nụ cười coi khinh mọi gian khó. Anh âm thầm chịu đựng những lời giễu cợt, chê bai của các thuỷ thủ dạn dày để rồi cuối cùng, họ phải thừa nhận anh là người của họ, làm được như họ. Và cũng từ đó anh nhất thiết dùng nắm đấm để đáp lại mọi xúc phạm.
Có lần thuyền trưởng Gốp trông thấy anh cuốn buồm thành thạo, đã tự nhủ thầm: “Thế là mày đã thắng cuộc đấy, Grây ạ”. Khi Grây tụt từ trên cột buồm cao xuống, thuyền trưởng gọi anh vào buồng, mở rộng trước mặt anh một cuốn sách đã nhàu nát rồi nói:
- Cháu nghe đây! Bỏ hút thuốc đi! Đã đến lúc cho cháu làm thuyền trưởng được rồi!
Và anh bắt đầu đọc, đúng hơn là nói và gào to những từ cổ xưa về biển trong cuốn sách. Đó là bài học đầu tiên của Grây. Trong vòng một năm, anh đã làm quen với nghề hàng hải, với thực hành, với cấu trúc tàu, luật đi biển, bản đồ hoa tiêu và cách tính toán. Thuyền trưởng Gốp đã bắt tay và xưng “chúng ta” với anh.
 
Ở Van-cu-ve, Grây nhận được thư mẹ, một bức thư đầy nước mắt và sợ hãi. Anh viết thư trả lời: “Con biết mẹ lo cho con. Nhưng nếu mẹ tận mắt nhìn thấy được như con nhìn, mẹ hãy nhìn bằng đôi mắt của con. Nếu mẹ nghe được như con nghe, mẹ hãy áp tai vào con ốc biển, mẹ sẽ nghe thấy âm thanh muôn đời của sóng. Nếu như mẹ yêu thương tất cả những gì con đã yêu, thì trong thư của mẹ, ngoài tình thương và con người, con có thể thấy cả nụ cười”. Và Grây vẫn tiếp tục cuộc hành trình trên biển cho đến khi con tàu A-xem chở hàng về bến Đu-ben. Tranh thủ lúc tàu dỡ hàng, chàng thanh niên Grây, lúc này đã hai mươi tuổi, quyết định trở về thăm lâu đài.
Toàn cảnh lâu đài vẫn như xưa, từng chi tiết nhỏ cũng như cả ấn tượng chung đều vẫn thế, không khác gì năm năm trước đây, chỉ có những hàng cây du còn non trồng phía trước lâu đài là cao lớn hơn, tán lá sum suê hơn.
Những người làm công trong nhà chạy ra đón anh mừng rỡ, cuống quít rồi lặng đi một cách kính cẩn như mới hôm qua gặp gỡ cậu Grây này. Họ chỉ cho anh mẹ anh hiện đang ở đâu. Anh bước lên căn phòng xây cao, nhẹ nhàng mở cửa, lặng yên đứng nhìn người phụ nữ tóc bạc vận đồ đen. Bà đang đứng trước tấm ảnh Chúa lầm rầm cầu nguyện. Giọng nói nhỏ nhẹ của bà nghe vang xa như tiếng đập của trái tim. “Cầu Chúa ban phước lành cho những người đi biển, những người lênh đênh ngoài khơi, những người bị ốm yếu, đau khổ, tù đày”. Grây lắng nghe, sau đó anh thấy mẹ nói tiếp: “Cầu cho đứa con trai tôi…” Đến lúc ấy anh mới nói: “Con đây…” Nhưng rồi anh không thể nói thêm gì nữa. Người mẹ quay lại. Trông bà gầy đi nhiều, gương mặt nghiêm trang của bà bỗng rạng rỡ lên như tuổi trẻ bất chợt trở lại với bà. Bà bước nhanh về phía con trai, bà cười lên thành tiếng, khẽ gọi con, nước mắt trào ra – tất cả chỉ có thế. Nhưng trong giây phút ấy, có lẽ bà đã sống mạnh mẽ hơn, sung sướng hơn so với cả cuộc đời bà trước đây. “Mẹ nhận ra con ngay, con trai yêu quý, bé bỏng của mẹ!”. Và quả thực là Grây lúc này không còn là chàng thanh niên cao lớn nữa. Anh nghe mẹ kể lại cái chết của người cha, rồi sau đó anh tự kể về mình. Bà nghe con kể mà không phản đối, trách móc một điều gì. Nhưng bà thầm nghĩ rằng cái điều mà Grây cho là cốt lõi của cuộc đời mình thì bà chỉ coi là những thứ đồ chơi mà cậu con trai bà thích chơi mà thôi. Những thứ “đồ chơi” đó là con tàu, biển khơi và các lục địa.
Grây ở lại lâu đài bảy ngày. Đến ngày thứ tám, sau khi mang theo một số tiền lớn, anh trở về Đu-ben và nói với thuyền trưởng Gốp: “Cám ơn bác. Bác là người bạn rất tốt của cháu. Nhưng bây giờ thì phải chia tay thôi bác ạ, – đến đây anh nắm chặt tay thuyền trưởng như để nhấn mạnh ý nghĩa của lời mình nói. – Bây giờ cháu sẽ đi biển trên một chiếc tàu riêng của cháu, bác ạ”. Thuyền trưởng nổi giận, ông nhổ nước bọt, giật tay ra rồi bỏ đi. Nhưng Grây đã chạy theo, ôm lấy ông. Thế rồi họ đã cùng với toàn đội thuỷ thủ gồm hai mươi bốn người ngồi bên nhau trong khách sạn ăn uống đủ mọi thứ có trong quầy hàng và trong nhà bếp, hò hét, hát hỏng.
Ít lâu sau, trên bến cảng Đu-ben, những vì sao đêm đã lấp lánh trên bóng đen của một con tàu mới. Đó là con tàu Grây mới mua. Con tàu có tên là Bí mật, có ba cột buồm và chở được hai trăm sáu mươi tấn. Trước khi số phận đưa đẩy anh đến thị trấn Li-xơ, Grây đã vừa là chủ vừa là thuyền trưởng của con tàu ấy được bốn năm. Nhưng anh mãi mãi ghi nhớ tiếng cười yêu thương của mẹ khi gặp anh và năm nào anh cũng về thăm nhà đôi ba lần, đem lại cho người mẹ già tóc bạc niềm tin mơ hồ rằng cậu con trai to lớn kia chắc là đã điều khiển được những thứ “đồ chơi” của mình.
 
Chương 3: Rạng đông
Con tàu Bí mật của Grây rẽ sóng, bọt tung lên vạch trên đại dương một vệt trắng và tắt dần trong ánh lửa đêm lấp loáng của thị trấn Li-xơ. Tàu thả neo cách ngọn đèn biển không xa.
Mười ngày liền người ta dỡ vải đũi, cà phê, chè từ tàu Bí mật xuống bến. Ngày thứ mười một, các thuỷ thủ lên bờ nghỉ ngơi, vui chơi. Đến ngày thứ mười hai Grây hết sức buồn rầu mà không có lý do nào, anh không hiểu tâm trạng của mình.
Ngay buổi sáng sau khi thức dậy, Grây cảm thấy rằng ngày hôm nay sẽ bắt đầu dưới những đám mây đen. Anh uể oải mặc quần áo, miễn cưỡng ăn sáng, quên cả đọc báo, rồi lấy thuốc ra hút liên miên, đắm mình trong cái thế giới căng thẳng không mục đích khó tả. Những ước muốn chưa được chấp nhận lởn vởn giữa những cố gắng ngang nhau. Anh quyết định làm việc.
Cùng với thuỷ thủ trưởng, Grây đi kiểm tra tàu, cho buộc căng dây buồm, nới cáp lái, cọ sạch lỗ dẫn cáp, thay buồm, quét nhựa boong tàu, thông gió hầm tàu, lau la bàn. Nhưng công việc không làm cho Grây khuây khỏa. Cả ngày hôm đó Grây cảm thấy bồn chồn, lo âu pha lẫn nỗi bực bội dường như có ai đã hẹn anh đi đâu đấy nhưng anh lại quên khuấy đi mất ai hẹn và hẹn đi đâu.
Buổi tối, anh ngồi trong buồng tàu, lấy sách ra đọc, ghi bên lề sách những ý kiến phản bác lại tác giả. Trò tiêu khiển bằng cách nói chuyện với người chết có quyền lực ở dưới nấm mồ chỉ làm anh thú vị được một lúc. Sau đó anh lại lấy tẩu thuốc ra, thả mình theo làn khói xanh, trầm ngâm giữa những đường viền huyền ảo hiện ra trong lớp khói bồng bềnh.
Thuốc lá có sức mạnh ghê gớm, như dầu đổ xuống những con sóng đang vọt lên, làm dịu đi cơn điên loạn của chúng. Thuốc lá giảm bớt sự kích động của tình cảm, đưa chúng về nhịp điệu thấp hơn, để chúng vang lên nhịp nhàng hơn và có nhạc điệu hơn. Vì vậy, sau khi hút ba tẩu thuốc, nỗi buồn của Grây chuyển thành sự lơ đãng trầm tư. Cảm giác ấy kéo dài chừng một giờ đồng hồ. Khi những phút mơ màng đã qua đi, Grây chợt bừng tỉnh, anh muốn đi đi lại lại và bước ra boong tàu. Đêm đã xuống từ lâu bên mạn tàu, trong làn nước đen thẫm lấp lánh những vì sao và những ánh đèn trên cột buồm. Bầu không khí ấm áp đậm đà hương biển. Grây ngẩng đầu lên, nheo mắt nhìn một vì sao. Trong giây lát, vượt qua triệu triệu cây số, ánh sáng vì sao xa hiện ra trong mắt anh. Tiếng ồn ào xa xa của bến cảng ban đêm đã vang lên rõ nét trong vùng biển. Thỉnh thoảng có câu nói từ trên bờ lướt theo gió, truyền lan trên làn nước nhạy cảm, vọng đến tưởng như tiếng người nói ở ngay trên boong, nó vang lên rồi tắt đi trong tiếng kẽo kẹt của dây chão. Phía mũi tàu có ánh diêm bật lên, soi rõ bàn tay, đôi mắt tròn và bộ ria mép. Grây huýt sáo, đốm lửa ở tẩu thuốc chuyển động, tiến lại gần anh. Một lát sau thuyền trưởng nhận ra trong bóng tối gương mặt và đôi tay người trực nhật. Grây nói:
 
- Anh nhắn Lê-chi-ca lát nữa đi theo tôi. Bảo anh ta nhớ đem theo cần câu.
Anh trèo xuống chiếc thuyền nhỏ bên mạn tàu, ngồi chờ ở đấy chừng mười phút. Lê-chi-ca, một chàng trai nhanh nhẹn, ranh mãnh, đưa xuống cho Grây đôi mái chèo. Sau đó anh ta cũng xuống thuyền, đặt túi đựng thức ăn lên sàn, Grây ngồi vào chỗ lái.
- Thuyền trưởng ra lệnh đi đâu đấy ạ? – Lê-chi-ca vừa hỏi vừa đảo mũi thuyền bằng cách khỏa mạnh một bên mái chèo xuống nước.
Thuyền trưởng im lặng. Lê-chi-ca hiểu ngay rằng không nên hỏi thêm câu gì, anh im lặng chèo mạnh.
Grây lái thuyền ra khơi, sau đó anh bơi về phía bên trái. Đối với anh, thuyền đi về phía nào cũng được. Chỉ có tiếng mái chèo khỏa xuống nước, tiếng bánh lái rẽ nước, còn xung quanh là biển đêm yên lặng.
Trong một ngày trời, con người đã gặp biết bao ấn tượng, biết bao ý nghĩ, lời nói, mà nếu ghi lại chắc sẽ thành không phải chỉ một cuốn sách dày. Gương mặt mỗi ngày có những đường nét nhất định. Nhưng hôm nay Grây đã bất lực khi cố bắt lấy dáng hình của nó. Những tình cảm mơ hồ khó có tên gọi đã hiện lên trên gương mặt ấy. Dù có gọi chúng bằng từ ngữ gì thì cuối cùng chúng vẫn mơ hồ, mông lung như hương thơm của loài hoa. Lúc này, Grây cũng đang ở trong tâm trạng đó, thực ra anh có thể nói rằng: “Tôi đang chờ, tôi đang thấy và sắp được biết…” – nhưng ngay cả những lời này cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn những bản vẽ chi tiết đối với một ý đồ kiến trúc. Trong những xu hướng đó còn có cả sức mạnh của sự hưng phấn tươi tắn.
Phía bên trái con thuyền họ đang bơi, bờ biển hiện ra thấp thoáng sau màn đêm gợn sóng. Phía trên những tấm kính cửa sổ sáng đèn, các tàn lửa bắn lên từ các ống khói. Đó là làng Ca-péc-na. Grây nghe loáng thoáng có tiếng người cãi nhau và tiếng chó sủa. Ánh lửa trong làng trông xa tựa như cánh cửa lò với những lỗ thủng mà qua đó có thể thấy than đang cháy hồng. Phía bên phải là biển yên lặng như một người đang ngủ. Qua làng Ca-péc-na, Grây cho thuyền ghé vào bờ. Sóng đều đều vỗ nhẹ vào bờ. Châm đèn bão lên, Grây nhìn thấy một chỗ trũng, bên trên là bờ vách nhô ra cheo leo. Anh cảm thấy thích.
- Ta sẽ câu cá ở đây thôi, – Grây vừa nói vừa vỗ vai Lê-chi-ca.
 
Người thuỷ thủ “hừm” một tiếng rồi làu bàu: “Lần đầu tiên mình đi biển với một thuyền trưởng như thế này. Ông ta thạo việc, nhưng kỳ cục làm sao. Thật là một thuyền trưởng quá cầu toàn. Nhưng mình vẫn yêu mến ông ta”.
Anh ta cắm mái chèo xuống bùn để neo thuyền lại, rồi cả hai người bám vào những mỏm đá lởm chởm phía dưới đầu gối và khuỷu tay để trèo lên cao. Một cánh rừng rậm trải dài tới bờ vách ấy. Lê-chi-ca lấy rìu đẵn mấy cành cây khô rồi nhóm lửa trên bờ. Những cái bóng và ngọn lửa phản chiếu dưới nước chuyển động, cỏ xanh và cành lá sáng lên trong bóng tối bị đẩy lùi, phía trên đống lửa, không khí quện khói lấp loáng, run rẩy.
Grây ngồi bên đống lửa.
- Nào, – anh vừa nói vừa chìa chai rượu ra, – nào ta uống đi, anh bạn Lê-chi-ca, uống vì sức khoẻ của tất cả những người không nghiện rượu. À mà cậu đem đi rượu gừng, chứ không phải là rượu canh-ki-na rồi.
- Xin lỗi thuyền trưởng, – người thuỷ thủ vừa đáp vừa thở mạnh. – Cho phép tôi nhắm với thứ thức ăn này… – Anh ta gặm ngay nửa con gà con, rồi nhè miếng cánh ra, tiếp tục nói: – Tôi biết thuyền trưởng thích thứ rượu canh-ki-na, nhưng vì lúc ấy tối quá mà lại vội nữa nên tôi lấy nhầm phải chai rượu gừng. Thuyền trưởng biết đấy, gừng làm con người ta ngổ ngáo. Khi nào cần phải đánh nhau, tôi đều uống rượu gừng.
Thuyền trưởng vừa uống vừa ăn. Lê-chi-ca liếc nhìn anh, rồi không gìm được, bèn hỏi:
- Thưa thuyền trưởng, có thật là thuyền trưởng xuất thân từ một gia đình quyền quý khôg?
- Cái đấy chẳng có gì đáng lưu tâm cả, Lê-chi-ca ạ. Cầm cần câu mà câu đi, nếu cậu muốn.
- Còn thuyền trưởng thì sao?
- Tôi ấy à? Không biết, cũng có thể. Nhưng mà… chốc nữa sẽ hay.
Lê-chi-ca lấy cần câu ra, rồi theo thói quen, ứng khẩu một tràng thành vần (điều thường vẫn làm bạn bè thán phục):
- Cước đây ta buộc vào cần, lưỡi câu buộc tiếp lần lần ta câu.- Anh ta lấy mồi giun trong hộp ra rồi đọc tiếp: – Chú mày ẩn dưới đất sâu, cuộc đời kỳ thú còn rầu nỗi chi. Bây giờ chịu móc câu đi, chốc nữa tụi cá nó ghì nó ăn. – Cuối cùng anh ta vừa đi vừa nghêu ngao: – Đêm đen vắng lặng, rượu ngon tuyệt vời, cá chiên cuống cuồng, cá trích chết giấc – kìa Lê-chi-ca, hắn đang đợi ta!
 
Grây nằm lại bên đống lửa, nhìn ánh lửa in hình dưới làn nước. Anh miên man nghĩ ngợi, không để lý trí can dự vào. Trong trạng thái này, ý nghĩ chỉ lờ mờ lưu giữ thực tại, thấy nó một cách mơ hồ, ý nghĩ đó lao vút lên như một con ngựa trong đám đông chật chội, vừa chèn, vừa xô, vừa ngăn chặn. Sự trống rỗng, sự bối rối và sự ngưng đọng lần lượt đến với nó. Nó lang thang trong linh của sự vật, vội vàng chuyển từ xúc động mạnh sang bóng gió thầm kín, nó lượn quanh trái đất và bầu trời, chuyện trò sôi nổi với các nhân vật tưởng tượng, xoá đi và tô điểm cho những kỷ niệm. Trong sự chuyển động mơ hồ này, mọi cái đều sinh động, rõ ràng, và mọi cái đều thiếu mạch lạc như hoang tưởng. Và nhận thức được buông lơi luôn mỉm cười khi thấy chẳng hạn đang suy nghĩ về số phận bỗng dưng lại nghĩ đến một hình ảnh hoàn toàn không thích hợp: một cành cây gãy cách đây hai năm. Nằm bên đống lửa, Grây suy nghĩ, nhưng anh “ở đâu ấy” chứ không phải đang ở đây.
Khuỷu tay dùng để tựa, cánh tay dùng để nâng đầu đã bị ướt và tê đi. Các vì sao tỏa sáng nhợt nhạt. Bóng tối thêm dày, báo trước buổi rạng đông. Thuyền trưởng thiu thiu ngủ, nhưng anh không hề biết điều đó. Anh bỗng thấy thèm uống rượu, anh nhoài người với chiếc túi, lần cởi ra trong mơ. Sau đó anh không nằm mơ nữa mà ngủ rất say. Hai giờ sau đó đối với Grây cũng chẳng dài hơn những giây phút anh ngả đầu xuống bàn tay. Trong khoảng thời gian đó, hai lần Lê-chi-ca quay về chỗ đống lửa, hút thuốc và tò mò nhìn vào miệng những con cá câu được xem có gì không. Nhưng dĩ nhiên là chẳng có gì.
Khi tỉnh dậy, trong giây lát Grây quên mất không biết vì sao mình lại ở chốn này. Anh ngạc nhiên thấy những tia nắng sớm mai vui tươi, bờ biển dựng đứng và những tán lá rực rỡ, xa xa bừng sáng một màu xanh. Trên đường chân trời và cũng là phía trên chân anh lơ lửng những cành dẻ. Phía dưới bờ vách, dường như ở ngay dưới lưng anh, là tiếng sóng vỗ rì rầm. Những giọt sương thấp thoáng trên cành lá rơi xuống khuôn mặt ngái ngủ của anh, mát lạnh. Anh đứng dậy. Xung quanh chan hoà ánh sáng. Những cành khô cháy dở chỉ còn leo lét khói. Mùi khói làm cho khoái cảm được thở hít không khí của rừng cây có thêm một vẻ đẹp hoang dã.
Lê-chi-ca không có đấy. Anh ta đã đi câu say sưa như một con bạc khát nước, mồ hôi đầm đìa. Grây bước ra khỏi cánh rừng, đi về phía những bụi cây thấp mọc trên sườn đồi thoai thoải. Cỏ bốc hơi âm ấm. Những bông hoa ướt đẫm trông như bọn trẻ con bị tắm nước lạnh. Thế giới màu xanh thở hít bằng vô vàn cái miệng nhỏ xíu làm vướng chân Grây trong cảnh đua chen náo nức. Thuyền trưởng bước ra một chỗ trống, cỏ hoa sặc sỡ, và nhìn thấy một cô gái đang ngủ.
 
Anh nhẹ nhàng gạt cành lá trước mặt sang một bên rồi dừng lại với cảm giác là vừa tìm ra một cái gì đó nguy hại. Cách anh chưa đầy năm bước là A-xôn đang nằm nghiêng, chân duỗi, chân co, đầu gối lên cánh tay, vẻ mệt mỏi. Tóc cô để xoã, chiếc cúc áo phía trên không cài để lộ làn da trắng mịn, chiếc váy xoè ra để hở đến đầu gối, hàng mi dài, món tóc màu sẫm che một phần thái dương, ngón út bên tay phải cô gối đầu lên bị gập lại dưới gáy. Grây quỳ xuống ngắm nhìn cô gái, và không ngờ rằng lúc ấy trông chàng giống như thần Phô-nơ trong tranh của Ác-nôn-đơ Béc-lin.
Có thể là trong một lúc nào khác, Grây chỉ nhìn thấy cô gái bằng đôi mắt thường, nhưng lúc này anh nhìn thấy cô một cách khác. Lòng anh nôn nao, xao động. Đương nhiên anh không biết cô là ai, không biết tên, càng không biết vì sao cô ngủ bên bờ biển, nhưng anh cảm thấy rất hài lòng. Anh yêu thích những bức tranh không có lời giải thích nội dung. Ấn tượng từ bức tranh như thế bao giờ cũng mạnh mẽ hơn nhiều, không bị ràng buộc bởi từ ngữ, nội dung của nó trở nên sâu xa vô tận, khẳng định mọi ý nghĩ, mọi dự đoán.
Mặt trời đã lên cao mà Grây vẫn trong tư thế ngồi không thuận ấy. Cô gái ngủ say đến mức dường như từ mái tóc đến làn áo, đến cỏ cây xung quanh cũng đều ngủ theo cô. Tràn trề ấn tượng, Grây như hoà mình vào làn sóng ấm áp đang dâng lên trong anh và bơi theo sóng. Đã từ lâu Lê-chi-ca gọi: “Thuyền trưởng ơi, anh ở đâu?”- nhưng thuyền trưởng vẫn không nghe tiếng.
Cuối cùng, khi Grây đứng dậy, bản tính ưa thích những chuyện khác thường đã xâm chiếm anh một cách bất ngờ với thái độ cương quyết và hăng hái của một người phụ nữ nổi giận. Anh trầm ngâm tháo chiếc nhẫn cổ quý giá khỏi ngón tay, không hề suy nghĩ rằng chưa chừng cái vật này đang mách bảo cho cuộc sống một cái gì đó thực quan trọng. Anh nhẹ nhàng lồng chiếc nhẫn vào ngón tay út của cô gái để lộ ra bên gáy. Ngón tay bất giác động đậy rồi thõng xuống. Nhìn gương mặt cô nữa, Grây quay đi và bỗng thấy Lê-chi-ca đứng sau bụi cây, đôi lông mày rướn lên. Lê-chi-ca há hốc miệng kinh ngạc theo dõi cử chỉ vừa rồi của Grây.
 
- Lê-chi-ca đấy à! – Grây nói. – Cậu thử nhìn cô ta xem. Thế nào, đẹp đấy chứ?
- Thật là một bức tranh tuyệt vời! – Chàng thuỷ thủ thích nói văn hoa khẽ thốt lên. – Tôi câu được bốn con cá và một con gì to tròn như cái bong bóng.
- Khẽ chứ, Lê-chi-ca. Ta đi khỏi đây thôi.
Hai người đi về phía bụi cây. Lẽ ra lúc này họ phải quay về chỗ để thuyền, nhưng Grây chần chừ đưa mắt xa xa về phía bờ biển thấp, nơi có những làn khói ban mai của làng Ca-péc-na tỏa ra bên trên cây cối và nền cát. Anh lại thấy hình ảnh cô gái hiện ra qua làn khói.
Lúc ấy, Grây bèn đi thẳng về hướng làng. Lê-chi-ca không hỏi vì sao lại thế, chỉ lặng lẽ bước theo sau. Lê-chi-ca cảm thấy rằng những phút phải im lặng lại đến. Một lát sau, khi đến gần những ngôi nhà đầu tiên, Grây bỗng cất tiếng hỏi:
- Lê-chi-ca, với kinh nghiệm của cậu, cậu thử xác định xem nhà nào có thể là quán rượu?
- Chắc là cái nhà mái đen đen kia, – Lê-chi-ca phỏng đoán, – mà cũng có thể không phải nó.
- Thế cái nhà mái đen ấy có gì đặc biệt?
- Chính tôi cũng không biết, thưa thuyền trưởng. Đó chỉ là do trái tim mách bảo thôi.
Hai người đi đến ngôi nhà đó, quả thật, đó là quán rượu của Khin Mê-néc. Trên chiếc bàn kê cạnh cửa sổ mở toang có thể nhìn thấy một chiếc chai, cạnh đó có một người đang đưa những ngón tay đen bẩn mân mê bộ ria mép ngả màu bạc trắng.
Mặc dù còn sớm, trong quán rượu đã có ba người. Ngồi cạnh cửa sổ là bác thợ đốt than có bộ ria vừa được nhắc đến. Ở quãng giữa quầy hàng và cửa bên trong quán là hai người dân chài đang uống bia và ăn trứng rán. Khin Mê-néc là một gã trẻ tuổi cao lêu đêu, gương mặt buồn tẻ đầy tàn hương, đôi mắt hấp háy, cử chỉ nhanh nhẹn một cách ranh mãnh như vẫn thường thấy ở bọn người chuyên buôn bán. Y đang đứng sau quầy lau bát đĩa. Dưới ánh mặt trời buổi sáng, bóng song cửa sổ in trên nền nhà bẩn thỉu.
Grây vừa bước vào gian phòng đầy khói thì Khin Mê-néc đã lễ phép cúi chào rồi bước ra khỏi quầy. Y lập tức đoán ra Grây là một thuyền trưởng thật sự – loại khách chẳng mấy khi ghé vào quán rượu của y. Grây gọi rượu rum. Trải trên bàn tấm khăn đã ngả màu cháo lòng, Khin Mê-néc đem chai rượu đến, đưa lưỡi liếm thử vào chỗ nhãn chai và bóc ra. Sau đó y quay trở vào sau quầy, lúc thì nhìn Grây chăm chú, lúc thì nhìn lên chiếc đĩa, lấy móng tay cạy miếng gì khô khô bám vào đấy.
 
Khi Lê-chi-ca đang cầm cốc rượu bằng cả hai tay, khẽ nói chuyện với Grây và nhìn ra ngoài cửa sổ thì anh vẫy tay gọi Khin Mê-néc lại. Khin Mê-néc ngồi ghé lên chiếc ghế, thích chí ra mặt vì được một người sang trọng như Grây gọi đến và nhất là lại gọi bằng cách ra hiệu như thế.
- Chắc anh biết tất cả dân làng ở đây chứ? – Grây bình thản hỏi. – Tôi muốn biết tên cô gái choàng khăn, mặc áo hoa đỏ, tóc sẫm màu hạt dẻ, người tầm thước, tuổi trạc mười tám, đôi mươi. Tôi vừa thấy cô ấy cách đây không xa. Tên cô ấy là gì?
Anh nói những lời này với giọng giản dị, dứt khoát, khiến người nghe không lẩn tránh được trả lời. Khin Mê-néc hơi cảm thấy khó chịu, thậm chí còn cười thầm, nhưng y không dám để lộ ra. Tuy nhiên trước khi trả lời, y dừng lại nghĩ một lát – chẳng qua chỉ vì cố đoán mà biết được chuyện gì đã xảy ra.
- E hèm, – Khin Mê-néc cất giọng, mắt ngước nhìn lên trần. – Chắc là con A-xôn “Tàu thuỷ” đấy mà. Không thể có ai khác. Nó bị dở người đấy.
- Nói rõ hơn xem nào? – Grây lãnh đạm hỏi, uống thêm một ngụm rượu đầy. – Chuyện thật là thế nào?
- Nếu ông muốn, xin ông nghe đây.
Và Khin Mê-néc đã kể cho Grây nghe câu chuyện cách đó bảy năm khi cô bé A-xôn gặp một ông già chuyên đi sưu tầm chuyện dân gian ở ngoài bờ biển. Thật ra thì câu chuyện đó, kể từ khi người ăn mày khẳng định thêm trong quán rượu này đã bị xuyên tạc méo mó đi nhiều, nhưng cốt lõi của nó vẫn còn nguyên vẹn.
- Từ dạo ấy dân làng bèn gọi nó là A-xôn “Tàu thuỷ”, – Khin Mê-néc kết thúc câu chuyện.
 
Grây bất giác liếc nhìn Lê-chi-ca lúc này vẫn khiêm nhường ngồi im. Sau đó anh đưa mắt nhìn ra ngoài con đường đất bụi chạy qua quán rượu. Đúng vào lúc đó, anh bỗng cảm thấy đầu óc và trái tim mình choáng váng. Trên con đường ấy, anh chợt thấy đi ngược lại phía anh chính là cô gái A-xôn “Tàu thuỷ” mà tên chủ quán vừa khinh bỉ nhắc đến. Gương mặt đẹp tuyệt vời của cô giống như sức mạnh bí ẩn trong những lời nói giản dị đầy xúc động của con người. Gương mặt cô hài hoà tuyệt diệu với ánh mắt trong sáng. Lê-chi-ca và chủ quán đều ngồi quay lưng lại cửa sổ. Để cho họ tình cờ không quay lại nhìn A-xôn, Grây đã có đủ can đảm nhìn sang đôi mắt màu hung của Khin Mê-néc. Ngay sau khi anh nhìn thấy ánh mắt A-xôn, những lời đơm đặt xấu xa của chủ quán đã lập tức bị xua tan. Lúc ấy, không hay biết điều gì vừa xảy ra, Khin Mê-néc nói tiếp:
- Có thể cho ông biết thêm rằng bố cô ta là một tên đê tiện. Chính lão ta đã dìm chết bố tôi như dìm một con mèo. Lạy Chúa, lão ta…
Bỗng một tiếng rống lên bất ngờ từ phía sau cắt ngang lời y. Cặp mắt long lên dữ tợn, người thợ đốt than như chợt tỉnh cơn say, cất giọng hát ồ ồ làm mọi người phải giật mình.
- Ờ, lão lại say rồi, lão già khốn kiếp! – Khin Mê-néc quát lên. – Cút!
Nhưng ông lão đốt than vẫn nghêu ngao hát tiếp như không có chuyện gì xảy ra, rồi để cả ria mép nhúng vào cốc rượu.
Khin Mê-néc tức giận nhún vai:
- Thật là đồ bỏ đi chứ không phải là người nữa, – y nói với vẻ tự đắc của một tên keo kiệt. – Lần nào cũng vậy!
- Anh không thể kể thêm gì nữa chứ? – Grây hỏi y.
- Tôi ấy à? Thì tôi vừa nói với ông rồi, bố cô ta là một tên vô lại. Vì nó mà, thưa ông, tôi đã bị mồ côi, ngay từ nhỏ đã phải tự mình kiếm sống…
- Mày nói láo, – bất ngờ ông thợ đốt than lên tiếng. – Mày nó láo ghê tởm, giả dối đến mức làm tao tỉnh cả rượu.
Khin Mê-néc chưa kịp mở mồm thì ông già đã quay sang nói với Grây:
 
- Hắn nói láo đấy ông ạ. Bố nó cũng là đồ dối trá, mẹ nó cũng cùng một giuộc. Cả họ nhà nó thế mà. Ông có thể hoàn toàn yên tâm: cô ta chắc chắn cũng khoẻ mạnh, bình thường như chúng ta cả thôi. Tôi đã nhiều lần nói chuyện với cô ta. Cô ta đã ngồi nhờ xe ngựa của tôi tám mươi tư lần hay ít hơn một chút. Mỗi khi cô gái đi bộ từ thị trấn về, còn tôi thì đã bán xong than, thế nào tôi cũng cho cô gái đi nhờ xe về làng. Cứ để cho cô ta ngồi. Tôi biết, cô ta là người phúc hậu. Điều đó thật là quá rõ. Tất nhiên cô ta không thèm nói với mày nửa lời, Khin Mê-néc ạ. Nhưng đối với tôi, thưa ông, trong công việc làm than thoải mái, tôi khinh thường miệng thế, điều ong tiếng ve. Cô ta nói năng như người lớn nhưng kỳ quặc lắm ông ạ. Xem ra thì cô ấy cũng nói những điều như chúng ta nói cả thôi, nhưng lại không hẳn giống thế. Chẳng hạn như khi cô ta kể lại công việc của mình. “Bác ạ, cháu kể cho bác nghe nhé, – cô ta vừa nói vừa bá vào vai tôi, như con bướm đậu vào gác chuông. – Công việc của cháu cũng không đến nỗi buồn tẻ, nhưng cháu vẫn muốn nghĩ ra một cái gì đó đặc biệt. Cháu muốn con tàu mà cháu làm bơi được, các tay chèo khỏa nước như thật, sau đó thuyền vào bờ, cập bến rồi ngồi ăn như thật”. Tôi cười khà khà và trả lời cô ta: “Này, A-xôn này, nghề của cháu là thế nên cháu nghĩ thế, nhưng mà cháu thử nhìn xung quanh xem: mọi người làm việc như điên”. Cô ta nói: “Không bác ạ, cháu biết điều gì cháu biết. Khi người dân chài đánh cá thì họ nghĩ rằng họ sẽ bắt được con cá to nhất, chưa từng ai bắt được”. – “Thế bác thì sao?”- Cô ta cười: “Bác ấy à, bác thì khi xếp than vào giỏ chắc là bác nghĩ rằng chúng sẽ nở thành hoa”. Đấy, cô ta đã nói những lời như thế. Trong giây phút đó, tôi bất giác nhìn vào cái giỏ trống không. Tôi trông thấy hình như có những chồi non mọc lên ở nan giỏ, chúng nở tung, nảy lá khắp giỏ và biến mất. Tôi đã tỉnh rượu một chút! Còn Khin Mê-néc hắn nói dối đấy. Nói dối không mất tiền. Tôi biết hắn.
Cho rằng câu chuyện đã đi đến chỗ xúc phạm ghê gớm, tên chủ quán bèn đưa mắt lườm ông già rồi lỉnh vào sau quầy hàng, cay đắng hỏi vọng ra:
- Ông có cho gọi thêm gì không ạ?
- Không, – Grây trả lời, rút tiền trong ví ra. – Đi thôi, Lê-chi-ca, cậu ở lại đây nhé và đừng nói gì cả, đến chập tối hãy về tàu. Cậu gắng tìm hiểu mọi chuyện rồi kể lại cho mình. Cậu hiểu chứ?
- Thưa thuyền trưởng tốt bụng, – Lê-chi-ca trả lời với giọng hơi suồng sã, có lẽ vì ngấm hơi rum, – chỉ có thằng điếc mới không hiểu điều đó thôi ạ.
- Tốt lắm. Cậu nên nhớ rằng, trong trường hợp nào cậu cũng không được nói đến mình hay nhắc đến tên mình, nghe chưa? Thôi, tạm biệt.
Grây bước ra khỏi quán. Từ lúc đó anh luôn có cảm giác như phát hiện được điều gì thật khác thường, tựa hồ tia lửa trong cối thuốc súng của Béc-tôn-đơ – một trong những cú sụt lở tâm hồn mà từ đó bật lên một ngọn lửa rực sáng. Ý nghĩ phải hành động ngay lập tức chi phối anh. Mãi đến khi ngồi vào thuyền, anh mới tĩnh tâm và tập trung suy nghĩ được. Anh vừa cười vừa ngả lòng bàn tay hứng ánh nắng mặt trời, như anh đã từng làm thuở còn bé trong hầm rượu. Sau đó anh khỏa mạnh mái chèo xuống nước, cho thuyền lướt nhanh về bến.
 
Chương 4: Đêm trước
Bảy năm đã trôi qua kể từ khi ông già Ê-gơn, người chuyên sưu tầm thơ ca dân gian, ngồi trên bờ biển kể cho A-xôn nghe câu chuyện về con tàu với cánh buồm đỏ thắm. Trước ngày tròn bảy năm đó, A-xôn mang hàng lên cửa hiệu bán đồ chơi theo lệ mỗi tuần một lần, trở về với vẻ mặt buồn rầu. Cô phải mang hàng về. Cô cảm thấy buồn chán đến mức không thể nói ngay được. Mãi đến khi thấy trên nét mặt lo âu của cha hiện lên vẻ chờ đợi một cái gì đó xấu, xấu hơn chuyện đã xảy ra nhiều, thì cô mới bắt đầu kể lại. Đứng bên cửa sổ, ngón tay xoa xoa lên mặt kính, cô lơ đãng nhìn về phía biển.
Lần này, tên chủ hiệu đồ chơi bắt đầu bằng việc giở cuốn sổ tính toán ra và chỉ cho A-xôn xem số tiền hai bố con đã lấy là bao nhiêu. Cô giật mình nhìn thấy con số đến hàng trăm. “Đây là số tiền nhà cô đã mượn từ tháng chạp đến nay, – tên chủ hiệu nói, – còn đây, cô xem hàng của cô đã bán được bao nhiêu”. Nói xong, y giơ ngón tay chỉ sang một con số khác chỉ có đến hàng chục. “Nhìn cuốn sổ đó, con vừa buồn vừa tức bố ạ. Trông mặt con thấy ông ta thật cáu kỉnh và thô lỗ. Giá bỏ chạy được thì con thật sung sướng, nhưng nói thật là con không đủ sức nữa vì cảm thấy quá xấu hổ”. Thế rồi ông ta bảo con: “Này, cô bé ạ, những thứ này chẳng lời lãi gì nữa đâu. Bây giờ người ta đua nhau mua hàng ngoại, đâu đâu cũng bày bán đầy những hàng ngoại, thứ đồ chơi này chẳng ai mua”. Ông ta nói thế, bố ạ. Ông ta còn nói nhiều nữa, nhưng con cứ rối ruột lên chẳng nhớ nữa. Chắc là ông ấy cũng thấy thương hại con nên khuyên con thử đến của hiệu “Hội chợ trẻ em” và “Cây đèn thần của A-la-đanh”.
Nói xong điều chủ yếu nhất, cô gái rụt rè quay lại nhìn bố. Lông-gren ngồi, đầu cúi xuống buồn bã, bàn tay kẹp lại giữa hai đầu gối. Cảm thấy con gái đang nhìn mình, ông ngẩng đầu lên và thở dài, cố nén tâm trạng buồn lo. Cô gái chạy lại bên ông, ngồi xuống cạnh rồi đặt bàn tay nhỏ của mình xuống dưới ống tay áo da của bố. Cô ngước lên nhìn vào mặt bố, cất tiếng cười và kể tiếp với giọng cố làm như vui vẻ:
- Không sao cả đâu bố ạ. Thế rồi con đi khỏi đấy. Con đến một hiệu to lắm, người mua tấp nập. Người ta chen lấn con ghê quá, nhưng rồi con vẫn lách qua được và đến gần người đeo kính, vận đồ đen. Con không nhớ con nói gì với ông ấy, cuối cùng ông ấy cười khẩy, lật xem các thứ trong chiếc làn của con rồi lại gói và trả lại.
Lông-gren bực bội nghe con kể. Dường như ông đã hình dung ra cảnh con gái mình đang bối rối đứng bên quầy hàng bày đầy những thứ đắt tiền, cạnh những khách mua giàu sang. Người chủ hiệu đeo kính nọ đã trịnh thượng giảng giải cho cô gái rằng ông ta sẽ phá sản nếu đi buôn những thứ đồ chơi thô sơ của Lông-gren. Ông ta ngạo mạn và nhanh nhẹn đặt lên mặt quầy hàng cho A-xôn xem những mẫu đồ chơi ngoại quốc như bộ đồ xếp nhà, cầu xe lửa, ô-tô con, các thứ đồ chơi chạy điện, máy bay, động cơ. Những thứ hàng này mầu sắc sặc sỡ, hình dáng đẹp đẽ. Theo lời ông ta thì bây giờ trẻ con chỉ muốn bắt chước những gì người lớn đang làm.
 
Sau đó cô đi rửa bát đĩa, rồi xem lương ăn trong nhà còn được bao nhiêu. Cô không cân đo gì, chỉ ước tính bằng mắt cũng biết được rằng số bột còn lại may lắm mới đủ ăn đến cuối tuần, hũ đường đã cạn đến đáy, lọ đựng chè, đựng cà-phê hầu như đã rỗng không, bơ cũng hết, chỉ có túi khoai tây là còn đầy. Tiếp đó cô lau nhà sạch sẽ rồi định khâu sửa lại chiếc váy may bằng vải cũ. Chợt nhớ là gói vải để đằng sau gương, cô bước tới đấy lấy vải rồi nhìn mình trong gương.
Trong khung gỗ, trên mặt gương sáng là hình một cô gái mảnh dẻ, tầm thước, mặc chiếc áo may bằng vải trắng rẻ tiền điểm những đốm hoa màu hồng. Chiếc khăn lụa màu xám vắt qua vai. Gương mặt đáng yêu. Đôi mắt rất đẹp, hơi quá nghiêm nghị so với lứa tuổi của cô, phản chiếu một tâm hồn sâu sắc. Gương mặt thật là trong sáng; mỗi đường nét trên gương mặt này đều có thể thấy ở nhiều người phụ nữ khác, nhưng khi hoà hợp lại bên nhau thì gương mặt cô gái trở nên thật đặc sắc, thật xinh đẹp. Chúng ta chỉ có thể nói được thế. Vẻ đẹp của cô không thể dùng lời mà tả được, chỉ có thể thu gọn vào một tiếng là: “tuyệt”.
Cô gái trong gương bất giác cũng mỉm cười như A-xôn. Nụ cười có vẻ buồn. Nhận thấy điều đó, cô bỗng cảm thấy ái ngại hệt như đang nhìn một người con gái khác. Cô áp má vào gương, nhắm mắt lại, khẽ xoa xoa tay lên gương nơi hình bóng mình vừa in. Những ý nghĩ mơ hồ dịu dàng thoáng hiện trong óc cô, cô đứng thẳng người, cười rồi ngồi xuống khâu.
Khi cô gái ngồi khâu, chúng ta hãy thử nhìn cô gần hơn vào nội tâm. Trong con người cô dường như có hai A-xôn cùng chung sống với một vẻ đẹp thật khác thường. Một A-xôn là con gái người thuỷ thủ, người làm đồ chơi trẻ con; một A-xôn khác lại là bài thơ sinh động với tất cả sự diệu kỳ của nhạc điệu và hình tượng, với bí quyết của những ngôn từ đứng gần nhau, cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều hỗ trợ cho nhau. Cô gái chỉ biết cuộc đời trong phạm vi những điều mình đã nếm trải, nhưng cô lại có khả năng nhìn thấy được ý nghĩa của một trật tự khác vượt ra ngoài những hiện tượng chung. Chẳng hạn, khi nhìn kỹ vào sự vật, chúng ta thấy ở đấy một cái gì đó không phải bằng trực giác mà bằng ấn tượng của con người. Mà đã là của con người thì thật khác nhau. Tương tự như vậy, ta cũng có thể nói rằng A-xôn đã thấy được cả những cái mà mắt thường không thấy. Thiếu đi đức tính ấy, mọi điều dễ hiểu có thể trở nên xa lạ với tâm hồn cô. Cô biết đọc và rất thích đọc sách, nhưng ngay cả khi đọc sách, cô vẫn cảm nhận được những điều đặc biệt nằm giữa những hàng chữ, như cô đã có khả năng tương tự trong cuộc sống. Thông qua tiềm thức, thông qua tâm trạng phấn hứng đặc biệt, cô đã luôn luôn phát hiện ra những điều khó tả, rất tinh tế nhưng rất hệ trọng, như thể là hơi ấm và sự trong lành. Thỉnh thoảng cô như biến thành một người khác trong hàng mấy ngày liền; sự đối lập về vật chất của cuộc đời bị sụp đổ, như sự yên tĩnh bị phá vỡ, và tất cả mọi cái cô đã thấy, đã trải qua, tồn tại ở xung quanh, trở thành tấm rèm bí ẩn trong cuộc sống hằng ngày. Nhiều lần, lòng đầy xao xuyến, ngại ngần, cô ra bờ biển một mình ban đêm, chờ đón bình minh và quả thực có nhìn thấy con tàu với cánh buồm đỏ thắm. Những giây phút ấy đối với cô thật là hạnh phúc. Nếu chúng ta khó hoá thân vào những chuyện huyền thoại bao nhiêu thì cô lại khó thoát ra ngoài quyền lực và sức quyến rũ của chúng bấy nhiêu.
 
Những lúc khác, khi nghĩ lại chuyện xảy ra, cô thật lòng ngạc nhiên với chính mình, không tin những điều mình vừa tin nữa; cô mỉm cười từ giã biển cả và buồn rầu quay trở về thực tại. Giờ đây vừa ngồi khâu, cô gái vừa nhớ lại cả cuộc đời mình. Thật là nhiều điều tẻ nhạt và đơn giản. Cảnh hai bố con sống cô độc đối với cô thật nặng nề. Nhưng trong cô đã hình thành một thói quen rụt rè, một nếp hằn đau khổ, làm cho cô không sao có thể vui lên được. Dân làng giễu cợt cô và nói: “Cô ta bị tâm thần, dở người làm sao ấy!”. Cô đã quen với những lời châm chọc đau đớn ấy, nhiều lần cô phải chịu đựng những lời sỉ nhục mà sau đó ngực cô nhức nhối như bị đánh. A-xôn là cô gái không được ưa chuộng ở làng Ca-péc-na. Tuy vậy nhiều người mơ hồ cảm thấy một cách lạ lùng rằng hình như cô được hưởng nhiều hơn người khác, có điều là bằng thứ ngôn ngữ khác. Trai làng Ca-péc-na ưa thích loại phụ nữ chắc nịch, đẫy đà, da bóng nhẫy, bắp chân trùng trục, cánh tay rắn chắc. Ở đây họ ve vãn nhau bằng cách vỗ lưng, xô đẩy như ở chợ. Lối tỏ tình này hệt như tiếng rống thô lỗ. A-xôn đối xử với cái môi trường quyết liệt này như những con người có cuộc sống tinh thần tinh tế phải thích nghi với cái xã hội ma quái. Thế là trong tiếng kèn lính đều đều, nỗi buồn ngọt ngào của cây vĩ cầm không đủ sức lôi kéo đạo quân nghiêm nghị ra khỏi đội ngũ. Cô gái không đếm xỉa đến những điều nói ở những dòng trên đây.
A-xôn miên man nghĩ về cuộc sống, đôi bàn tay nhỏ khéo léo nhanh nhẹn khâu. Khi cắn chỉ, cô đưa mắt nhìn ra xa về phía trước. Nhưng điều đó không ngăn cản cô khâu thẳng hàng và chính xác như trên máy khâu. Dù Lông-Gren chưa về, cô cũng không thấy lo sợ gì cho cha. Thời gian gần đây, ông thường đi biển ban đêm để đánh cá hay đôi khi chỉ để hóng mát.
Cô gái không sợ, vì biết rằng sẽ không thể có gì nguy hiểm xẩy ra với Lông-Gren được. Về phương diện này, A-xôn vẫn là cô gái bé nhỏ dạo nào cầu nguyện theo cách riêng của mình, sáng sáng thỏ thẻ: “Chào đức Chúa trời!” và tối tối lại: “Chào đức Chúa tạm biệt!”. Cô bé nghĩ rằng chỉ cần chào hỏi đức Chúa trời ngắn ngủi như vậy là cũng đủ đức Chúa trời che chở cho cô thoát khỏi mọi điều bất hạnh. Cô đặt mình vào vị trí của đức Chúa trời. Người luôn luôn bận bịu vì công việc của hàng triệu người, vì vậy đối với những điều u ám hằng ngày của cuộc sống, theo ý cô, phải có sự nhẫn nại tế nhị của một người khách đến chơi vào lúc nhà chủ đông người, phải biết chờ đợi chủ và ăn ở tùy theo hoàn cảnh.
Khâu xong, A-xôn xếp đồ khâu lên chiếc bàn nhỏ ở góc nhà, cởi áo ngoài rồi lên gi.ường đi ngủ. Đèn đã tắt. Một lát sau, cô thấy mình chẳng buồn ngủ chút nào. Tâm trí cô minh mẫn như thể đang là giữa ban ngày, thậm chí cả màn đêm xung quanh cũng trở thành không thật, cả người, cả tâm trí cô lâng lâng, tỉnh táo. Tim cô đập nhanh như tiếng tích tắc của đồng hồ bỏ túi, dường như trái tim đang đập ngay bên gối. A-xôn bực bội trở mình luôn, khi thì tung chăn ra, khi lại kéo chăn trùm kín đầu. Cuối cùng cô nghĩ được cách làm dễ ngủ, cô tưởng tượng ra mình đang ném những hòn đá xuống nước lấp loáng ánh trăng và ngắm nhìn những gợn sóng tròn loang ra bốn phía. Dường như chỉ chờ thế, giấc ngủ mới đến. Cô mơ màng thấy hình bóng mẹ mỉm cười hiện ra ở đầu gi.ường rồi thiếp đi trong giấc mơ đẹp về một vườn cây hoa nở, nỗi buồn, sự say mê, ngững bài ca và nhiều điều bí ẩn mà khi chợt tỉnh cô chỉ nhớ được làn nước xanh lấp lánh chạy từ chân lên tim, mát lạnh, khoan khoái. Thấy điều kỳ lạ như vậy, cô nán lại ít phút nữa nơi xứ sở tưởng tượng kia, rồi tỉnh hẳn và ngồi dậy.
 
Nếu cô gái không thiếp đi được thì giấc mơ đã không đến. Một cảm giác mới mẻ, đầy vui sướng, cảm giác khao khát làm một việc gì đó đã sưởi ấm lòng cô. Cô nhìn quanh hệt như người ta thường nhìn ngôi nhà vừa dọn đến. Một ngày mới đã bắt đầu, trời chưa sáng hẳn, nhưng mọi vật chung quanh đã mờ mờ hiện ra. Phía dưới cửa sổ còn sẫm tối, nhưng phía trên đã rạng sáng. Xa, rất xa ngoài khung cửa sổ lấp lánh ánh sao mai. Biết rằng bây giờ không thể ngủ lại được nữa, A-xôn mặc áo vào rồi tới bên cửa sổ mở cánh cửa ra. Bên ngoài vắng lặng như tờ, dường như cảnh yên lặng ấy chỉ vừa mới tới. Những khóm cây xanh xanh thấp thoáng, xa hơn nữa là những hàng cây đang ngủ, phảng phất mùi đất và mùi không khí ngột ngạt.
Vịn tay vào phía trên khung cửa, cô gái nhìn ra ngoài và mỉm cười. Bỗng một cái gì đó, tựa một tiếng gọi xa xôi làm xao xuyến lòng cô, cô như tỉnh dậy một lần nữa và chuyển từ thực tại đã rõ ràng sang một cái gì đó hiển nhiên hơn và chắc chắn hơn. Từ giây phút đó, một cảm giác hân hoan tràn ngập lòng cô. Cũng như khi nghe người khác nói, chúng ta hiểu nhưng nếu nhắc lại những lời ấy thì chúng ta lại hiểu thêm với một ý nghĩa mới hơn, khác hơn. Tâm trạng A-xôn lúc ấy tương tự như thế.
Cô lấy chiếc khăn lụa mỏng tuy đã cũ nhưng rất hợp với gương mặt, trùm lên đầu, buộc dưới cằm rồi khoá cửa, chạy chân đất ra đường. Xung quanh vắng vẻ, trống trải, nhưng cô cảm thấy mình như là cả một dàn nhạc mà mọi người có thể nghe được. Vạn vật trở nên thân thiết với cô, làm cô vui sướng. Lớp đất bụi ấm áp mơn man bàn chân cô, cô thở mạnh, khoan khoái. Trong ánh sáng buổi sớm mờ mờ, những mái nhà, những đám mây nom đen sẫm, những bờ rào, bụi cây, vườn rau và con đường mờ mờ ẩn hiện đang thiu thiu ngủ. Vẫn là những cảnh vật ấy nhưng giờ đây trông khác hẳn lúc ban ngày. Tất cả dường như đang ngủ mà cặp mắt vẫn mở, vụng trộm ngắm nhìn cô gái đi qua.
Cô gái mỗi lúc một rảo bước nhanh hơn, vội vã rời khỏi làng. Bên ngoài làng Ca-péc-na là một đồng cỏ trải rộng, tiếp đấy là vùng sườn đồi ven biển mọc đầy những hàng bụi cây hồ đào, cây dẻ. Khi đã đi hết đường cái, rẽ sang con đường mòn hẻo lánh, A-xôn bỗng thấy quẩn bên chân cô con chó lông đen ức trắng, đôi mắt như biết nói. Con chó nhận ra A-xôn, nó khẽ kêu lên, uốn éo cái mình. Nó đi bên cạnh cô gái, như thỏa thuận với cô về một điều cả hai đều thầm hiểu. A-xôn nhìn vào đôi mắt hồ hởi của nó và tin chắc rằng nó có thể nói thành lời nếu không vì những nguyên nhân bí ẩn nào làm nó phải im lặng. Nhìn thấy cô bạn đường mỉm cười, con chó ra vẻ thích chí, ve vẩy đuôi rồi chạy lên phía trước một quãng. Nhưng bất chợt nó thản nhiên ngồi xuống, lấy chân trước gãi gãi vào bên tai vừa bị con bọ nào cắn, rồi sau đó quay trở lại phía làng.
A-xôn đi vào một bãi cỏ cao đầy sương, đôi tay vuốt nhẹ trên những chùm hoa dại, miệng mỉm cười. Cô chăm chú nhìn vào gương mặt độc đáo của những bông hoa, vào những thân cành mảnh dẻ đan vào nhau, cô dường như nhận ra những dáng vẻ khác nhau của con người – những điệu bộ, sự cố gắng, những cử động, những đường nét và những cái nhìn. Lúc này cô sẽ không ngạc nhiên nếu như gặp đám rước của bầy chuột đồng, vũ hội của đám chuột vàng, hay trò tiêu khiển thô lỗ của con nhím đi nạt nộ chú lùn đang ngủ. Và đúng là có một chú nhím lông xám chạy ra trên con đường mòn trước mặt A-xôn, giận dữ kêu lên “phúc… phúc…” như người đánh xe làu bàu với khách qua đường. A-xôn nói với tất cả những gì cô gặp và thông cảm. “Chào anh bạn bị đau”, – cô nói với cây lưỡi đòng thân bị sâu khoét thành lỗ rộng. “Về nhà mà ngồi nhé”, – cô nói với bụi cây nhỏ mọc lên giữa đường mòn, khẽ móc vào nếp váy cô. Một con cánh cam to đậu trên đài hoa chuông làm cả cành hoa trĩu xuống mà nó vẫn cố trèo lên. A-xôn nói với cành hoa: “Hất ông khách béo mập ấy xuống đi, cậu ạ”. Và con cánh cam không bám được vào hoa nữa, nó xoè cánh vù bay sang bên cạnh. Lòng đầy rộn ràng, xôn xao, cô đã đến bên sườn đồi thoai thoải. Ẩn mình giữa những lùm cây che khuất bãi cỏ, cô cảm thấy mình rơi vào một nơi xung quanh toàn là bè bạn thân thiết – những hàng cây biết trò chuyện với cô bằng thứ giọng trầm trầm.
 
Đó là các cây cổ thụ to lớn, xen lẫn cây dẻ, cây kim ngân. Cành cây sà xuống, chạm vào tán lá của các bụi thấp. Trên những cành lá sum suê hiện ra những chùm hoa trắng ngần tỏa hương thơm ngào ngạt pha lẫn mùi hương của nhựa thông và sương sớm. Con đường mòn nhỏ đầy những rễ cây ăn nổi lúc võng xuống lúc thoai thoải dốc lên cao. A-xôn cảm thấy mình như đang ở nhà, cô lắc nhẹ những cành lá xoà thấp, miệng tươi cười chào hỏi từng cái cây như chào người thật. Cô vừa đi vừa nói: “Đây một anh bạn, còn đây lại một anh bạn khác, các bạn của tôi đông quá! Tôi đang đi, đang vội đây, các bạn để tôi đi nhé. Tôi nhận ra các bạn, tôi nhớ và yêu quý tất cả các bạn”. “Các bạn” trang trọng vuốt ve cô, cành lá kẽo kẹt đáp lại cô. Chân lấm đất, cô bước ra bờ vách giáp biển, đứng ngay sát mép, thở gấp vì đi nhanh. Một niềm tin sâu xa, mãnh liệt bỗng tràn ngập lòng cô. Cô đưa mắt nhìn ra phía chân trời. Sóng biển rì rào nhẹ vỗ vào bờ khiến cô quay trở lại, kiêu hãnh vì một niềm phấn hứng thanh tao. Lúc ấy, biển được viền bằng một sợi chỉ vàng dọc theo đường chân trời vẫn còn đang ngủ. Chỉ có nước trong vụng dưới bờ vách là đang nhịp nhàng dâng lên, hạ xuống. Gần bờ, màu thép của đại dương đang ngủ đã chuyển sang xanh thẫm và đen. Sau sợi chỉ vàng đó, bầu trời bừng sáng, tỏa ánh hào quang như một chiếc quạt khổng lồ. Mây trắng ửng hồng. Lấp lánh trong mây là những màu sắc mảnh mai, tuyệt đẹp. Xa xa, một vệt trắng như tuyết rung rinh trải dài trên nền tối sẫm. Bọt nước gợn sáng. Một vết nứt đỏ rực bừng lên giữa sợi chỉ vàng, hắt xuống đại dương một làn nước lăn tăn đỏ thắm, lan dần đến chân A-xôn.
Cô gái ngồi xuống, co chân lại, tay ôm gối. Cô chăm chú nhìn biển, nhìn về phía chân trời với cặp mắt mở to của trẻ thơ, không còn chút gì là của người lớn. Những gì cô đã nôn nao chờ đợi từ bao lâu nay dường như đang diễn ra ở nơi xa tít tắp ngoài kia. Cô nhìn thấy giữa mặt biển mênh mông kia như có một ngọn đồi ngầm dưới nước, những loài cây leo vươn lên mặt nước để lộ những bông hoa lạ tỏa sáng giữa đám lá tròn mọc từ thân cây. Những cành lá phía trên lấp loáng trên mặt biển khơi. Với những ai không phải là A-xôn thì đó chỉ là những làn sóng xôn xao, lấp loáng.
Từ giữa đám cây kỳ lạ ấy, một con tàu hiện lên rồi dừng lại ngay giữa vừng đông. Từ xa, trông nó hệt như một đám mây. Con tàu tỏa niềm vui, bơi đi, hắt lên ánh đỏ như rượu vang, như hoa hồng, như máu, như làn môi, như nhung thắm và như ngọn lửa đỏ tươi. Con tàu đi thẳng về phía A-xôn. Sóng nước rẽ ra dưới mũi tàu, bọt tung trắng xoá. Cô gái đứng dậy áp tay lên ngực, mặt biển chỉ còn lăn tăn gợn sóng. Mặt trời hiện lên, ánh ban mai rực rỡ xua đi tấm màn phủ che vạn vật đang yên nghỉ thư thái trên mặt đất còn ngái ngủ.
Cô gái thở một hơi thật sâu, rồi quay nhìn xung quanh. Tiếng nhạc đã tắt, nhưng A-xôn còn bàng hoàng trong dư âm của dàn đồng ca. Cảm giác ấy dần dần mất đi rồi biến thành ký ức, và cuối cùng chỉ còn là sự mỏi mệt rã rời. Cô nằm xuống bãi cỏ, nhắm mắt lại, khoan khoái thiếp đi trong một giấc ngủ mê mệt, không mơ màng, không mộng mị.
Cô tỉnh dậy vì có con ruồi bò trên bàn chân. Cô co chân lại và chợt tỉnh. Cô ngồi dậy cặp lại mái tóc rối, và vì thế mà cảm thấy trên ngón tay út mình có vật gì vương vướng. Cô tưởng có cọng cỏ nào mắc vào kẽ tay nên duỗi thẳng ngón tay ra cho nó rơi, nhưng vẫn thấy vướng. Cô bèn đưa tay lên nhìn và liền kinh ngạc đứng bật dậy: trên ngón tay cô là chiếc nhẫn ngọc lấp lánh – chiếc nhẫn của Grây.
 
Chiếc nhẫn nằm trên tay mà cô có cảm giác như đó không phải tay mình mà là của ai khác. “Ai đùa thế này? – cô kêu lên. Lẽ nào mình đang ngủ? Hay là mình nhặt được ở đâu rồi quên khuấy đi?”. Tay trái cầm lấy bàn tay phải có nhẫn, cô ngơ ngác nhìn xung quanh như muốn gạn hỏi biển cả và những lùm cây xanh, nhưng không có tiếng nào đáp lại, không có ai nấp trong bụi rậm. Ngoài biển xanh lấp loáng ánh mặt trời cũng không có dấu hiệu nào. Gương mặt cô đỏ ửng lên. Trái tim đã mách bảo cô là “có”. Không có lời giải đáp nào cho sự việc vừa xảy ra, nhưng cô đã tìm được lời giải đáp bằng cảm giác lạ lùng mà không cần phải viện tới lý lẽ nào; cô thấy chiếc nhẫn trở nên gần gũi, thân thiết đối với mình. Cô run rẩy tháo chiếc nhẫn ra, để trong lòng bàn tay khum lại mà nhìn ngắm với cảm giác ngây ngất, say sưa, rộn ràng, giục giã, với niềm tin gần như bí ẩn của tuổi trẻ. Thế rồi cô để chiếc nhẫn vào trong áo lót, úp mặt vào lòng bàn tay, một nụ cười không sao ngăn lại được nở trên môi cô. Cô cúi đầu chậm rãi bước về làng.
Vậy là Grây và A-xôn đã tìm thấy nhau một cách tình cờ như những người biết đọc, biết viết thường nói – tìm được nhau vào một sớm mùa hè đầy những điều không sao tránh khỏi.
 
Chương 5: Chuẩn bị chiến đấu

Grây bước lên boong tàu “Bí mật”. Anh đứng im một lúc, đưa tay vuốt tóc từ đằng sau ra trước trán, một thói quen anh thường làm mỗi khi trong lòng hết sức bối rối. Vẻ lơ đãng hiện lên trên gương mặt anh với nụ cười ngây ngô của người mộng du. Người trợ lý của anh Pan-ten lúc ấy vừa đi qua, tay cầm đĩa cá rán. Nhận thấy vẻ mặt lạ lùng của thuyền trưởng, Pan-ten rụt rè hỏi:
- Anh bị ngã ở đâu phải không, thưa thuyền trưởng? Anh đi đâu về thế? Gặp chuyện gì vậy? Thật ra thì đó hoàn toàn là chuyện của anh thôi. Có một vị thầu khoán thuê tàu chúng ta chở một món hàng hời lắm, lại còn hứa có tiền thưởng nữa. À mà anh làm sao thế?…
- Cảm ơn anh, – Grây vừa đáp vừa thở mạnh như người vừa được cởi trói. – Chính là tôi đang cần được nghe những lời nói đơn giản và thông minh của anh. Đó như là một thứ nước lạnh. Pan-ten, anh hãy báo cho mọi người biết rằng hôm nay chúng ta sẽ nhổ neo và cho tàu ghé vào cửa sông Li-li-a-na cách đây mười hải lý. Dòng sông này có nhiều doi đất ngầm rất nông. Muốn vào vùng đó chỉ có thể đi từ ngoài biển đến. Anh đi lấy bản đồ đi. Không cần đem theo hoa tiêu. Có thế thôi… Món hàng chở hời ấy đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Anh có thể nói lại với ông thầu khoán như thế. Tôi đi lên phố bây giờ đây và sẽ ở lại đó đến tối.
- Có chuyện gì xảy ra vậy?
- Hoàn toàn không có gì cả, Pan-ten ạ. Tôi muốn anh lưu ý đến mong muốn của tôi là không phải nghe hỏi thêm điều gì. Khi có dịp, tôi sẽ nói cho các anh nghe chuyện là thế nào. Anh hãy nói với các thuỷ thủ rằng tàu cần được sửa chữa mà xưởng đóng tàu ở đây thì đang bận.
- Rõ! – Pan-ten đáp lại như máy khi Grây đã quay lưng đi. – Mọi mệnh lệnh của anh sẽ được thi hành.
Mặc dù các yêu cầu của thuyền trưởng rất rõ ràng, người trợ lý vẫn tròn xoe mắt ngạc nhiên và vội vã cầm đĩa cá rán quay về buồng của mình, miệng lẩm bẩm: “Này, Pan-ten, mày bị lúng túng rồi đấy. Có phải thuyền trưởng định thử đi buôn lậu một chuyến không. Chẳng lẽ con tàu này lại sắp treo cờ đen của bọn cướp biển sao?”. Đến đây Pan-ten đành chịu bó tay trước những dự đoán quá kinh khủng. Trong khi Pan-ten đang ngấu nghiến ăn món cá thì Grây xuống buồng mình lấy tiền, đi thuyền qua vịnh nhỏ rồi đến khu buôn bán của thị trấn Li-xơ.
Lúc này anh hành động bình thản mà cương quyết, anh biết hết những gì sẽ xảy ra trên con đường kỳ lạ sắp tới. Mỗi hành động, mỗi ý nghĩ đều sưởi ấm anh bằng khoái cảm tinh tế. Dự định của anh hình thành trong nháy mắt và rất cụ thể. Đối với cuộc đời anh, dự định ấy khác nào những nhát dao sắc sảo, chính xác cuối cùng của nhà điêu khắc mà sau đó khối đá hoa cương bỗng biến thành một pho tượng tuyệt vời.
Grây đi đến ba cửa hiệu, anh rất coi trọng việc chọn được loại hàng thật vừa ý cả về màu sắc lẫn phẩm chất. Ở hai cửa hiệu đầu, người ta đưa cho Grây xem thứ hoa màu sặc sỡ thích hợp với loại thị hiếu dễ dãi. Ở cửa hiệu thứ ba, anh thấy nhiều loại vải đẹp khác nhau. Viên chủ hiệu tíu tít, hớn hở lấy ra các loại vải bị ế, còn Grây thì nghiêm trang như một nhà giải phẫu. Anh kiên nhẫn chọn các súc vải, xếp lại một bên rồi lại giở xem nhiều loại vải màu đỏ đến nỗi cả quầy hàng rực hồng lên. Ánh hồng in lên tay, lên mặt anh, hắt xuống cả mũi giày. Đứng giữa những dải lụa bồng bềnh, Grây phân biệt rõ cãc màu: hồng nhạt, hồng đậm, màu hoa anh đào, màu đỏ da cam, màu huyết dụ. Ở đây có đủ các loại màu na ná nhau nhưng thực ra lại khác nhau, đại loại như những từ đồng nghĩa: “kỳ diệu”, “tuyệt diệu”, “tuyệt đẹp”, “hảo hạng”. Những sắc màu ấy biểu lộ những điều mà lời nói không thể nào diễn tả nổi. Nhưng thuyền trưởng Grây vẫn chưa tìm được thứ vải màu ưng ý. Viên chủ hiệu đưa ra không ít loại vải đẹp nhưng vẫn chưa làm Grây hài hòng. Cuối cùng một thứ lụa làm khách hàng sững sờ chú ý. Anh ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần cửa sổ, kéo dải lụa phủ lên đầu gối mà ngắm nhìn không nhúc nhích, mồm ngậm tẩu thuốc đang cháy dở.

 
×
Quay lại
Top