Câu chuyện đẫm nước mắt của đô vật xứ Kinh Bắc

Ansoft

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
7/12/2012
Bài viết
809

Từ một đô vật nổi tiếng với thành tích bách chiến bách thắng gần thập kỷ, Nguyễn Văn Luận bị chấn thương đốt sống cổ trong một buổi tập của đội tuyển quốc gia rồi sau đó ra đi vĩnh viễn, còn gia đình anh bị bỏ rơi cả chục năm.
luan-JPG-1368590641_500x0.jpg
Thân phụ của Nguyễn Văn Luận với ảnh con trai trên bàn thờ. Ảnh chụp năm 2005 Vy Khanh.
Câu chuyện buồn này đã diễn ra từ 18-19 năm trước nhưng khi nhắc lại, những bạn bè đồng nghiệp của Nguyễn Văn Luận vẫn không kìm được sự thương cảm. Ở thời đỉnh cao của mình, Nguyễn Văn Luận gần như vô đối ở tầm quốc gia, anh từng 8 năm đứng đầu ở hạng cân của mình.
Người làng vật vẫn còn nhớ như in câu chuyện vỡ sới ở cuộc đấu được coi vào loại hay nhất trong lịch sử vật Việt Nam giữa Nguyễn Văn Luận với đô vật nổi tiếng Phí Hữu Tình vào năm 1989 ở Bắc Ninh. Khi đó Phí Hữu Tình đang ở đỉnh cao với thành tích bất bại cả chục năm liền, còn Luận chỉ là đô vật mới nổi nhưng rất tài năng. Quá đông bà con dồn đến xem cuộc ‘chuyển giao lịch sử’ này mà sới vật bị vỡ, trận đấu phải chuyển sang ngày hôm sau. Cuối cùng, Luận cũng vượt qua đàn anh từng dự Olympic Moscow 1980 để chính thức bước lên tiếp quản vị trí số 1.
Ngay lần đầu xuất ngoại, Nguyễn Văn Luận đã đoạt hạng 4 tại Asian Games 1990, tổ chức tại Bắc Kinh. Sau đó anh cũng từng cùng đội tuyển dự giải châu Á Thái Bình Dương... Anh từng được nhận Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Tổng cục TDTT năm 1994... Lẽ ra sự nghiệp của Nguyễn Văn Luận cũng sẽ huy hoàng như những người đàn anh nổi tiếng Bùi Công Diễm, Phí Hữu Tình nếu không có sự cố trong một lần tập ở đội tuyển quốc gia.
Khi đó, Luận được gọi lên Tuyển để chuẩn bị cho Asian Games 1994 ở Hiroshima (Nhật Bản). Lúc chia tay gia đình, Luận bịn rịn lắm, bởi khi đó anh cũng mới lập gia đình được vài năm, còn cô con gái thì vẫn quá bé bỏng. Trong một buổi tập trước khi đội lên đường tập huấn tại Trung Quốc, Luận tập rất tích cực, buổi tập diễn ra suốt từ 5h cho đến 9h sáng mà anh vẫn chưa biết mệt. Sau buổi tập, Luận xin phép HLV cho tập thêm động tác lộn santo để bổ trợ và đến đúng 9h05 thì tai nạn khủng khiếp xảy ra khi anh bị gãy đốt sống cổ. Mọi người vội vã đưa anh vào viện Saint Paul (Hà Nội). Tại đây các bác sỹ đã kết luận anh bị gãy đốt sống cổ số 4, đứt tủy sống, tình trạng rất nguy kịch.
Sau hơn 5 tháng điều trị tại bệnh viện mà bệnh tình của anh không hề thuyên giảm, anh được đưa về quê để bạn bè lối xóm đến chơi và động viên. Chứng kiến những ngày tháng cuối cùng Luận chống chọi với tử thần, không ít người đến động viên anh đã ôm mặt khóc tu tu khi nghe Luận trăn trở là chưa cống hiến được gì nhiều cho Tổ quốc và ai sẽ là người thay anh chăm sóc bố mẹ già, con thơ. Sau 6 tháng 24 ngày kể từ khi tai nạn xảy ra, Luận đã từ giã cõi đời ở tuổi 26. Đám ma của anh được bà con kể lại là đông nhất và cũng nhiều nước mắt nhất ở làng Guột (xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Sau đám tang của Luận, một điều lạ là các sới vật làng bỗng thưa thớt hẳn. Trước đây, sới vật làng Guột vốn nổi tiếng khắp tỉnh bởi cống hiến cho quốc gia không biết bao nhiêu nhân tài. Thời kỳ đỉnh cao của vật Hà Bắc trước đây, làng Guột luôn chiếm quân số áp đảo trong đội tuyển tỉnh và từ đó cũng có rất nhiều người được gọi lên đội tuyển như trường hợp của Luận. Hỏi ra người ta mới biết những cậu bé làng không vật nữa không phải vì sợ giống anh Luận mà vì chứng kiến anh phải vật vã chống chọi với cái chết mà không nhận được sự quan tâm nào từ cơ quan chủ quản.
Thậm chí, suốt 10 năm sau cái chết của Nguyễn Văn Luận, không có bất cứ sự hỗ trợ nào về thủ tục, chính sách cho gia đình anh. Thời đó, nghe lời mách nước của một số người, mẹ anh Luận là bà Nguyễn Thị Bách đã chạy khắp nơi từ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (khi đó tỉnh Hà Bắc mới tách thành Bắc Giang và Bắc Ninh) cho đến Tổng cục Thể dục thể thao để làm chế độ tiền tuất cho con trai. Quá trình này kéo dài suốt 4 năm trời mà bà Bách từng nói rằng đó là quãng thời gian ‘đại gian nan, vất vả’ nhưng vẫn không đi đến đâu ngoài việc bà nghe được cả chục lời hứa rằng “cứ về đi rồi mọi việc sẽ ổn”.
Người ta còn viện dẫn rằng con trai bà bị tai nạn ngoài giờ để lấp liếm trách nhiệm. Phải đến khi bà Bách gửi lá thư trình bày hoàn cảnh của mình lên Đài tiếng nói Việt Nam rồi nhà đài cử người về tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh và đăng lên sóng thì sự việc mới được giải quyết. Phải đến năm 2005 mới có đoàn do Nguyên giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đặng Ngọc Tuấn dẫn đầu đến thăm hỏi gia đình và trao 1 phần quà 12 triệu đồng từ nguồn tự vận động.
Từ sự việc của Nguyễn Văn Luận và sau đó làng vật Guột đã không còn sản sinh ra nhân tài nào cho quốc gia nữa đã cho thấy nếu không có sự thay đổi trong chính sách đãi ngộ, quan tâm đến VĐV, HLV thì thể thao Việt Nam sẽ khó mà cất cánh.
 
×
Quay lại
Top