Giải tỏa băn khoăn về cơ hội việc làm

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
TTO - Sáng 10-3, hơn 3.000 HS các trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng đã về tham dự Chương trình Tư vấn Tuyển sinh-hớng nghiệp 2013 do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức tại trường THPT Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
ImageView.aspx


Hội trường trường THPT Phan Châu Trinh kín học sinh đến nghe tư vấn - Ảnh: Tấn Vũ
7g30, hội trường gần 2.000 chỗ ngồi đã kín chỗ. Không khí sôi động ngay từ đầu với các tiết mục văn nghệ của trường THPT Phan Chu Trinh.
Phát biểu mở đầu chương trình, thầy Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng nói: Ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng rất chú trọng định hướng phân luồng học sinh sau phổ thông. Hoạt động tư vấn hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ những năm qua góp phần cho việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Để lựa chọn một ngành nghề không phải dễ vì các em chưa đủ độ chín, thiếu thông tin tuyển sinh của các trường. Chương trình của báo Tuổi Trẻ đã góp phần giúp các em vượt qua khó khăn đầu tiên trong việc chọn nghề, chọn trường. TP Đà Nẵng ngày càng phát triển, cơ hội việc làm của các em ngay tại mảnh đất quê hương vô cùng to lớn. Chúc các em ôn tập tốt, đỗ vào trường ĐH, CĐ như mong muốn.
Ông Lê Thế Chữ, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: Ban tổ chức nồng nhiệt chào đón các bạn đến với chương trình tư vấn tuyển sinh 2013. Chương trình của báo Tuổi Trẻ đã đồng hành cùng các ban HS trong suốt 11 năm qua. Trân trọng cảm ơn Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức chương trình. Cảm ơn ban tư vấn đã đi cùng với chương trình, mang thông tin đến với HS cả nước.
Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM nêu những điểm lưu ý về mốc thời gian nộp hồ sơ, thời điểm thí sinh sẽ nhận giấy báo (đầu tháng 6) và lịch thi tuyển sinh. Thầy Nghĩa cũng cung cấp một thông tin phấn khởi cho thí sinh Đà Nẵng: năm 2012, Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu cả nước về điểm bình quân các môn thi 11,57 trong khi điểm bình quân cả nước là 11,3. Riêng trường THPT Phan Chu Trinh có điểm bình quân 17,54.
Thầy Nghĩa cũng nêu một thông tin vui cho những thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm sàn. Hiện nay cơ hội vào các trường trung cấp, CĐ nghề, các khóa đào tạo rất phong phú, Chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp khá lớn, đủ đáp ứng nhu cầu thí sinh không trúng tuyển ĐH. Chúc các em chọn cho mình một ngành nghề phù hợp.
Giải đáp một câu hỏi về nhu cầu nhân lực trình độ cao ở Đà Nẵng, TS Giang Thị Kim Liên, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết: TP Đà Nẵng sẽ ưu tiên học bồng ĐH và sau ĐH cho những HS giỏi những ngành nghề mũi nhọn phục vụ địa phương như: CNTT, khoa học môi trường và y dược. Điều kiện: căn cứ vào kết quả học tập (có giải HS giỏi, các cuộc thi khoa học từ cấp TP trở lên), thủ khoa thi tốt nghiệp THPT và thủ khoa thi ĐH. Ngoài ra còn có các tiêu chí ưu tiên khác về hoạt động xã hội, công tác Đoàn cũng được tính điểm ưu tiên đi du học hoặc học tai chỗ. Một điều kiện vô cùng quan trọng nữa là ngọai ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp phải đạt yêu cầu của trường nước ngoài.
Nếu không đảm bảo yêu cầu ngoại ngữ, các em có thể tham gia chương trình học trong nước ở ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế. ĐH Đà Nẵng cũng có chính sách ưu đãi cho HS giỏi, kết quả tốt. HS đậu 27 điểm trở lên được cấp học bổng, miễn phí ký túc xá. Các chuyên ngành đào tạo chất lượng cao ở ĐH Bách khoa, ĐH Ngọai ngữ có tuyển diện này. HS có thể xem thông tin chi tiết trên trang web của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng.



Nhiều thí sinh muốn làm công an, giáo viên
Nhóm xã hội sôi nổi với những câu hỏi trực tiếp. Một học sinh hỏi: "Định thi ngành quân đội và công an, em không hiểu những yêu cầu về thể chất như thế nào?
TS. Phạm Tấn Hạ giải đáp: Các trường quân đội, công an yêu cầu thí sinh có lý lịch chính trị rõ ràng, không có anh chị em vi phạm pháp luật. Yêu cầu đạo đức bản thân tốt. Học lực ở THPT đối với nam là trung bình trở lên, nữ có học lực khá trở lên. Lưu ý thí sinh có hình xăm sẽ không đủ điều kiện để được dự thi. Ngoài ra còn có các yêu cầu về ngoại hình mà bạn phải đáp ứng. Gợi ý cho các bạn là các trường an ninh, cảnh sát sẽ có điểm tuyển cao hơn so với các trường quân đội. Các em có học lực thật tốt mới nên dự tuyển vào ĐH ngành công an, vì điểm chuẩn các trường ngành này là 18 trở lên. Các bạn có thể liên hệ với công an quận (huyện) hoặc ban chỉ huy quân sự quận (huyện) để được hướng dẫn cụ thể.
“Cho em hỏi ở Đà Nẵng có trường nào đào tạo ngành luật, và tuyển sinh khối C”. Thắc mắc này được Th.S Lê Văn Hiển giải thích: Ở Đà Nẵng chỉ có trường ĐH Kinh tế- ĐH Đà Nẵng đào tạo ngành luật. Luật và luật kinh tế, mỗi ngành chỉ 50 chỉ tiêu. Tuy nhiên trường ĐH Kinh tế không tuyển sinh khối C.
TS Lê Văn Tin tiếp lời, tại ĐH Huế, Khoa luật tuyển sinh hai ngành: luật học và luật kinh tế đối với các khối A,C,D.
Thêm câu hỏi về việc làm ngành công an: "Tốt nghiệp trường cảnh sát, an ninh thì có được chọn nhiệm sở hay không?”. TS. Phạm Tấn Hạ trả lời: Sau khi ra trường các bạn sẽ có viêc làm ngay, tuy nhiên phải tuân theo sự phân công của tổ chức chứ không được chọn nhiệm sở.
“Khoa ngữ văn, trường ĐH Sư Phạm (ĐH Đà Nẵng) tuyển bao nhiêu chỉ tiêu cử nhân ngữ văn. Sau khi ra trường sẽ làm những công việc gì?” TS Nguyễn Tấn Lê: Ngành này tuyển sinh 60 chỉ tiêu. Ra trường có thể đi dạy ngữ văn, hoặc làm những công việc liên quan đến chuyên ngày. Tỷ lệ chọi ngành này năm ngoái là 1 chọi 10, điểm chuẩn là 16,5.
Một câu hỏi thú vị về việc sơ truyển vào trường quân đội: “Mắt em trước khi thi tuyển vào trường quân đội đủ điều kiện đậu vòng sơ tuyển. Những sau khi em thi đậu, em bị cận nặng hơn thì có được tiếp tục theo học không?” TS. Phạm Tấn Hạ chia sẻ: Sau khi thi đậu vào trường các bạn sẽ trải qua một vòng khám sức khỏe nữa. Ở lần này, các bạn vẫn phải đủ sức khỏe đáp ứng yêu cầu của ngành. Nếu các bạn không đáp ứng được thì sẽ bị loại.

Thích nhiều nghề, biết chọn nghề nào?
“Em có thể đạt 16-17 điểm, có thể học ngành nào (khối B)? Em làm trắc ghiệm tuyển sinh nhưng kết quả cho đến 3-4 ngành mà ngành nào em cũng thích, xin tư vấn cho em”. Câu hỏi này nhận được chia sẻ từ Th.S Lâm Tường Thoại: Trắc nghiệm chọn ngành nghề là công cụ tốt nhưng không phải là phương pháp duy nhất. Các em có thể chọn những phương pháp khác như lắng nghe, tìm hiểu thêm thông tin từ thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh. Vì sao trắc nghiệm ra nhiều kết quả? Có thể khi làm trắc nghiệm em không hiểu rõ câu hỏi trắc nghiệm và các đáp án trả lơi nên kết quả không chính xác. Cũng có thể do bản thân mình có nhiều sở thích, mỗi thời điểm một ý thích khác nhau. Trong trường hợp có nhiều kết quả, em nên tự đánh giá năng lực mình (có thể làm gì, phù hợp với ngành nghề nào nhất trong các ngành đó).
TS Nguyễn Kim Quang: ở mức điểm 17 khối B em có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành sinh học, hóa học, môi trường ở trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM). Nếu chọn khối B, em nên tập trung học đê có kết quả điểm cao hơn. Ngoài ra, có thể tìm hiểu ngành nghề ở một số trường CĐ.
Một câu hỏi rất thời sự về việc Bộ cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi được chuyển đến ban tư vấn: thông tin này có đúng không, ví dụ em mang vào phòng thi thiết bị có thể có thể chụp hình, có được chấp nhận không? Th.S Lê Văn Hiển trả lời: Thông tin về quy định em hỏi là có thật. Xuất phát từ việc phòng chồng gian lận thi cử, bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuy nhiên, các thiết bị này không có chức năng phát âm thanh, hình ảnh. Có thể đến lúc thi, bộ sẽ có quy định cụ thể những thiết bị nào được mang theo.


Quan tâm sâu về trường địa phương

Bạn Nguyễn Ngọc Duy, THPT Nguyễn Hiền băn khoăn về việc làm ngành CNTT. Thầy Nguyễn Kim Quang, chia sẻ hiện nay nhân lực chất lượng cao ngành này rất cần. Trong tương lai, nếu học ĐH hoặc trên ĐH thì ưu đãi hơn nên các em không phải âu lo lắm về việc làm. Những chuyên ngành rất “hot” là an ninh mạng, mang máy tính và truyền thông… Liên quan đến CNTT, ngành hệ thống thông tin cũng có cơ hội việc làm rất rộng rất rộng, ứng dụng trong quản lý, kinh tế, ngân hàng, thậm chí cả thư viện, các phần mềm quản lý ở các doanh nghiệp…

ImageView.aspx
Học sinh đặt câu hỏi tại ngày hội tuyển sinh, hướng nghiệp 2013 tại Đà Nẵng - Ảnh: Phan Chung
Bạn Ngô Phước Tuấn - THPT Hòa Vang phân vân cơ hội viêc lảm ngành xây dựng. Th.S Nguyễn Văn Phòng - ĐH Đà Nẵng - trả lời: Nếu học xây dựng dân dụng ra trường làm các công trình nhà cửa dân dụng. Nếu các em học xây dựng cầu đường sau này ứng dụng trong lĩnh vực xây dựng đường sá, cầu cống. Hiện nay thành phố Đà Nẵng đang quy hoạch mở rộng thì cũng rất cần ngành này cho tương lai.
Một câu hỏi về cơ hội vào ngành sư phạm cho HS thi khối A: “Em đang định thi vào khối A1, khối này trường ĐH sư phạm tuyển sinh những ngành nào?”. TS Nguyễn Tấn Lê: Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có các ngành khối A như sư phạm Toán, Tin, Vật lý, Cử nhân Toán ứng dụng và cử nhân công nghệ thông tin tuyển sinh khối A và A1.
TS Nguyễn Tiến Lê tiếp tục “đắt hàng” với những câu hỏi: “Ngành cử nhân báo chí tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có khác so với ngành này ở trường ĐH KHXH và NV TP.HCM không?” TS Nguyễn Tấn Lê giải đáp: Ngành này ở hai trường đều đào tạo tuân theo khung đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên điểm tuyển sinh ở 2 trường khác nhau, các em nên cân nhắc trước khi đăng ký.
“Ngành sư phạm toán học và toán ứng dụng ở trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có sự khác nhau như thế nào?” TS Nguyễn Tấn Lê giải thích: Ngành sư phạm toán ra trường bạn sẽ đi dạy. Riêng ngành toán ứng dụng sau khi ra trường sẽ làm việc ở các lĩnh vực liên quan đến toán học.
“Trường ĐH Ngoại ngữ Huế có ngành nào nhân đôi hệ số?” Câu hỏi này được chuyển đến TS Lê Văn Tin: Có 3 ngành nhân đôi hệ số là sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật. Đây là năm đầu tiên ĐH Huế áp dụng việc nhân đôi hệ số đối với 3 ngành này.
Không thích tính toán, học kinh tế được không?
HS Lê Đình Tư, trường Phan Châu Trinh hỏi: Ngành kiểm toán ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm vừa qua gần 21 điểm? Năm nay liệu điểm có cao không? Làm việc ở đâu?. TS. Lê Văn Huy - trưởng phòng đào tạo ĐH kinh tế Đà Nẵng: Không thể trả lời chính xác được nhưng đây là ngành có điểm khá cao. Các bạn xem xét khả năng của mình. Cách đây 2 năm ĐH Kinh tế đã đào tạo ngành chất lượng cao, trong đó có kiểm toán. Điều kiện: đủ điểm đậu vào trường, thứ 2 là thi môn tiếng Anh từ 5 điểm trở lên. Mỗi năm tuyển 1 lớp 40 sinh viên. Học ra trường các bạn làm kiểm toán nhà nước, kiểm toán tư nhân hoặc kế toán.
Ông Trần Văn Anh, phụ huynh em Trần Văn Thịnh lớp 12/12 trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng hỏi: “Sáng nay con tôi đi học thêm nên tôi đi đến dự tư vấn tuyển sinh thay. Xin được hỏi các thầy cô là ngành du lịch ở Đà Nẵng học ở đâu? Ra trường công việc có khó không?”. TS Lê Văn Huy - trưởng phòng ĐH Kinh tế Đà Nẵng trả lời: Liên quan đến ngành du lịch năm nay, ĐH Kinh tế Đà Nẵng có hai chuyên ngành. Đà Nẵng là 1 thành phố hiện đang phát triển theo hướng du lịch nên nhu cầu rất lớn. Và hiện cũng có rất nhiều khách sạn trên địa bàn. Ra trường có thể làm quản lý du lịch địa phương. Hoặc làm quản lý nhà hàng, khách sạn.
ImageView.aspx

Ông Trần Văn Anh đặt câu hỏi - Ảnh: Đoàn Cường
Bạn Phạm Hồng Hải, trường THPT Phan Châu Trinh , Đà Nẵng nêu thắc mắc: Ngành luật kinh tế ĐH kinh tế Đà Nẵng học những gì, ra trường làm gì? TS Lê Văn Huy trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế Đà Nẵng giải đáp: ngành luật kinh tế chuyên ngành kinh doanh đào tạo 2 chuyên ngành những môn về kinh tế, đặc biệt là liên quan đến luật, nhất là luật thương mại. Các bạn sẽ tham gia cố vấn các vấn đề về luật kinh tế tại doanh nghiệp, làm việc ở cơ quan hành pháp, tư pháp hoặc quản lý tại các doanh nghiệp.
Một câu hỏi rất thời sự liên quan đến ngành ngân hàng: “Vừa rồi em nghe có việc sa thải nhiều cán bộ ngân hàng. Em muốn thi vào ngân hàng mà sợ quá?”. Thạc sĩ Lê Phước Sơn - Ban khảo thí và đảm bảo chẩt lượng giáo dục ĐH Huế trấn an: Quan trọng là năng lực và kỹ năng mềm của các em như thế nào. Đúng là thời gian vừa qua, nhóm ngành tài chính ngân hàng có giảm sút nhưng đó là sự sắp xếp của Chính phủ làm cho ngành trong sạch hơn thôi.
Ấn tượng trong chương trình tại Đà Nẵng lả việc HS đặc biệt quan tâm đến các trường địa phương (ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế) cũng như cơ hội việc làm ở quê nhà. Nhiều HS đặc biệt quan tâm đến những thông tin chính sách thu hút nhân tài của TP Đà Nẵng.
Hơn 11g, nhiều thí sinh vẫn chưa hết thắc mắc với các thành viên ban tư vấn. Chia tay HS Đà Nẵng, chương trình sẽ vê với HS hai tỉnh An Giang và Kiên Giang trong hai chương trình vào ngày 16 và 17-3 tới.
Băn khoăn cơ hội việc làm
Tại khu vực tư vấn nhóm ngành: Kỹ thuật- Công nghệ-Xây dựng- Kiến trúc- Nông lâm - Sinh học - Môi trường, rất nhiều học sinh khối A, B quan tâm đến nhóm ngành này. Ngoài những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành, những câu hỏi về việc làm trong tương lai, vấn đề thời sự như việc gọi nhập ngũ ở các địa phương của các bạn nam cũng được đặt ra. Lần lượt các câu hỏi đều được các thầy tư vấn ngay tại chỗ.
Bạn Hoàng Uyên - Trường THPT Phan Châu Trinh hỏi: Ngành Quản lý tài nguyên môi trường cụ thể làm gì? Ra trường làm ở đâu?
PGS.TS - Huỳnh Thanh Hùng giải thích: Môi trường có nhiều ngành: khoa học môi trường, kỹ thuật môi trường, tài nguyên môi trường, tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản… Hiện nay vấn đề ảnh hưởng của môi trường, chất thải rắn lỏng khí, môi sống chúng ta bị ảnh hưởng, đi trả lời các câu hỏi đó tức là chúng ta biết mình đang làm gì. Tốt nghiệp ngành này các bạn sẽ làm ở các sở tài nguyên, phòng tài nguyên, các khu bảo tồn, khu công nghiệp, khu chế xuất, cảnh sát môi trường…
Bạn trai tên Nguyễn Văn Tuấn, Trường THPT Nguyễn Trãi tâm tư: “Nếu em nhận giấy nhập ngũ trước khi nhận giấy ĐH thì sao?” PGS.TS - Huỳnh Thanh Hùng thông tin: Tùy theo địa phương, nếu các địa phương không miễn thì các em thi hành. Các em trúng tuyển nghĩa vụ quân sự sẽ được bảo lưu kết quả thi và tiếp tục học ngành trúng tuyển sau khi xuất ngũ.
Bạn Nguyễn Thanh Huyền, trường THPT Phan Châu Trinh: Muốn thi vào Công nghệ sinh học Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, nghe nói học ra khó tìm việc làm, theo thầy như thế nào? Th.S Nguyễn Văn Phòng chia sẻ: Ra trường còn nhiều yếu tố, do chính năng lực các bạn là quan trọng nhất. Chờ người ta đến mình thì khó. Phạm vi ứng dụng ngành này rất rộng, nước ta xây dựng ngành công nghệ cao sinh học, có nhiều cơ hội cho người tốt nghiệp ngành này.
Trong khi đó, bạn Trường Uy, Trường THPT Phan Châu Trinh thắc mắc: “Đại học Huế chỉ tiêu tuyển bác sĩ đa khoa thay đổi, thầy có thể nói rõ cho em cách thay đổi đó như thế nào?” PGS TS Võ Tam giải đáp: Trường có 9 chuyên ngành, chỉ tiêu bác sĩ đa khoa lal2 800 chỉ tiêu, so với năm trước tăng nhưng không quá 10%, năm trước là 728.


Ban tư vấn Chương trình tuyển sinh tại Đà Nẵng
- TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
- PGS TS Lê Văn Anh, Phó Giám đốc ĐH Huế
- TS Giang thị Kim Liên, Phó ban đào tạo ĐH Đà Nẵng
- PGSTS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
- PGS TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- PGS TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM
- TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN (ĐHQG TP.HCM)
- TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Trường ĐHKHXHNV (ĐHQG TP.HCM)
- Th.S Lâm Tường Thoại, ĐHQG TP.HCM
- Th.S Lê Văn Hiển, Phó Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM
- TS Trần Thế Hoàng, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
- Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tại Trường ĐH Tài chính Marketing
- PGS TS Võ Tam, Phó Hiệu trưởng ĐH Y dược – ĐH Huế
- PGS TS Lê Văn Huy, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng
- PGS TS Nguyễn Tấn Lê, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
- TS Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng
- Th.S Nguyễn Văn Phòng, Phó Phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
- TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế
- Th.S Lê Phước Sơn, chuyên viên Ban Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế


Nguồn:tuoitre.vn
 
×
Quay lại
Top