Huyền thoại về hai người phụ nữ tay không đả hổ

blackberry97

Banned
Tham gia
29/3/2012
Bài viết
76
Đối mặt với 2 con hổ tinh chuyên bắt người ăn thịt, 2 cô thôn nữ sức vóc mảnh mai vẫn bình tĩnh dùng đòn gánh chống trả. Bằng sự dũng cảm, mưu trí, họ đã lần lượt hạ từng “ông ba mươi” để cứu người. Với kỳ tích có một không hai ấy, hai cô gái xứ Quảng đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi lòng can đảm, dám hy sinh vì mọi người và gửi tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.



Hơn 40 năm sau trận thư hùng với hổ dữ, những ân nhân được cứu mạng năm đó vẫn tìm về cảm ơn hai “nữ hiệp” đã ra tay tương trợ.

Trước năm 1975, vùng phá Hạc Hải (kéo dài từ huyện Lệ Thủy đến TP. Đồng Hới, Quảng Bình ngày nay) vẫn còn nguyên sơ, cây cối rậm rạp, ít người qua lại nên thú dữ thường kéo về đây trú ẩn. Người dân ở đây luôn sống trong tâm lý nơm nớp lo sợ, chỉ cần sơ sẩy là bị bầy hổ tinh bắt ăn thịt.

Trở lại đất Quảng Bình hôm nay, chúng tôi nghe nhiều người kể về 2 người phụ nữ ấy với những lần đả hổ cứu người đã trở thành những câu chuyện huyền thoại.

Quật chết hổ tinh cứu bạn ở tuổi 15

Từ TP. Đồng Hới, chạy dọc theo Quốc lộ 1A hướng vào Nam hơn 30 km, chúng tôi đến diện kiến bà Ngô Thị Kỷ, người được mệnh danh là “nữ hiệp” đả hổ cứu người năm nào. Trong căn nhà nhỏ lụp xụp nằm cuối thôn, bà Kỷ ngồi chăm chút vót lại mấy tấm nan tre làm hàng rào ngăn gà, vịt.

Thấy có khách lạ đến chơi, bà bỏ dở việc lên rót chén nước trà mời khách. “Chuyện đánh hổ đã xảy ra hơn 40 năm rồi, hồi đó tôi còn trẻ, khỏe, cộng thêm một chút may mắn mới giết được hổ dữ. Giờ nghĩ lại mới thấy mình lúc đó gan lì, liều lĩnh” - bà Kỷ bồi hồi nhớ lại.

Bà Kỷ kể, chuyện xảy ra vào một buổi sáng sớm mùa hè năm 1962. Do thời tiết nắng hạn kéo dài, đất đai khô cằn, nứt nẻ nên người làng phải tranh thủ ra đồng để nhổ mạ về chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.

Cô gái Ngô Thị Kỷ lúc đó mới 15 tuổi cũng quang gánh ra đồng lúc trời vừa hừng sáng. Lo sợ trên đường đi gặp thú dữ nên Kỷ giấu một cây liềm (dụng cụ để gặt lúa) sắc bén trong người nhằm phòng khi gặp nạn.

Khi đến đầu làng, Kỷ gặp người bạn hàng xóm tên Bùi Minh Quốc (16 tuổi) cũng trên đường ra đồng nên cùng rủ nhau đi. Hai người vừa đi vừa trò chuyện, được một lúc thì qua xóm Bến (cách làng hơn 2km, là khu vực hoang vắng, cây cối rậm rạp - PV).

“Lúc đó, tôi và Quốc mới lội qua một con lệch nhỏ, vừa bước lên bờ thì thấy một con hổ to như con bò mộng lững thững bước tới. Quốc vội la lớn “Cọp ! Có Cọp! Chạy mau kẻo nó vồ chết…”.

Hai đứa phát hoảng định quay lưng bỏ chạy thì con hổ đã bất ngờ nhảy chồm tới, dùng 2 chân như 2 cái cột đình đè ngã người Quốc” - bà Kỷ kể lại.

Con hổ dữ gầm thét, xả ra một mùi hôi thối đến rợn người. Nó dùng móng vuốt cào rách từng mảng da đầu của anh Quốc, khiến máu chảy lênh láng. Trong tiếng gầm gừ của hổ tinh, bà Kỷ nghe được tiếng la hét thất thanh, đau đớn của bạn.



images695985_Huyen_thoai_nguoi_phu_nu_tay_khong_da_ho_phunutoday.vn.jpg


Bà Ngô Thị Kỷ - một trong hai huyền thoại đả hổ cứu người của đất
Quảng Bình, cho đến nay vẫn còn sống khỏe mạnh.



Thoáng chút định thần, bà Kỷ vứt đôi quang gánh, rút cây đòn triêng (một thanh gỗ dài, đặt ở giữa gánh – P.V) xông tới bổ liên tiếp 2 phát vào đầu hổ tinh. Nhưng dường như 2 cú đánh đó chỉ đủ “gãi ngứa” cho con hổ đang khát máu.

Nó tiếp tục gầm lên, đôi mắt trừng trừng sát khí. Hai chân con hổ vẫn giẫm lên cơ thể của anh Quốc. Người đàn bà trở thành huyền thoại trong các câu chuyển của người dân địa phương kể tiếp “Anh ấy bị mất nhiều máu nên đã ngất lịm đi.

Con hổ dùng móng vuốt bấu sâu vào ngực anh Quốc khiến máu chảy ra đầy người. Tôi cứ nghĩ là anh ấy đã chết rồi”. Con hổ vừa gầm gừ vừa đè tiếp hai chân sau lên “con mồi” như đề phòng sợ bà Kỷ cướp mất.

Thấy tình hình ngày càng trở nên nguy ngập, không một chút đắn đo, bà Kỷ lại xông lên dùng đòn ghánh đánh túi bụi vào đầu và thân hổ tinh. Con hổ điên tiết dùng hai chân trước nhảy chồm tới tấn công cô gái nhưng bị hụt.

Những chiếc đòn gánh như trời giáng vẫn bổ xuống đầu con hổ khiến nó tối tăm mặt mũi. Trận chiến bất ngờ bị gián đoạn vì hổ tinh thu mình thụt lùi phía sau hai bước khiến bà Kỷ đánh hụt vào khoảng không.

Không chút nghỉ ngơi, bà Kỷ lại xông đến quần nhau với hổ dữ. Khi nhớ lại bà Kỷ cho biết “Tôi cũng không hiểu sao lúc đó lại có sức mạnh và sự can đảm đến vậy. Con hổ to khỏe với đôi nanh sắc lẻm nhìn hai con mồi thèm thuồng, muốn xông lên xé thịt cả hai cho bõ tức”.

Bị đánh mấy phát phủ đầu đau điếng, con hổ thu người nhảy lên không trung, dùng hai chân tát vào mặt bà Kỷ. Bà phản ứng nhanh như chớp, xông tới ôm lấy cổ con hổ, ghì chặt không buông. Con hổ gầm gừ lắc mạnh để đẩy bà ra nhưng đôi tay bà như có ma lực cứ ôm cứng đầu hổ.

Con hổ hoảng loạn nhảy chồm lên định bỏ chạy vào rừng thì bị bà Kỷ rút cây liềm chém một nhát vào đầu, máu chảy xối xả. Bà Kỷ buông tay, con hổ mang vết thương chạy sâu vào rừng. Sau này, người làng đi vào rừng lấy gỗ phát hiện con hổ tinh nằm chết bên cạnh khe suối, trên cổ vẫn còn cây liềm của bà Kỷ vướng lại.

Đuổi được hổ tinh, bà Kỷ cũng kiệt sức nằm ngất xỉu bên anh Quốc. Lúc bà tỉnh dậy th.ì trời đã về chiều, bà vội gọi người làng đến đưa anh Quốc đi cấp cứu. Sau cuộc thư hùng “kinh thiên động địa” với hổ dữ, tên tuổi cô gái Ngô Thị Kỷ được vang danh khắp nơi.

Báo chí loan tin, Bác Hồ nghe tin đã viết thư khen ngợi lòng dũng cảm của cô gái bé nhỏ và trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”.

Đã 47 năm trôi qua, ông Bùi Minh Quốc, người bị hổ tinh đánh ngất năm nào đã có gia thất, sống cùng làng với bà Kỷ. Đến giờ ông vẫn nói trong sự cảm động “Nhờ có bà ấy, tôi mới thoát chết nên cả đời tôi luôn khắc cốt, ghi tâm ơn tái tạo ấy.

Tôi và bà Kỷ cùng lớn lên, trải qua chiến tranh, bom đạn nên tình cảm giữa hai nhà luôn thắm thiết, mặn nồng”. Để tưởng nhớ chiến công oanh liệt năm nào, cứ vào độ ấy, gia đình bà Kỷ và ông Quốc lại sum họp, họ cùng uống chén rượu thề thuỷ chung để nâng niu tình cảm cưu mang nhau.

Lật giở mấy tờ báo cũ đã bạc màu thời gian, viết bằng tiếng Nga, bà Kỷ tự hào nói “Hồi ấy, báo chí các nước XHCN đã viết về tôi, người con gái Việt Nam yếu đuối vẫn có thể hạ gục được một con hổ lớn.

Nhiều bạn bè trên thế giới đã viết thư gửi cho tôi, nhưng chiến tranh đạn lửa, nó lưu lạc mất”. Với bà Kỷ, đó là phần thưởng xứng đáng cho lòng dũng cảm của mình.

Dùng đòn gánh hạ gục hổ dữ, cứu người

Nằm cách nhà bà Kỷ hơn 20 km, làng Trung Bính (xã Bảo Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) vẫn truyền tụng nhau câu chuyện về cô gái trẻ 17 tuổi dám một mình “đơn đả, độc đấu” với hổ tinh để cứu 3 đứa trẻ nhỏ.

Theo ông Hoàng Văn Nam (SN 1932), nguyên là xã đội trưởng xã Bảo Ninh kể lại, vào năm 1950, bà Bùi Thị Té (lúc này 17 tuổi, người làng Trung Bính) trên đường ghánh hàng băng qua rừng dương thì gặp 3 đứa trẻ nhỏ trong làng đang ngủ tránh nóng dưới những đụn cát.

Bà bước đến bên cạnh chúng ngồi nghỉ lấy sức để chuẩn bị gánh hàng tiếp tế cho bộ đội pháo binh trực chiến ở cánh rừng cách đó hơn 10 km. Trời trưa nắng gắt, gió biển thổi mát, bà lim dim mắt ngủ.

Nhưng vừa chợp mắt thì bà Té nghe tiếng thở phì phì… phát ra ở một ao nhỏ cạnh đó. Bà nghĩ đó là súc vật nuôi của người làng đi lạc nên chạy đến xem. Vừa vén mấy cành dương lên thì bà Té phát hoảng khi thấy một con hổ lớn đang ngồi rình mồi.

Con hổ bị người lạ “vạch trần” chỗ ẩn nấp, nó gầm gừ rống lên một tiếng như thét. Bà Té chưa kịp quay lưng kêu lũ trẻ bỏ chạy thì bị hổ dữ chồm tới, quật ngã xuống nền cát cháy bỏng. Bị tát một đòn đau điếng, chảy máu mũi, bà Té vẫn cố hết sức vùng dậy chạy đến vơ cây đòn gánh chống trả.

Bằng một cú lao người, bà Té đã “dính” một cước thứ hai của hổ tinh, máu chảy ra ướt đẫm cả chiếc áo nâu sờn màu. Mặt mày xây xẩm, nhưng bà Té vẫn chống cây đòn gánh bảo vệ 3 đứa trẻ đang ngon giấc phía sau.

Khi con hổ thu người để lao lên lần thứ hai thì bà Té kinh hãi lùi lại một bước, giơ chiếc đòn gánh ra chống đỡ. Do con hổ nhảy quá cao bị chiếc đòn gánh thúc mạnh vào ngực, khiến nó ngã văng ra xa. Cú va đập đã khiến hổ tinh đổ sập xuống bãi cát, bất tỉnh.

Chớp lấy cơ hội, bà Té chạy tới đánh túi bụi vào đầu con hổ dữ. Những cú đánh như trời giáng đã khiến hộp sọ của hổ dữ bị vỡ nát. “Khi cả làng Trung Bính biết chuyện liền chạy ùa ra bãi cát để xem con hổ tinh bị bà Té đánh chết.

Con hổ to phải 3 người mới khiêng nổi. Người làng đã mở cỗ ăn mừng suốt 3 ngày liền. Huyện đội Quảng Ninh đã gửi công văn yêu cầu các cơ quan chức năng biểu dương tinh thần dũng cảm của cô gái trẻ” - ông Nam cho biết.

Tự hào vì có người con can đảm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ mọi người, dòng họ Bùi ở Trung Bính đã đưa vào danh sách những bậc có công lớn với làng, tương đương những vị có công khai khẩn, lập làng.

Trong những năm chiến tranh, bà Té viết đơn tham gia lực lượng Thanh niên Xung phong chiến đấu tại “tọa độ chết” trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Bà cùng đồng đội đã phá đá, mở đường, tháo bom… thông đường cho những đoàn xe chở hàng tiếp tế mặt trận miền Nam.

Chiến tranh qua đi, bà Té trở về sống yên bình bên lũy tre làng Trung Bính cho đến năm 2009 thì qua đời. Thắp nén nhang lên mồ bà Bùi Thị Té, chúng tôi không khỏi thầm thán phục sự quả cảm của cô gái trẻ năm nào khi một mình chống chọi với hổ dữ, cứu người.

Dù hơn 60 năm trôi qua, nhưng câu chuyện bà Té đánh hổ vẫn mãi nằm trong di sản ký ức làng Trung Bính. Con em trong làng đỗ đạt cao trong các kỳ thi cử đều đến viếng mộ bà như một lời tri ân của thế hệ sau đối với bậc tiền nhân.

Ở miền đất Quảng Bình đó, đến tận bây giờ người dân kể về 2 người phụ nữ như những người anh hùng huyền thoại.

Trần Thủy Nam

Nguồn : Phunutoday.vn
 
×
Quay lại
Top