Istanbul - hương xa xứ lạ

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
Nhiều người bạn hỏi tại sao tự nhiên lại đến Thổ Nhĩ Kỳ, xa xôi và lạ lẫm? Thổ Nhĩ Kỳ trong tôi là những mảnh ghép vụn vặt, từ một cô gái mắt to tròn, ấn tượng trong bộ phim Những con chim tải cúc hay hót, hay một bữa ăn đậm đà hương vị Thổ ở Pasha TPHCM, những giai điệu quân nhạc hùng tráng Turkish March của Mozart và Beethoven…
Đông - Tây hòa điệu
Tôi tới Istanbul vào một buổi chiều khi nắng vẫn còn trải dài trên vịnh Bosphorus. Istanbul không còn là những phố nhỏ cô đơn, ngập tràn màu đen - trắng hay xám xịt trời mùa đông, lá cây run rẩy trong gió bấc trong những trang đầu tiên của cuốn sách Istanbul, memories and the city mà Orhan Pamuk viết. Bây giờ, Istanbul ngập tràn nắng ấm, sắc màu lấp lánh và rạng rỡ. Vịnh Bosphorus nối liền biển Đen và Địa Trung Hải, chia cắt Istanbul thành hai bờ Âu - Á lóng lánh dưới ánh mặt trời, loang loáng những dinh thự cổ kính, những chiếc thuyền buồm cánh trắng hai bên bờ. Buổi sáng đầu tiên ở Istanbul, tôi ngồi trên thuyền nhìn về hai bờ Á - Âu, vẫn chưa thể hình dung ra được cú va chạm văn hóa Đông - Tây vừa khắc nghiệt, vừa đau đớn đến thế nào, nhưng không gian này đã tạo nên nhiều cảm hứng cho những nhà văn, nhà thơ của Istanbul và cho cả những người khách ghé qua đường như tôi. Chỉ đến khi tôi đi lững thững ngó nghiêng khắp các khu phố, đi dọc theo bức tường thành cổ, mê mẩn những hoa văn trong các thánh đường và buổi chiều, khi tôi lặng yên ngồi nhìn những người phụ nữ đang cúi rạp đầu đọc kinh Koran trong gian nhà thờ Xanh, tôi mới bắt đầu cảm thấy ở Istanbul những nhịp điệu khác nhau rõ rệt hơn.
KenhSinhVien-istanbul-1-1-.jpg


Vịnh Bosphorus chia cắt Istanbul thành hai bờ Âu - Á

KenhSinhVien-istanbul-blue-mosque.jpg


Thánh đường Blue Mosque
KenhSinhVien-istanbul-xe-dien-co-o-pho-di-bo-istiklal.jpg


Xe điện cổ ở phố đi bộ Istiklal

Phương Đông huyền bí của Istanbul vẫn còn nằm nguyên trên những mái vòm cao lồng lộng của thánh đường Hagia Sophia, những màu xanh mê mải của Blue Mosque. Lâu đài Topkapi vẫn lưu giữ trong nó những thanh gươm báu, vương miện lộng lẫy, những viên ngọc quý, những tà áo sultan cầu kỳ tha thướt - dấu vết của một thời vàng son và hùng cường của cả một đế chế. Ở phía đằng sau là đường xe điện, cây cầu sắt, những khu chung cư cao tầng và những người phụ nữ không mang khăn mạng… Những ngày ở Thổ Nhĩ Kỳ là những trải nghiệm quý báu đầy ngỡ ngàng trước một nền văn hóa cực kỳ độc đáo.

“Hüzün”, tìm mà chẳng gặp
Pamuk dành hẳn một chương để viết về “hüzün” - tiếng Thổ có nghĩa là nỗi buồn, nhưng nó khác rất nhiều với “tristess” của Levis-Strausse. “Hüzün” là sợi chỉ tâm tình Pamuk dành cho Istanbul trong suốt 500 trang sách của mình - một nỗi niềm của cả một cộng đồng, của những người yêu và gắn bó với thành phố, hoài niệm, luyến tiếc thời hoàng kim, giàu sang và thịnh vượng của cả một đế chế hùng cường. “Hüzün” trong sách của ông, lẩn khuất ở từng ngôi nhà, từng góc phố, từng mép nước vịnh Bophorus. Nỗi xót xa và đau đớn khi thấy thành phố chuyển mình, giằng co những giá trị Đông phương và Tây phương trong từng câu chữ…
KenhSinhVien-istanbul-hagia-sophia.jpg


Bên trong thánh đường Hagia Sophia
Vài ngày ở đây, tôi chưa thể cảm nhận được “hüzün” của Pamuk. Nhưng rõ ràng, sau khi cuốn sách Istanbul, memories and the city của Orhan Pamuk đoạt giải Nobel, nhiều người đã biết và tìm đến thành phố này. Tôi chợt nhận ra rằng, dường như tôi đi tới Istanbul để đi tìm “hüzün “đấy, nhưng cuối cùng không hề tìm thấy nó. Khi trở về Hà Nội, tôi lại tìm thấy “hüzün” ngay ở trong thành phố của mình. Cái cảm giác luyến tiếc và buồn buồn khi thấy chợ phố đã mất, thấy khu phố nơi mình ở ngày xưa yên bình và thanh tịnh, gọn gàng đã trở nên chật chội, thấy những con người Hà Nội, yêu Hà Nội càng ngày càng ít. Istanbul đẹp, giàu giá trị văn hóa và lịch sử, hàng ngày vẫn đang phải giằng co giữa những giá trị phương Tây và phương Đông trong từng góc phố, vẫn còn có một người là Pamuk yêu say mê. Ở Hà Nội, có bao người đang sống ở đây, hít thở không khí ở đây trả lời được rằng Hà Nội là ở đâu trong trái tim mình?
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

(Thúy Hằng)
 
×
Quay lại
Top