Khi đồng tiền ngự trị.

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.256
tuoitre.vn

Khi đồng tiền ngự trị

TT - Người ta nói chữ nghĩa thay đổi được con người, nhưng nhiều vụ án cho thấy tiền bạc còn quyền năng hơn, nó biến đổi được cả người sành chữ nghĩa.
ImageView.aspx
Bị cáo Huỳnh Chí Thông (trái) và Thái Thanh Phong tại tòa - Ảnh: M.T.
Theo hồ sơ vụ án, hai bị cáo Huỳnh Chí Thông, 27 tuổi và Thái Thanh Phong, 26 tuổi, cùng học ngành quản lý đất đai. Ra trường, họ xin việc ở quê nhà huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Thông được nhận vào làm cán bộ địa chính xã Nhơn Nghĩa. Phong được nhận vào làm cán bộ địa chính xã Giai Xuân...

Có lần Thông đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện báo cáo công việc nhưng không gặp cán bộ quản lý hồ sơ lưu trữ. Thấy trên bàn làm việc có nhiều hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, văn phòng lại không có ai, Thông liền ăn cắp tám hồ sơ bỏ vào cặp. Rồi Thông cùng với Phong đem hai hồ sơ thế chấp để vay tiền.

“Làm người dân mất niềm tin”

"Ma lực của tiền khiến những cán bộ, công chức - những người có ăn có học, được dạy dỗ ít nhiều về đạo đức - không giữ được nhân phẩm, giá trị của mình, biến thành phường trộm cắp, lừa đảo..."
Thông và Phong còn đến tận nhà một số người dân nói rằng mình làm rất nhanh giấy tờ về đất đai. Dân thấy họ là cán bộ địa chính nên tin tưởng đưa tiền. Các bị cáo lấy tiền tiêu xài mà không làm thủ tục như đã hứa, đồng thời còn lấy giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các nạn nhân đem cầm để tiếp tục chiếm hưởng...Riêng Thông còn bị truy tố tội tham ô bởi khi nhận tiền tạm ứng thuế, lệ phí... hồ sơ xin chuyển nhượng của người dân đến nộp, Thông không nộp về ngân sách huyện mà bỏ túi riêng. Tổng cộng Thông chiếm hưởng trên 250 triệu đồng. Phong chiếm hưởng trên 400 triệu đồng.

Ngày 22-10-2012, TAND TP Cần Thơ mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Thông về các tội danh “chiếm đoạt tài liệu của cơ quan nhà nước”, “tham ô tài sản”, “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị cáo Phong về các tội danh “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Chủ tọa thở dài: “Các bị cáo biết rõ những người dân mà các bị cáo lừa kêu đưa tiền làm giấy tờ đất, kinh tế của họ khó khăn. Có người phải vay nóng để có đủ số tiền theo đòi hỏi của các bị cáo. Vậy mà vì tiền các bị cáo vẫn bất chấp tất cả”. Nói đến đây, giọng vị chủ tọa chùng xuống: “Các bị cáo được cha mẹ cho đi học, ra trường có việc làm đúng chuyên môn. Đúng ra phải thấy đó là may mắn, ra sức hoàn thành nhiệm vụ trả hiếu cho cha mẹ, công ơn thầy cô và xã hội. Đằng này lại lợi dụng chức vụ trộm cắp, lừa đảo... chẳng những đẩy nhiều người vào cảnh khốn khó, còn làm người dân mất niềm tin nơi cơ quan công quyền”.

Hai bị cáo nói mình rất hối hận và hứa sẽ trả lại tiền cho các bị hại. Giọng bà Nguyễn Thị B. (bị hại) bức xúc: “Yêu cầu tòa bắt các bị cáo phải nói rõ ngày trả chứ đừng hứa suông. Chúng tôi bị gạt quá nặng nên không còn tin mấy kẻ lừa đảo này nữa. Bản thân tôi vay nóng, không có tiền trả nợ gốc nên giờ vẫn phải còng lưng đóng lãi...”.

Giờ nghị án. Những giọt nước mắt của hai người trẻ tuôn thành dòng lặng lẽ. Khô
ng biết có phải họ khóc vì hối hận đã để đồng tiền “cai quản”, biến mình thành kẻ trộm cắp, lừa đảo hay khóc vì day dứt, ân hận bởi hành vi xấu xa của mình đã đẩy nhiều người vào cảnh khốn khó?...

Tòa tuyên bị cáo Thông 20 năm tù, bị cáo Phong 12 năm tù. Hai bị cáo cúi đầu lầm lũi bước khi bị dẫn giải, không người thân chạy theo như bao bị cáo khác.

Những giáo viên gục ngã

Theo hồ sơ vụ án, ông Lê Thanh Hải và ông Nguyễn Văn L. cùng là giáo viên THCS ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Năm 2007, ông Hải bắt tay với ông L. làm bằng giả trục lợi. Năm 2009, ông L. bệnh. Ông Hải chuyển sang hợp tác với con trai ông L. là Nguyễn Quang Long. Ba người định giá: bằng tốt nghiệp phổ thông 2,5 triệu đồng, giấy chứng nhận kết quả thi đại học 1,2 triệu đồng... Ông Hải đã môi giới đưa Long làm tổng cộng 73 bằng cấp giả các loại. Ông Hải hưởng lợi 48 triệu đồng, cha con Long 110 triệu đồng. Tham gia đường dây làm bằng giả này còn có 17 bị cáo khác với vai trò môi giới. Riêng ông L. do bệnh nặng nên chờ xử lý sau.

Án sơ thẩm đã tuyên phạt chỉ duy nhất ông Hải 1 năm tù giam, còn 18 người khác từ 1 năm đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Ngay sau đó, Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng hình phạt đối với 11 bị cáo.

Ngày 25-10-2012, TAND TP Cần Thơ mở phiên phúc thẩm. Trong số 11 bị cáo có đến sáu người là giáo viên, trong đó có người từng giữ chức vụ hiệu trưởng. Các bị cáo đều bào chữa do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả nể... nên mới làm “cò” kiếm lời từ 500.000-1 triệu đồng/bằng giả.

Bị cáo Hải bào chữa: “Do hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên bị cáo mới làm vậy...”. Kiểm sát viên hỏi: “Đâu phải gặp khó khăn rồi làm chuyện phạm pháp? Bị cáo có nghĩ những người không có thực học mua bằng giả của các bị cáo, rồi dùng thủ đoạn xin được việc làm, nhất là được những vị trí trọng yếu thì tác hại sẽ đến đâu không? Đồng thời tạo ra bất công cho xã hội khi những người có năng lực thực thụ không tìm được công việc tương xứng... Bị cáo từng là thầy thì càng hiểu rõ điều này. Bị cáo nghĩ sao khi trò chẳng những học kiến thức mà còn học nhân cách của thầy?”. Im lặng.

Khi nói lời sau cùng, sáu bị cáo vốn là giáo viên đều nói rất hối hận bởi việc làm của mình gây tác hại cho xã hội, đồng thời gieo gương xấu cho những thế hệ học sinh... và xin được y án sơ thẩm.

Tòa tuyên án. Bị cáo Long từ mức án sơ thẩm 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo bị tăng lên thành 3 năm tù giam. Còn bị cáo Hải, chỉ vài giây mà cảm thấy già thêm hàng chục tuổi khi tòa tuyên mức án 5 năm tù. Riêng bị cáo Minh gương mặt rúm ró lại, lưng như còng xuống thêm trước mức án 2 năm tù giam bởi trước đó án sơ thẩm tuyên ông 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Bị cáo từng giữ chức vụ hiệu trưởng này đã không giữ được thiên lương trong lòng để đồng tiền quật ngã khi làm việc trái đạo: nhận “chạy” 11 giấy tờ giả hưởng tiền cò trên 11 triệu đồng.

Bốn bị cáo còn lại vốn là giáo viên mừng rơi nước mắt khi nghe tòa tuyên mức án từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm nhưng cho hưởng án treo. Họ bảo rằng thật may mắn khi thoát khỏi cái điều rất khủng khiếp là phải ngồi sau song sắt nhà tù...
Mọi người lặng lẽ đi về. Riêng ông Hải và ông Minh bước chân rất nặng nề, mệt nhọc, phải chi họ đừng gục ngã trước cám dỗ của đồng tiền thì giờ đây ở tuổi trên 60 không phải vướng vào vòng lao lý...

MINH TÂM
 
cơm áo gạo tiền! con người mà sống vì tiền thì sẽ chết vì tiền
làm cha mẹ phải lo kiếm tiền nuôi các con lúc đó các bạn mới hiểu sức mạnh đồng tiền
 
×
Quay lại
Top