Người trẻ cần chủ động và năng động

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Đó là lời khẳng định của các doanh nhân trẻ trong buổi giao lưu với hơn 200 sinh viên khoa Kinh tế Đại học Phú Yên nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Sinh-vien-121108.jpg
Sinh viên Trường Đại học Phú Yên trao đổi với doanh nhân về những băn khoăn,
thắc mắc trong quá trình xin việc - Ảnh: LÊ HẢO
“CHÚNG TÔI TỪNG LÀ SINH VIÊN”

Tại buổi giao lưu, các doanh nhân đến từ Hội Doanh nghiệp trẻ Phú Yên, Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả đã trình bày nhiều chuyên đề về tuyển dụng tại các doanh nghiệp, kỹ năng tạo môi trường làm việc và kỹ năng làm việc nhóm… Theo ông Hà Đắc Diệp, Phó giám đốc Công ty Vật liệu Hải Thạch, hiện sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức cả về chuyên môn lẫn xã hội, nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn và những kỹ năng cần thiết để thích ứng với công việc sau này. Vì vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên không những cần cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn phải trang bị thêm một số kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, quản trị bản thân…

Trong quá trình xin việc, từ lúc tìm kiếm thông tin, làm hồ sơ, phỏng vấn đến khi được nhận vào thử việc, sinh viên phải chuẩn bị rất kỹ càng để tăng cơ hội được tuyển dụng. Ông Phạm Đình Thuận, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hải Thạch B.O.T cũng cho biết: Ngày nay, các doanh nghiệp rất thực tế, nếu trong quá trình phỏng vấn hoặc thử việc, người tuyển dụng nhận thấy khả năng của sinh viên không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ thẳng thắn từ chối. Lúc này, sinh viên phải tự nhìn lại còn thiếu sót những gì, cần học hỏi, bổ sung những gì để hoàn thiện kỹ năng làm việc của mình. Điều quan trọng là sinh viên phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận sự từ chối và biết rút kinh nghiệm cho những lần xin việc tiếp theo.

Tại buổi gặp mặt nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Đinh Phú Khánh, Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên kiến nghị, doanh nghiệp Phú Yên nên ưu tiên nhận sinh viên học ở Phú Yên trong quá trình tuyển dụng. Hiện rất nhiều sinh viên Phú Yên sau khi ra trường phải ra khỏi tỉnh để làm việc trái ngành học. Nếu Hội Doanh nghiệp Phú Yên thường xuyên đứng ra làm cầu nối nhận sinh viên vào thực tập, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên lựa chọn hướng đi đúng và thực tế thì khi tuyển chọn nhân sự, chủ doanh nghiệp cũng thoải mái hơn.
Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm thực tế, các doanh nhân còn trao đổi thẳng thắn với sinh viên về những thắc mắc trong quá trình xin việc, lưu ý các bạn nên làm gì để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bạn Nguyễn Hữu Chánh, sinh viên lớp Quản trị kinh doanh K09 thắc mắc: “Nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm nhưng sinh viên mới ra trường thì kinh nghiệm làm việc chưa có. Vậy làm thế nào để xin được việc?” Ông Nguyễn Huỳnh Vĩnh Huy, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên cho rằng: Lúc mới làm việc, sinh viên có thể chọn những công ty nhỏ, mới thành lập vì hầu hết các nơi này không đòi hỏi kinh nghiệm. Sau khi một thời gian va chạm thực tế, nếu muốn phát triển hơn, sinh viên có thể nộp đơn ở các công ty vừa và lớn hơn.

Trước sự lo lắng của bạn Nguyễn Minh Tâm, sinh viên lớp Quản trị kinh doanh K09 về việc hầu như sinh viên không học hỏi được gì sau ba tháng thực tập, doanh nghiệp chỉ nhận cho có rồi cho số liệu về viết báo cáo chứ không giao việc, ông Phạm Đình Thuận chia sẻ: “Chúng tôi từng là sinh viên nên hiểu và thông cảm cho những băn khoăn của các bạn trước ngưỡng cửa cuộc đời. Ngày đi thực tập, dù chưa được giao việc nhưng hằng ngày tôi vẫn đến công ty pha trà, rót nước cho các anh chị, kiên nhẫn quan sát cách họ xử lý công việc của công ty. Nhờ vậy, khi được giao việc, tôi không cảm thấy bỡ ngỡ mà có thể hòa nhập và thích ứng được ngay. Theo tôi, sinh viên không nên thụ động ngồi chờ cơ hội đến mà phải chuẩn bị sẵn sàng để bắt lấy khi nó xuất hiện”.

Một số sinh viên băn khoăn, liệu các doanh nghiệp ở Phú Yên có muốn nhận sinh viên địa phương vào làm việc hay không? Làm sao để phát triển ở một môi trường chưa năng động như ở Phú Yên? Các doanh nhân cho biết, nếu nhận thấy tại địa phương có những doanh nghiệp phù hợp thì sinh viên sau khi ra trường nên bắt đầu tại đây. Hiện các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến kinh nghiệm, đến kỹ năng học hỏi và khả năng làm việc của sinh viên chứ không chú tâm đến việc sinh viên học từ trường nào, ở đâu. Khi đã được nhận vào làm việc, các bạn cần nỗ lực khẳng định khả năng của mình. Tri thức là một sản phẩm và sinh viên chính là những người từ chào bán sản phẩm của chính mình. Muốn thành công bạn phải có sản phẩm tốt và chiến lược kinh doanh phù hợp.
Sinh-vien-2-121108.jpg
Sinh viên tham gia trò chơi kinh doanh “bán hàng tại chỗ” - Ảnh: LÊ HẢO

MUỐN THÀNH CÔNG PHẢI CÓ CHIẾN LƯỢC

Trong thời gian giao lưu, các sinh viên chuyên ngành Market­ing được thử tài bán hàng qua trò chơi kinh doanh “bán hàng tại chỗ”. Luật chơi là mỗi nhóm phải mua đủ 100.000 đồng bánh, kẹo, nước, hạt dưa… do đại diện của trường bán sau đó đem bán lại cho mọi người với tỉ suất lợi nhuận đạt thấp nhất là 10%. Sau khi nhận được yêu cầu, các bạn sinh viên nhanh chóng họp nhóm bàn phương án kinh doanh rồi tiến hành mua những sản phẩm cần thiết; sau đó tỏa ra các dãy ghế tiến hành bán hàng. Người thì bán cho bạn bè thân, người bán cho bạn cùng lớp, người đi mời thầy cô… Đặc biệt, một vài bạn nhắm đến nhóm khách hàng cấp cao là các do­anh nhân trên diễn đàn. Ông Đinh Phú Khánh, Tổng thư ký Hội Do­anh nhân trẻ Phú Yên cho biết: Tôi thật sự bất ngờ trước tư duy chiến lược sáng tạo của các bạn sinh viên. Những tưởng các bạn sẽ đi theo một lối mòn là ùa lên phía trên để bán, nhưng một số bạn lại đi ngược với đám đông, tiến xuống phía dưới. Không tính đến lợi nhuận thu được, khả năng sáng tạo, dám thử nghiệm một phương pháp mới đã là một sự thành công trong suy nghĩ của người trẻ hiện nay.

Bạn Tôn Lê Anh Định, một sinh viên tham gia buổi giao lưu bộc bạch: Chương trình giao lưu đề cập đến những vấn đề rất thiết thực và bổ ích, nhất là đối với sinh viên năm cuối, chuẩn bị ra trường. Qua chương trình này, em hiểu được rằng những bài học từ sách vở khi áp dụng vào thực tế phải linh hoạt chứ không nên cứng nhắc vì cuộc sống rất muôn màu muôn vẻ và nhu cầu của thị trường, khách hàng cứ biến đổi không ngừng. Khi kinh doanh, không nên bán hàng hóa mà chúng ta có mà phải bán những thứ khách hàng cần. Bài học này em sẽ khắc ghi để áp dụng cho công việc sau này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, nhà trường luôn mong muốn tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa sinh viên với các doanh nhân thành đạt của tỉnh. Đây không những là dịp để các em sinh viên học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị cho quá trình xin việc và làm việc sau này mà còn là cơ hội để trường quảng bá, giới thiệu hình ảnh sinh viên Đại học Phú Yên đến với các doanh nghiệp. “Bên cạnh chất lượng, chúng tôi còn quan tâm đến hiệu quả đào tạo. Khi sinh viên tự tin với kiến thức và kỹ năng được học, đáp ứng yêu cầu công việc, khiến nhà tuyển dụng hài lòng thì đó là một thành công”, tiến sĩ Trang nói.

LÊ HẢO
Báo Phú Yên
 
lúc nào mà chả thế @@ 1 câu nói chung chung
 
×
Quay lại
Top