Trường học cạnh tranh thu hút chất xám

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Sở hữu một đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là giảng viên (GV) - mà phần lớn là TS, GS, PGS… luôn là mục tiêu hướng đến của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Tuy nhiên, thu hút nhân lực chất lượng cao là vấn đề không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Vì vậy, nhiều cơ sở GDĐH đã có những chính sách “trải thảm” và từ đó, việc chảy máu chất xám giữa các nơi là điều không tránh khỏi…

Sướng như… tiến sĩ !

images667989_image001.jpg

NGND-GS.TS Nguyễn Quang Thạch (bìa trái) được mời về làm trưởng khoa CN Sinh học & Nông nghiệp, ĐH Nguyễn Tất Thành từ một trường khác​

Đứng trước đòi hỏi ngày càng bức thiết về chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở GDĐH đều đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng, thu hút, phát triển đội ngũ GV. Bên cạnh việc phát triển nguồn lực bên trong bằng cách hỗ trợ khuyến khích GV học tập nâng cao trình độ thì một số trường đẩy mạnh việc chiêu mộ nguồn lực bên ngoài bằng chính sách “trải thảm”.

Điều này dễ nhận thấy ở các trường Đại học ngoài công lập (NCL), nhất là những trường đang muốn khẳng định thương hiệu của mình. ThS. Nguyễn Trọng Tuấn – trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: Đối với CBVC có trình độ TS ở nơi khác về, nếu cam kết công tác tại trường 8 năm trở lên thì hỗ trợ 100 triệu và đối với CBVC của trường đi học lấy bằng TS cũng được hỗ trợ như vậy. Tương tự, các trường như ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Hoa Sen… cũng đề ra những chính sách thu hút hậu hỷ.

Một số trường đại học công lập cũng đang tập trung đầu tư thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này. Mấy năm gần đây, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM áp dụng chính sách tuyển CBVC có trình độ TS riêng, không qua quy trình thi tuyển bình thường - chỉ cần phỏng vấn trực tiếp với hiệu trưởng - và tạo điều kiện việc làm tại trường cho vợ hoặc chồng của CBVC đó (có trình độ TS) nếu có nguyện vọng cùng về trường.

Ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Nguyễn Minh Quang – Quản lý phòng Tổ chức Hành chính, thư ký Ban Giám hiệu, cho biết: Trường có nhiều chính sách hỗ trợ CBVC, đặc biệt là khối giảng dạy. GV được cử đi học thì nhà trường hỗ trợ học bổng, nếu GV tự tìm được học bổng thì nhà trường cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho đi, nếu là học bổng bán phần thì nhà trường hỗ trợ phân nửa. Hiện ở trường có hơn 100 trường hợp đi học nâng cao trình độ như vậy.

Ở ĐH Công nghiệp TP.HCM thì có chính sách mạnh hơn, đưa hẳn vào quy chế chi tiêu nội bộ của trường - mà mọi người nói vui là “tiền trải thảm”: CBVC ở nơi khác về trường được hỗ trợ 50 triệu đối trình độ TS, 70 triệu đối với PGS, 100 triệu đối với GS. Bên cạnh đó chế độ lương cũng ưu đãi. TS, ngoài tiền lương bình thường, mỗi tháng được cộng thêm 2 triệu. Đối với CBVC của trường lấy được bằng TS về thì được thanh toán toàn bộ học phí và thưởng thêm 50 triệu. Một CBVC của trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thốt lên rằng: Chưa bao giờ làm TS… sướng như thế!

Khoảng 10 năm về trước, đến mùa tuyển sinh, các trường đại học công lập chỉ việc ngồi “rung đùi” đón nhận thí sinh đăng kí thi tuyển vào trường. Việc đi tiếp thị, phát tờ rơi giới thiệu trường là chuyện của các trường NCL. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, chính các trường công lập cũng phải đẩy mạnh việc PR, giới thiệu trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Trong mùa tuyển sinh 2013, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực hiện việc cấp học bổng khuyến tài cho SV khóa 2013 có kết quả thi tuyển đầu vào đạt điểm cao với 7 mức. Cụ thể, thí sinh thi vào trường đạt 30 điểm được cấp học bổng 30 triệu/SV và tuần tự, giảm dần đến mức 24 điểm thì thưởng 24 triệu. Ông Nguyễn Anh Đức – Trưởng phòng CTHSSV của trường cho biết, nhờ đó, những năm qua, số lượng đăng ký tuyển sinh vào trường tăng (năm 2012 có trên 22.000 hồ sơ, năm 2013 có trên 28.000 hồ sơ).

Khi chất xám là thương hiệu

images667990_image003.jpg
Một buổi hội thảo của các GVĐH​

Trong những năm gần đây, với chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, nhiều trường ĐH thu nhận về nhiều CBVC có học hàm hoc vị cao. ThS. Trương Hoàng Tuấn – Phó phòng Tổ chức Hành chính trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho biết: Trong vòng hơn 1 năm qua, trường đã tuyển được 2 PGS, hơn 10 TS. Một trong những chính sách “trải thảm” khá thành công của ĐH Nguyễn Tất Thành là “chiêu mộ ong chúa”.

Theo lý giải của lãnh đạo trường, khi “ong chúa” về thì các “ong thợ” sẽ tự khắc tìm theo. Ý nói có TS, GS giỏi, uy tín về trường thì sẽ có thêm nhiều GV có trình độ tương tự, nghe tiếng về theo. Tính từ khi lên ĐH (năm 2008) đến nay đội ngũ CBVC của trường Nguyễn Tất Thành đã có một sự thay đổi và phát triển khá lớn về lượng lẫn về chất với 5 GS, 2 PGS, 4 TSKH, trên 100 TS…

Có thể khẳng định, một trong những yếu tố làm nên thương hiệu một trường ĐH là đội ngũ CBVC, GV có trình độ cao. Tuy nhiên, việc các trường đua nhau đẩy mạnh chính sách chiêu mộ nhân tài trong khi để “kiếm ra” một “ông” TS trong một thời gian ngắn thì không dễ dàng gì nên chuyện chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi giữa các cơ sở GDĐH. Ông Nguyễn Minh Quang nhìn nhận: Chảy máu chất xám thì trường nào cũng có và nó vẫn đang chảy.

Trong bối cảnh những trường NCL đưa ra những điều kiện hấp dẫn về kinh tế để thu hút đối tượng có trình độ cao, đồng thời việc chạy theo tiếng gọi của thu nhập là không thể phủ nhận, nên không thể ngăn được tình trạng ấy. Trong 2 năm trở lại đây, trường ĐH Tôn Đức Thắng thu hút được 16 TS ở bên ngoài về, nhưng số TS ở trường ra đi cũng chiếm 5% số đó. Cũng có trường hợp TS do trường cử đi học nước ngoài về bị quyến rũ bởi trường khác không phục vụ đúng theo cam kết. Trường phải buộc họ bồi hoàn số tiền đã hỗ trợ trong suốt thời gian đi học, nhưng có người thì trả, có người lờ đi.

Có một vấn đề đặt ra: Khái niệm về cái gọi là “chảy máu chất xám trong giáo dục” vẫn có nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau. GS. Đào Văn Lượng – hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, một trường ĐH NCL, nói: Ở trường NCL, lơ ngơ thì cán bộ, GV bỏ anh đi ngay. Và đấy là nguồn lực của xã hội chứ không của một trường nào hết.

Thấy như vậy thì không có chuyện chảy máu chất xám. Vấn đề là ta phải sử dụng sao cho tối ưu nhất chất xám, không nên bó buộc chất xám. Chuyện GV trường này đi dạy trường khác là bình thường, vì chất xám có đổ đi đâu, cũng là phục vụ cho giáo dục, cho xã hội… Gần với quan điểm này, ThS. Nguyễn Trọng Tuấn – ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho rằng: Đây là sự sẻ chia nguồn lực chất xám để dần xóa bớt khoảng cách chất lượng đào tạo giữa các trường ĐH công lập và NCL.

ThS. Trương Hoàng Tuấn thì cho rằng, có nhiều dạng chảy máu chất xám: chảy máu hữu hình và vô hình. Làm việc không đúng chuyên môn cũng là một dạng chảy máu chất xám. Hoặc có trường hợp GV được quy định dạy 5 tiết/ tuần nhưng lại dạy đến 20 tiết/tuần nên không có thời gian để đầu tư, nghiên cứu bài giảng, chất lượng giảng dạy không đảm bảo, đó cũng là một dạng chảy máu chất xám. Như vậy chính nhà trường phải biết ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám ngay trong phạm vi trường mình trước khi mời mọc chất xám bên ngoài vào. Cạnh tranh là phải cạnh tranh ngay với chính mình trước.

“Môi trường làm việc là yếu tố chính để giữ chân chất xám. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế đôi khi cũng làm cho người ta có những chao đảo. Nếu vì tài chính mà chất xám ra đi thì chúng ta đành phải chấp nhận. Tuy nhiên, “lạm dụng” thu hút như vậy thì cũng bất cập, sẽ có chỗ khác trả cao hơn và người đó cũng lại tiếp tục đi theo tiếng gọi khác”, ông Nguyễn Minh Quang, chia sẻ.

BOX: Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2011-2012, đội ngũ GV cơ hữu của tất cả các cơ sở GDĐH trong cả nước là 84.109 người. Số lượng GV có trình độ trên đại học là 45.512 người. Mặc dù vậy, quy mô đội ngũ GV vẫn còn khiêm tốn so với tốc độ tăng quy mô đào tạo. Tỉ lệ đội ngũ GV có trình độ tiến sĩ hoặc có chức danh khoa học còn thấp. Hiện toàn ngành chỉ có 286 GV có chức danh giáo sư (0,5%), 2009 phó giáo sư (3,37%), 8.519 tiến sĩ (14,27%) và 28.037 thạc sĩ (47,0%).
theo giaoducthoidai.vn
 
×
Quay lại
Top