Vạn Lý Trường Thành có công dụng gì không?

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Có, nhưng có lẽ không phải theo cách ta tưởng.

Dù Vạn Lý Trường Thành đã giúp Trung Quốc phòng thủ trước những trận chiến, nhưng công trình này không phải là bất khả xâm phạm. Ảnh: yangna/Getty Images.

Dù Vạn Lý Trường Thành đã giúp Trung Quốc phòng thủ trước những trận chiến, nhưng công trình này không phải là bất khả xâm phạm. Ảnh: yangna/Getty Images.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng kéo dài 2 thiên niên kỷ để bảo vệ biên giới phía bắc của Trung Hoa. Công trình bao gồm những bức tường chạy song song nhau. Nhìn tổng thể, Vạn Lý Trường Thành trải dài 21.000 kilomet, dài hơn một nửa chu vi Trái Đất. Nhưng những bức tường rộng lớn với chiều cao trung bình 7,8 mét này có thực sự giúp Trung Quốc chống lại các thế lực bên ngoài không?

Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào cách ta định nghĩa thành công và thất bại của bức tường này. Người Trung Hoa đã xây dựng nên một kiệt tác kiến trúc phòng thủ. Dù những binh sĩ Trung Hoa canh gác biên giới chắc hẳn đã có công lớn trong việc ngăn chặn những cuộc tấn công của giặc ngoại xâm, nhưng Vạn Lý Trường Thành chắc chắc không phải là một công trình bất khả xâm phạm. Nói cách khác, Vạn Lý Trường Thành không phải lúc nào cũng bảo vệ được Trung Hoa.

Tuy vậy, Vạn Lý Trường Thành là một công trình phô trương sự giàu có, chuyên môn kiến trúc và năng lực thi công của đế chế Trung Hoa. Trên bình diện này, công trình đã hoàn toàn đạt được mục đích và vẫn còn có giá trị, vì Đảng Cộng Sản nắm quyền đã xem bức tường là biểu tượng của lòng ái quốc.

Người Trung Hoa bắt đầu xây dựng những bức tường ở phương bắc xa xôi vào khoảng năm 700 TCN, nhưng đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất những chiến quốc để trở thành đế chế đầu tiên vào năm 221 TCN thì Vạn Lý Trường Thành mới thực sự khởi công. Ông đã chỉ đạo tầng lớp nông dân kết nối những pháo đài sẵn có để bảo vệ đế chế mới của mình khỏi những bộ lạc man di vùng Mông Cổ, theo Britannica. Những hoàng đế sau đó đã mở rộng và củng cố bức tường ra xa hơn, thêm vào những tháp đèn hiệu có thể thắp sáng để gửi tin về những trận đột kích sắp diễn ra. Đến những năm 1300, bức tường đã bắt đầu giống với diện mạo ngày nay.

Vạn Lý Trường Thành đã giúp đế chế Trung Hoa có thời gian chuẩn bị cho các cuộc xâm lược, kéo dài thêm thời gian quý báu để quân lực Trung Hoa hành binh. Công trình này cũng được dùng để dụ quân kẻ thù vào những tình huống éo le, theo sách “Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc: Từ lịch sử đến huyền thoại” (NXB Đại học Cambridge, 1990) của giáo sư ngành quan hệ quốc tế Arthur Waldron thuộc khoa lịch sử tại Đại học Pennsylvania. Ví dụ, vào năm 1428, một tướng lĩnh Trung Hoa đã ép được quân Mông cổ đến bức tường, đàn áp kẻ ngoại xâm không đường rút lui và đánh bại chúng.

Nhưng Vạn Lý Trường Thành không an toàn tuyệt đối. Bức tường nằm trơ trọi, ban đầu nó được dùng để củng cố phòng thủ ở những nơi địa thế ít hiểm trở hơn để binh lính đi qua, và trong một số trường hợp, kẻ xâm lược chỉ cần hành quân vòng qua một số khu vực. Tuy nhiên một trong những thất bại tai tiếng nhất của bức tường đã khiến cả một triều đại thống trị chấm dứt.

“Công trình không giúp ích gì cho những người có công xây bức tường nhiều nhất là nhà Minh khỏi mối đe doạ lớn nhất của họ, người Mãn Châu ở đông bắc,” giáo sư lịch sử và văn học Trung Quốc hiện đại Julia Lovell tại Đại học Birkbeck, London cho biết. Một vị tướng Trung Hoa bất mãn với thời cuộc đã mở cổng thành để quân Mãn Châu tràn vào. Quân Mãn Châu sau đó đã lập nên nhà Thanh năm 1644, kéo dài đến năm 1912.

Vì thất bại ê chề ấy, vào thế kỷ 19 nhiều người Trung Quốc đã coi Vạn Lý Trường Thành là “một trò hề chiến lược tốn kém,” Lovell cho biết.

Nhận thức tiêu cực này tồn tại trong một thời gian khá dài. “Tầng lớp bình dân đã phải bỏ sức lao động trong nhiều năm để xây dựng Vạn Lý Trường Thành, nhưng công trình lại trở thành một biểu tượng quyền lực cho sự áp bức của chính quyền hoàng đế,” giáo sư danh dự Louise Edwards của khoa lịch sử Trung Quốc tại Đại học New South Wales, Australia cho biết. Nhưng sau đó nó được trùng tu năm 1912 khi cuộc cách mạng dân tộc lật đổ vị hoàng đế nhà Thanh cuối cùng diễn ra và thành lập nên một đất nước cộng hoà. Vì không có quốc vương, những lãnh đạo mới đã tìm nhiều cách để thống nhất một đất nước rộng lớn với nhiều nền văn hoá khác nhau. “Họ tìm kiếm những biểu tượng ở khắp nơi để tạo ra bản sắc dân tộc mới,” Edwards cho biết.

Vạn Lý Trường Thành, một trong những công trình xây dựng lớn nhất thế giới do những người dân Trung Hoa chăm chỉ xây dựng nên, là ví dụ điển hình cho thành tựu đạt được khi đồng tâm hợp lực. “Công trình có một chút tô điểm để PR,” Edwards nhận định. Khi phía cộng sản nắm quyền năm 1949, câu chuyện tượng tự đã xảy ra với hệ tư tưởng chính trị của họ. Sự thành công thời hiện đại của bức tường nằm ở giá trị biểu tượng tương tự này. “Ý nghĩa biểu tượng của toàn bộ công trình là rất quan trọng. Đây mới là quyền uy thực sự và lâu dài của Vạn Lý Trường Thành,” Edwards nói.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Live Science)
 
Vạn Lý Trường Thành được xây vào thời điểm mà Trung Quốc chưa là một khối thống nhất như hiện tại, mà bị xẻ ra thành nhiều nước nhỏ hơn.
 
×
Quay lại
Top