Xây dựng sản phẩm và những sai lầm thường gặp của startups

Tuổi Trẻ 24

Tuoitre24.vn - Đào Tạo Khởi Nghiệp
Thành viên thân thiết
Tham gia
10/2/2014
Bài viết
345
Quả thực, việc có một sản phẩm sáng tạo mang tính đột phá rất khó, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và “độ điên” của tác giả.
sai-lam-1-2.jpg.aspx


Không phải lúc nào muốn là có ngay một thứ có thể làm chao đảo thế giới, đến Newton còn cần quả táo rơi để phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn. Nhưng, cái khác biệt tôi muốn đề cập ở đây không phải là cái gì quá to tát, cũng không phải là sáng tạo đột phá, chỉ là một cách nhìn nhận sản phẩm khác đi.

Trở lại câu hỏi phía trên, bạn nghĩ tại sao có vô số các startup, các clone (bản sao) lại bị đè bẹp hoặc tự chết trong khi họ tuyên bố rằng mình có sự khác biệt, vượt trội hơn so với các sản phẩm khác?

Theo tôi, đó là do sự sai lầm trong việc xây dựng, hay nói cách khác là việc xác định giá trị cốt lõi và định hướng cho tương lai của sản phẩm. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa như kế hoạch marketing, nguồn vốn,… nhưng những gì tôi muốn nói là về bản thân sản phẩm. Các startup thường nhầm tưởng giữa chức năng và giá trị cốt lõi: chức năng khác biệt không có nghĩa là giá trị cốt lõi cũng vậy.

Giá trị cốt lõi của sản phẩm – là lý do mà nó tồn tại, là những gì nó mang lại cho người dùng. Vì vậy, cho dù chức năng có khác biệt đến đâu, nếu không có sự đổi mới, sáng tạo trong cốt lõi, sản phẩm của bạn cũng chỉ giống như bao cái khác. Lấy ví dụ: bạn có một sản phẩm chia sẻ ảnh cho phép người dùng drag and drop để upload ảnh cũng không khác là bao so với những trang cho phép select ảnh theo cách phổ thông, và bạn sẽ dần chìm vào quên lãng. Chức năng khác biệt không nói lên điều gì cả.

Nhưng nếu cũng sản phẩm đó, bạn cho phép người dùng có thể up nhiều ảnh một lúc thì nó lại hoàn toàn khác. Lúc này sản phẩm của bạn tạo ra để giúp người dùng tiết kiệm thời gian, đơn giản trong việc upload và chia sẻ. Giá trị cốt lõi của bạn đã khác so với những sản phẩm cùng loại, và chắc chắn, bạn sẽ có một chỗ đứng trong lòng người dùng.

Tôi đã từng đọc, từng chứng kiến rất nhiều startup thất bại, ngay cả bản thân cũng được người khác chỉ ra những sai lầm trong cách chúng tôi đang xây dựng sản phẩm và tôi có thể rút ra được 3 sai lầm trong việc tạo ra sự khác biệt khiến cho sản phẩm của bạn bị chìm nghỉm:

Sai lầm trong việc lựa chọn khách hàng đối tượng. Khách hàng – hay nói cách khác là người dùng – là yếu tố quyết định sản phẩm của bạn. Việc bạn chọn sai khách hàng mục tiêu cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tự tay bóp chết sản phẩm của mình. Đến đây, chắc hản nhiều người sẽ thắc mắc “Thế nào là sai?”

  • Nhắm đến khách hàng không có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bạn. Bạn thấy các sản phẩm khác có lượng người dùng đông đảo, tích cực, bạn nghĩ rằng sản phẩm của mình cũng như vậy. Bạn bắt đầu phát triển sản phẩm để tranh giành những khách hàng này. Đây chính là mấu chốt: Họ dùng sản phẩm kia vì họ cần nó, không phải bạn. Nên nhớ bạn đang phát triển sản phẩm có giá trị cốt lõi khác xa so với cái kia, vì vậy phân khúc khách hàng của bạn sẽ khác so với các sản phẩm khác. Tại sao bạn nghĩ những người muốn mua hàng chất lượng, nhanh gọn, ít rủi ro lại sử dụng trang web chuyên về các món đồ giá rẻ của bạn?
  • Nhắm đến đối tượng khách hàng quá rộng lớn. Việc nhắm đến quá nhiều đối tượng khách hàng sẽ khiến các sản phẩm mất trọng tâm, khiến cho từng khách hàng một sẽ rời xa bạn. Bạn không thể đáp ứng tốt nhu cầu của tất cả vì mỗi phân khúc khách hàng lại có những yêu cầu khác nhau. Hơn nữa, việc kiểm soát nhiều phân khúc khách hàng là điều cực kì khó khăn nếu bạn không có một đội ngũ thật sự mạnh.
Trên đây chỉ là 2 sai lầm trong việc chọn khách hàng mục tiêu mà tôi thấy nên đề cập tới, và nó không phải là hoàn toàn đúng. Nếu bạn có thể có được một sản phẩm thực sự mang tính đột phá, nó sẽ tự hút “mọi loại người dùng” cho bạn, và việc tìm kiếm khách hàng không còn làm bạn đau đầu nữa.

Sai lầm trong việc lựa chọn thị trường. Việc lựa chọn thị trường để cho sản phẩm tung hoành có ảnh hưởng rất lớn tới việc nó có được chấp nhận rộng rãi hay không. Một trong những sai lầm thường thấy nhất là chọn sai thị trường, mà cái tôi muốn đề cập đến ở đây là việc chọn những thị trường đã, đang có các sản phẩm khác chiếm lĩnh để triển khai sản phẩm. Lấy ví dụ như thị trường mạng xã hội của Việt Nam, Facebook vẫn đang làm mưa làm gió, hầu hết những người sử dụng mạng xã hội nước ta đều chọn Facebook, khi mới gặp nhau sẽ hỏi ngay về Facebook, có chuyện gì cũng mang lên Facebook. Nếu không có nhu cầu về công việc hay cái gì đó tương tự, chẳng mấy ai sử dụng Twitter, Google plus,… Tôi biết cái cảm giác khi bạn có một ý tưởng sẽ như nào, bạn cảm thấy ý tưởng của bạn có thể quật ngã mọi đối thủ. Cứ cho là có thể thế đi, vậy tại sao cứ phải chui vào đánh nhau với đối thủ vốn đã có nguồn lực mạnh mẽ để tranh dành thị trường? Chưa cần biết bạn có thể quật ngã được ai hay không, nhưng nếu làm như vậy bạn sẽ rất khó khăn. Để ấp một quả trứng thành gà đã tốn rất nhiều công sức, để giữ cho quả trứng an toàn khỏi các tác động bên ngoài khiến bạn còn mệt hơn gấp 10 lần!

Đi tìm lời giải cho bài toán đã có quá nhiều đáp án. Hay nói cách khác, tạo ra sản phẩm để giải quyết nhu cầu vốn đã được đáp ứng. Bạn nghĩ sản phẩm của mình ưu việt hơn, có nhiều điểm nổi bật hơn so với các đối thủ, vậy nên bạn có thể đáp ứng nhu cầu tốt hơn. Nhưng thực tế đã chứng minh, sẽ chẳng có ai sử dụng cách giải của bạn cả. Bạn nghĩ tại sao? Bản chất của con người là lười biếng và thường e dè với những thứ mới (không phải tất cả, nhưng là đa số). Khi họ sử dụng một sản phẩm, tức là họ đã tìm được lời giải cho bài toán nhu cầu của mình, bạn thuyết phục họ sử dụng giải pháp của mình trong 1 rừng sản phẩm khác, người dùng sẽ cảm thấy choáng ngợp! Và lúc lúc này sự lười biếng sẽ thúc giục họ trung thành với giải pháp cũ. Người dùng sẽ so sánh hai sản phẩm, hai giải pháp nhưng sự rụt rè sẽ khiến họ luôn đứng về phía sản phẩm họ đang chọn. Mọi người đều muốn an toàn.

Bạn có thể thấy tất cả những sai lầm trên đều có một điểm chung: chúng đều bắt nguồn từ việc xác định giá trị cốt lõi của sản phẩm chưa thật sự khác biệt, và điều này dẫn tới kết quả tất yếu: startup của bạn bị chìm nghỉm, không một ai đếm xỉa tới, không một cái phao cứu sinh.
 
×
Quay lại
Top