Chữa vết bầm tím theo cách tự nhiên

Ánh Minh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2017
Bài viết
1.322
Vết bầm tím là một vùng mạch máu đứt vỡ, thường do va đập hoặc tác động mạnh nhưng không rách da. Máu rỉ ra từ các mạch máu bị vỡ, chảy xung quanh các mô tổn thương và gây ra các vết thâm trên da có màu sắc từ đen, vàng đến đỏ. Diện tích của vết bầm tím có thể tùy thuộc vào mức độ chấn thương và lực tác động lên vết thương. Bất cứ mô nào có mạch máu đều có thể bị bầm tím, bao gồm da, cơ và xương. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, và bạn có nhiều cách đơn giản để chăm sóc vết thương theo cách tự nhiên.

Phương pháp 1: Sơ cứu vết bầm tím

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-1-Version-2.jpg

1. Chườm đá

Ngay sau khi bị thương và nghĩ rằng vết thương sẽ bầm tím, bạn hãy chườm túi đá lên chỗ bị va đập. Liệu pháp này sẽ giúp máu chảy chậm lại và giảm viêm. Bọc túi đá trong mảnh vải thay vì đắp trực tiếp lên da để tránh bị bỏng lạnh. Bạn cũng nên hạn chế thời gian đắp túi đá trên da, vì điều này có thể gây kích ứng da hoặc tụt huyết áp.

Bạn cũng có thể bọc đá viên trong khăn hoặc dùng túi rau củ đông lạnh nếu không có sẵn túi đá. Túi đậu hoặc các loại rau củ đông lạnh khác cũng rất hiệu quả, vì chúng có thể uốn theo hình dạng của cơ thể. Sau khi chườm, bạn có thể đông lạnh lại và tiếp tục sử dụng như túi đá. Đừng ăn thực phẩm trong túi nếu chúng đã bị rã đông hoàn toàn.

Nếu mắt bị bầm tím, bạn có thể dùng miếng bò bít tết đông lạnh để chườm.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-2-Version-2.jpg

2. Băng vùng bị bầm tím

Bạn có thể dùng băng ép (băng chun) băng xung quanh vùng bị bầm tím để giảm lượng máu và dịch có thể rỉ ra. Đừng băng quá chặt.

Nhớ tháo băng sau 1-2 tiếng. Máu bị hạn chế lưu thông trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe.

Nếu vết bầm tím bị sưng, bạn nên cố gắng nâng vùng có vết thương cao hơn mức tim.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-3-Version-2.jpg

3. Sử dụng cây kim sa (arnica)

Nếu thích liệu pháp vi lượng đồng căn hơn, bạn có thể dùng kim sa. Kim sa là một loài thực vật thuộc họ cúc, có công dụng chữa bầm tím cũng như bong gân và đau cơ. Kim sa được sử dụng để hạn chế bầm tím và giảm đau, ngoài ra nó còn giúp vết thương mau lành. Sản phẩm này có bán dưới dạng viên nén, kem hoặc gel.

Uống 3-5 viên nén sau khi bị bầm tím, càng sớm càng tốt. Bạn có thể tiếp tục uống kim sa mỗi ngày để chữa vết bầm tím, nếu cần.

Kem hoặc gel kim sa có thể thoa ngoài da hàng ngày nếu da không bị rách. Kim sa bôi lên vùng da rách sẽ gây xót. Bạn có thể thử dùng các thương hiệu như Nelson’s Arnica Cream và Boiron’s Arnicare, thường có bán ở các hiệu thuốc lớn.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-4-Version-2.jpg

4. Làm thuốc đắp bằng lá mùi tây

Bạn có thể dùng lá mùi tây làm thuốc đắp để chữa vết bầm tím. Trong mùi tây có hàm lượng cao vitamin A vốn giúp ích cho quá trình đông máu. Dùng số lượng lá mùi tây khô đủ để đắp kín vết bầm tím. Để các lá mùi tây khỏi rã khi ngâm nước, bạn có thể lấy chiếc tất ni lông sạch dài đến đầu gối, nhét lá mùi tây vào phần ngón chân hoặc bàn chân của tất, tùy vào kích thước của vết bầm. Buộc kín tất và ngâm phần có lá mùi tây vào nước cây phỉ, sau đó vắt bớt nước và đắp lên vết bầm. Trải đều lá mùi tây trên vết bầm tím.
Đắp phương thuốc này trong 30 phút, mỗi ngày 2 lần.
Thuốc đắp mùi tây chỉ có thể sử dụng lại một lần nữa, do đó hàng ngày bạn phải làm lại mẻ thuốc mới.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-5.jpg

5. Uống vitamin C

Một số người dễ bị bầm tím do thiếu vitamin C. Một chế độ ăn giàu vitamin C sẽ giúp nâng cao sức đề kháng chống lại tình trạng bầm tím. Vitamin C cũng giúp tăng sức bền thành mạch máu. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như hoa quả họ cam quýt. Bạn cũng có thể uống thực phẩm bổ sung vitamin C có bán rộng rãi ờ các hiệu thuốc và các cửa hàng bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Việc tăng lượng vitamin K nạp vào cũng giúp giảm bầm tím vì nó giúp cải thiện quá trình đông máu.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-6.jpg

6. Thử sử dụng tinh dầu

Có một số loại tinh dầu hữu ích cho việc chữa vết bầm tím. Bạn hãy pha vài giọt tinh dầu với một loại dầu dẫn như dầu dừa hoặc dầu jojoba và thoa trực tiếp lên vết bầm tím. Lượng tinh dầu cần dùng tùy thuộc vào kích thước của vết bầm. Xoa dầu vào vết bầm tím mỗi ngày ít nhất 1 lần. Vết bầm sẽ lành trong vòng 1-2 tuần. Có một số loại thảo mộc giúp chữa lành vết bầm tím như:
Cỏ ban (St John’s wort)
Liên mộc (Comfrey)
Cỏ thi (Yarrow)
Mã đề (Plantain)
Cúc xu xi/Cúc vạn thọ

Phương pháp 2: Hiểu về tình trạng bầm tím

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-7.jpg

1. Biết các giai đoạn của vết bầm tím

Các vết bầm tím có thể mất nhiều ngày đến vài tháng mới biến mất. Các giai đoạn hồi phục vết bầm tím bao gồm:
Ngày 1: Máu xuất hiện dưới da khiến vùng da có màu đỏ.
Ngày 1-2: Vết bầm tím bắt đầu chuyển màu tím - xanh đậm hơn khi hemoglobin, chất vận chuyển ô xy trong máu, chuyển thành màu sậm hơn.
Ngày 5-10: Vết bầm bắt đầu chuyển thành màu hơi vàng hoặc xanh.
Ngày 10-14: Khi bắt đầu lành, vết bầm dần dần nhạt màu hơn, chuyển thành nâu vàng hoặc nâu nhạt, cuối cùng sẽ biến mất.

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-8.jpg

2. Điều trị vết bầm tím do sử dụng thuốc

Nếu bạn đang uống thuốc chống đông tụ (thuốc làm loãng máu) như Warfarin, Coumadin, aspirin, Heparin, Rivaroxaban/Xarelto, hoặc Dabigatran/Pradaxa, các vết bầm tím có thể nghiêm trọng hơn so với trước khi bạn bắt đầu uống thuốc. Nguyên nhân là vì một phần của quá trình bầm tím là tình trạng máu không đông chảy ra khỏi các mạch máu bị vỡ. Thuốc làm loãng máu ngăn chặn hoặc ức chế quá trình đông máu, do đó sẽ phải mất thời gian dài hơn để máu ngừng chảy.

Bạn có thể thực hiện các phương pháp được khuyến nghị trong khi uống các thuốc trên, nhưng hãy liên lạc với bác sĩ nếu vết bầm tím lan rộng hoặc nếu đau hoặc sưng nhiều.

3. Biết rằng một số tình trạng sức khỏe dễ dẫn đến bầm tím

Khi chúng ta già đi, da sẽ mỏng hơn và có thể mất đi lượng mỡ bảo vệ giữa da và các mạch máu khiến dễ bị bầm tím hơn. Bên cạnh yếu tố tuổi tác, một số bệnh lý cũng có thể liên quan đến tình trạng dễ bị bầm tím, chẳng hạn như:
Mức tiểu cầu thấp (tiểu cầu là các tế bào máu có vai trò giúp máu đông bình thường)
Tiểu cầu bất thường
Sự mất cân bằng của các protein vốn giúp máu đông
Các bệnh lý như bệnh bạch cầu, hội chứng Cushing, bệnh thận, bệnh gan, hoặc suy dinh dưỡng

Phương pháp 3: Khi nào cần được điều trị y tế

aid1066837-v4-728px-Care-for-a-Bruise-Naturally-Step-9.jpg

1. Đến gặp bác sĩ nếu vết bầm tím đau hoặc sưng bất thường

Hầu hết các vết bầm tím sẽ nhanh chóng được cải thiện khi được nghỉ ngơi, chườm đá, băng ép và nâng cao. Tuy nhiên, nếu vết bầm tím sưng, đau nhiều hoặc không đỡ khi đã dùng các phương pháp điều trị tại nhà, bạn hãy gọi cho bác sĩ. Các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một khối tụ máu (cục máu đông lớn) hình thành ở vùng bầm tím.
Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nếu vùng bị bầm tím tiếp tục đau sau khi chấn thương 3 ngày, đặc biệt nếu vết thương có vẻ tương đối nhẹ.

2. Liên lạc với bác sĩ nếu vết bầm tím không lành trong 2 tuần

Hầu hết các vết bầm đều sẽ lành hoặc đỡ hơn trong vòng 1-2 tuần. Nếu vết bầm tím không cải thiện đáng kể trong thời gian này, bạn hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ có thể khám vết bầm và xác định xem liệu có vấn đề tiềm ẩn nào nghiêm trọng hơn không.

Một vết bầm tím không lành có thể là dấu hiệu cho thấy có vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rối loạn đông máu.

3. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị bầm tím thường xuyên hoặc không rõ nguyên nhân

Nếu bạn dễ bị bầm tím, các vết bầm thường rất lớn hoặc đau hoặc chúng xuất hiện mà không biết nguyên nhân từ đâu, hãy đi khám để bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ có thể xác định liệu có bệnh lý tiềm ẩn nào gây ra vấn đề không.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bị bầm tím nghiêm trọng hoặc không giải thích được kèm theo xuất huyết bất thường ở mũi hoặc nướu.

Cho bác sĩ biết về các loại thuốc và thực phẩm bổ sung bạn đang uống, tiền sử gia đình về bệnh rối loạn đông máu, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.

4. Tìm sự chăm sóc y tế trong trường hợp mắt bầm tím kèm các vấn đề về thị lực hoặc chảy máu.

Nếu bạn bị bầm tím quanh mắt, hãy cảnh giác với các triệu chứng nghiêm trọng khác như mắt nhìn mờ, nhìn một thành hai, hoặc đau dữ dội bên trong hoặc xung quanh mắt. Nếu thấy xuất hiện bất cứ triệu chứng nào trên đây, bạn hãy tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu thấy vết bầm tím lan sang mắt bên kia.

Dịch bởi Kênh Sinh Viên
Nguồn: WIKIHOW​
 
mình cũng hay bị bầm tím da, cảm ơn đã chia sẻ bài viết bổ ích.
 
×
Quay lại
Top