Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX Nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp Hà Nội(6)

Meika

Thành viên
Tham gia
26/12/2023
Bài viết
8
VII​

Cho đến lúc đó mọi việc diễn ra khá trôi chảy trong cái tu viện rộng mênh mông có trên ba trăm phụ nữ thóc mách cư trú ấy ; không một ai trông thấy, nghe thấy gì cả. Nhưng, bà trưởng tu viện đã đưa cho bác sĩ mấy nắm tiền vàng mới đúc ở sở tiền Rômơ. Bác sĩ đã đưa một số cho vợ anh thợ làm bánh mì. Chị này thì xinh xắn và anh chồng chị thì lại hay ghen ; anh ta lục lọi trong kho của chị và thấy mấy đồng tiền đỏ ối ấy ; tưởng đó là tiền thanh toán vết nhục của mình, anh ta kề dao vào cổ vợ buộc chị phải khai mấy đồng vàng kia từ đâu ra. Sau ít lời quanh co, chị vợ thú nhận sự thật và như vậy là họ hòa giải với nhau. Rồi hai vợ chồng bàn đến việc sử dụng số tiền ấy. Chị vợ muốn trang trải mấy món nợ ; nhưng anh chồng cho rằng tốt hơn hết là mua một con la. Ý kiến ấy liền được thực hiện. Con la gây tai tiếng trong xóm phố ; chả là ai cũng biết cặp vợ chồng ấy rất nghèo. Tất cả các bà lắm điều trong thành phố, bạn lẫn thù, lần lượt đến hỏi dò vợ anh thợ bánh mì tay tình nhân hào phóng nào đã biệt đãi chị đến mức có đủ tiền để tậu một con la. Chị vợ phát cáu, đôi lúc nói toạc sự thật. Một hôm, Xêđa đen Bênê đi thăm đứa bé về, đến gặp nữ trưởng tu viện để cho bà biết tình hình, mặc dù rất khó ở, bà cũng lê tới cửa song sắt để khiển trách anh ta về sự thiếu kín nhiệm của những người mà anh ta sử dụng. Về phía giám mục, ông sợ quá, phát ốm ; ông viết thư cho các anh em của ông ở Milăng để cho biết việc tố cáo không đúng về mình. Ông yêu cầu họ đến cứu ông. Mặc dù đang cảm nặng, ông cũng quyết định rời khỏi Caxtrô ; nhưng trước khi lên đường, ông viết thư cho bà trưởng tu viện :

< Chắc bà biết việc xảy ra đã trở thành chuyện bàn tán công khai. Như vậy, nếu bà quan tâm cứu vớt không những tiếng tăm của tôi mà có lẽ là cả tính mệnh của tôi nữa, và để tránh một tai tiếng nặng nề hơn, bà có thể đổ cho Giăng Baptixtơ Đôlêri vừa qua đời mấy hôm ; bằng cách ấy, nếu bà không phục hồi được danh dự của bà thì ít ra danh dự của tôi sẽ không bị vướng vất.

Giám mục gọi Đông Luigi, cha xưng tội ở nhà tu kín thành Caxtrô và nói :

- Cha hãy đưa thư này tận tay bà trưởng tu viện.

Bà trưởng tu viện, sau khi đọc mảnh thư bỉ ổi ấy, kêu lên trước mặt tất cả những người đang ở trong phòng :

< Những trinh nữ điên loạn ưa chuộng cái đẹp của th.ân thể hơn cái đẹp của tâm hồn xứng đáng được đối xử thế đấy. >

Tiếng đồn về tất cả những gì xảy ra ở Caxtrô nhanh chóng đến tai giáo chủ Fácaedơ ghê gớm (ông tự gán cho mình cái tính danh ấy từ mấy năm nay vì ông hy vọng được các giáo chủ thuộc phái cứng rắn ủng hộ trong cuộc hội bầu giáo hoàng sắp tới. Lập tức ông hạ lệnh cho tổng trấn thành Caxtrô bắt giám mục Xitađini. Tất cả đầy tớ của ông này, sợ bị tra khảo, kéo nhau chạy trốn. Chỉ có mỗi Xêda đen Bênê, trung thành với chủ và thề rằng thà anh chết trong nhục hình chứ sẽ không thú nhận bất cứ điều gì có hại cho chủ. Xitađini thấy bị cảnh vệ bao vây quanh lâu đài, lại viết thư cho các anh em của ông và các vị này vội vã từ Milăng đến. Họ thấy ông bị giam giữ ở nhà tù Rôngxiliôn.

Tôi nhận thấy trong cuộc thẩm vấn đầu tiên bà trưởng tu viện thú nhận tội lỗi của mình nhưng chối mọi quan hệ ăn nằm với đức giám mục ; bà khai kẻ tòng phạm của bà là cho Giăng Baptixtơ Đôlêri, luật sư của tu viện.

Ngày 9 tháng 9 năm 1573, đức giáo hoàng Grêgoa XIII hạ lệnh tiến hành xử vụ án một cách khẩn trương và hết sức nghiêm khắc. Một quan tòa hình sự, một ủy viên công tố và một đặc phái viên liền đi đến Caxtrô và Rôngxiliôn. Xêđa đê Bênê, đệ nhất hầu phòng của giám mục chỉ thú nhận đã ẵm một em bé đến nhà một bà vú nuôi. Người ta hỏi cung anh trước mặt hai bà Victoa và Becna. Người ta tra tấn anh hai ngày liền, anh ta đau đớn một cách kinh khủng, nhưng trung thành với lời hứa, anh chỉ thú nhận những gì không thể chối được và như vậy ủy viên công tố không khai thác được gì cả.

Đến lượt các bà Victoa và Becna, các bà đã chứng kiến những đòn tra tấn mà Xêđa phải chịu đựng, nên thú nhận hết những việc các bà đã làm. Tất cả các nữ tu sĩ đều bị hỏi về tên của người gây nên tội ác ; phần lớn khai là đã nghe phong phanh đó là đức giám mục. Một bà xơ gác cổng thuật lại những lời lăng nhục mà bà trưởng tu viện nói với giám mục khi đuổi ông này ra khỏi nhà thờ. Bà xơ nói thêm :

< Khi người ta nói với nhau với cái giọng ấy thì rõ ràng là người ta đã chung chạ với nhau từ lâu rồi. Chả thế mà đức giám mục thường khiến người ta chú ý về tính tự cao quá đáng của ngài lại có vẻ tiu nghỉu khi đi ra khỏi nhà thờ >.

Một nữ tu sĩ được hỏi cung trước các dụng cụ tra tấn khai rằng chính con mèo là thủ phạm vì bà trưởng tu viện luôn luôn ôm nó trong lòng và không ngừng vuốt ve nó. Một nữ tu sĩ khác quả quyết là chính gió đã gây nên tội ác, chả là những ngày có gió, bà trưởng tu viện tỏ ra thích thú và hòa nhã, bà hóng gió trên một vọng lâu xây dựng với mục đích ấy ; ở nơi đó, mỗi lúc có người đến xin ban ân huệ gì,không bao giờ bà từ chối. Chị vợ anh làm bánh mì, bà vú nuôi, các bà bép xép ở Môngtơfiaxcôn, khiếp đảm trước những đòn tra tấn Xêđa mà họ được mục kích đã khai tất cả sự thật.

Vị giám mục trẻ tuổi ốm, hoặc giả vờ ốm ở Rôngxiliôn đã tạo cớ cho các anh em của ông, được thế lực và phương tiện tác động của phu nhân Căngpirêli hỗ trợ, nhiều lần đến quỳ dưới chân giáo hoàng yêu cầu ngài hoãn việc tố tụng đến ngày giám mục hồi phục ; trước tình hình đó vị giáo chủ Facnedơ nghiệt ngã liền tăng quân số canh gác giám mục ở nhà tù. Vì không thể hỏi cung giám mục, các ủy viên công tố bắt đầu các buổi thẩm vấn bằng việc tiếp tục tra tấn bà trưởng tu viện. Một hôm, trong khi mẹ bà sai người đến khuyên bà giữ vững can trường và tiếp tục chối tất cả thì bà lại thú nhận tất cả.

- Tại sao lúc đầu bà lại quy tội cho Giăng Baptixtơ Đôlêri ?

- Vì thương hại giám mục quá hèn nhát ; vả lại nếu ông ta cứu vãn được cuộc sống quý hóa của ông ta thì ông ta sẽ chăm sóc được con trai tôi.

Sau lời thú nhận ấy, người ta giam bà trưởng tu viện trong một căn phòng ở tu viện thành thành Caxtrô, có tường và vòm dày gần ba thước ; các nữ tu sĩ chỉ nói về cái ngục tối ấy với giọng khiếp đảm, và người ta thường gọi nó là buồng tu kín ; có ba phụ nữ được bố trí chuyên canh giữ nữ tù nhân.

Khi sức khỏe giám mục bắt đầu hồi phục, ba trăm cảnh sát và lính đến robot bắt ông, và khiêng ông trên cáng đến Rômơ người ta đưa ông vào nhà tù Cortê Savenla. Ít hôm sau, các nữ tu sĩ cũng được đưa tới Rômơ, bà trưởng tu viện được dẫn vào nhà tu kín Xanhtơ Mactơ. Có bốn nữ tu sĩ bị buộc tội: bà Victoa và bà Becna, bà xơ phụ trách tháp gác và bà xơ gác cổng, người đã nghe thấy những lời bà trưởng tu viện xỉ vả ông giám mục.

Một quan chức cao cấp ngành tư pháp đặc trách hỏi cung giám mục. Người ta lại đưa Xêđa đen Bênê ra tra tấn ; không những anh ta không thú nhận gì cả, mà còn nói những điều làm phật ý viện công tố do đó anh ta lại bị tra tấn một bận nữa. Khổ hình mào đầu ấy cũng được thi hành đối với các bà Victoa và Becna. Giám mục chối tất cả một cách dại dột, nhưng hết sức kiên trì ; ông thuật lại rất chi tiết những việc ông đã làm trong ba tối rõ ràng là có ở bên cạnh bà trưởng tu viện.

Cuối cùng, người ta đối chất bà với giám mục ; và, mặc dù bà một mực nói lên sự thật, người ta vẫn tra tấn bà. Do bà luôn lặp lại những điều bà đã khai trong lần thú tội đầu tiên, giám mục, bền bỉ trong vai trò của ông, đã lăng mạ bà.

Sau mấy biện pháp phải lẽ về căn bản nhưng quá tàn bạo, - tinh thần này, sau các triều Sáclơ Canh và Philip II thắng thế trong quá nhiều trường hợp tại các tòa án Ý- giám mục bị kết tù chung thân tại lâu đài Xanhtơ Ănggiơ ; bà trưởng tu viện lĩnh án chung thân cầm cố trong tu viện Xanhtơ Máctơ, nơi bà đang bị giữ.

Nhưng để cứu sống con gái, phu nhân Căngpirêli đã cho đào một đường ngầm. Đường ấy xuất phát từ một cái cống, từ thời đại La mã huy hoàng xưa còn lại, và có thể dẫn tới một hầm mộ sâu, nơi đặt di hài các nữ tu sĩ nhà Xanhtơ Mắctơ, đường ngầm ấy rộng khoảng bảy tấc, có vách bằng ván dựng bên phải và bên trái để ngừa đất lở và cứ đi tới đâu thì họ làm ở đó một cái vòm bằng hai tấm ván đặt châu vào nhau như hai cánh cửa một chữ A hoa.

Người ta đào con đường ngầm ấy độ sâu khoảng mười thước. Điều cốt yếu là đào cho đúng hướng ; chốc chốc lại vấp phải nền móng của những kiến trúc cũ buộc thợ đào phải chuyển hướng đi vòng. Một khó khăn lớn khác là không biết làm thế nào để xử lý đất đào lên ; hình như đất ấy ban đêm được rải rắc trên khắp các đường phố Rômơ. Người ta ngạc nhiên về khối lượng đất lớn có thể nói là từ trên trời trút xuống ấy.

Mặc những khoản tiền lớn mà phu nhân Căngpirêli đã tung ra hòng cứu con gái, đường ngầm của bà hẳn đã bị phát hiện, nhưng giáo hoàng Grêgoa XIII qua đời năm 1585, và cảnh rối loạn bắt đầu ngự trị khi chiếc ngai bỏ trống.

Người ta gây quá nhiều phiền hà cho Hêlen ở nhà tu Xanhtơ Máctơ ; việc những nữ tu sĩ bình thường và nghèo tìm hết cách để làm bực tức bà trưởng tu viện rất giàu và bị quy kết là phạm một tội ác tày đình dường kia, cũng dễ hiểu. Hêlen sốt sắng chờ đợi kết quả công việc mà mẹ nàng xúc tiến.

Nhưng bỗng nhiên nàng có những xúc cảm kỳ lạ. Đã sáu tháng nay, thấy tình hình sức khỏe bấp bênh của Grêgoa XIII, và có nhiều dự định muốn thực hiện trong thời gian khuyết ngôi, Frabixơ Côlonna đã phái một bộ trưởng đi gặp Giuyn Brăngxifoóc, bây giờ đã nổi tiếng trong các binh đoàn Tây-ban-nha dưới danh hiệu đại tá Lizara. Ông gọi chàng về Ý ; chàng cũng nôn nóng trở về quê hương với một tên giả. Chàng cặp bến ở Pexcara, một bến cảng nhỏ trên bờ biển Ađriatich phía dưới Setti, trong dãy núi Abrudơ, và theo hướng núi đến Pêtrenla. Nỗi vui mừng của hoàng thân khiến mọi người ngạc nhiên. Ông nói với Giuyn là ông cho gọi chàng về để chàng trở thành người kế vị của ông và trao cho chàng quyền chỉ huy quân đoàn của ông. Brăngxifoóc trả lời là về mặt quân sự, công cuộc đó không còn giá trị gì nữa và chàng chứng minh một cách dễ dàng : nếu Tây-ban-nha thực sự muốn thì trong vòng sáu tháng, với rất ít tổn phí họ sẽ phá tan đội quân nhân giang hồ của Ý.

- Nhưng dù thế nào, Brăngxifoóc nói tiếp, nếu hoàng thân muốn, tôi sẵn sàng hành động. Ngài sẽ luôn luôn tìm thấy ở tôi, người kế tục sự nghiệp của Ranuyxơ hy sinh ở Xiăngpi.

Trước khi Giuyn trở về, hoàng thân đã ra lệnh, như ông thường biết ra lệnh, là không một ai trong rừng Pêtrenla được đả động đến Caxtrô và vụ án mà trưởng tu viện, triển vọng tử hình đối với bất cứ lời bép xép nào cũng là chắc chắn, không có trường hợp miễn xá. Trong khi tiếp đón Brăngxifoóc một cách hết sức thân tình, ông đề nghị chàng đừng đi Anbanô nếu không có ông cùng đi và cách du hành của ông tới đó là cho một nghìn quân chiếm cứ thị trấn, và bố trí một nghìn hai trăm người trên đường đi Rômơ. Chúng ta hãy tưởng tượng tâm trạng của chàng Giuyn tội nghiệp khi thi khi hoàng thân bảo ông cụ Xcôtti (đang còn sống) và hoàng thân đã cho gọi đến ngôi nhà ông đặt đại bản doanh lên căn phòng ông và Giuyn ở đấy.

Khi hai người quen thân ôm chầm lấy nhau, thì hoàng thân bảo :

- Bây giờ tội nghiệp thay ! đại tá hãy chờ cái gì tồi tệ nhất !

Nói xong, ông thổi tắt cây nến, khóa chặt cửa lại, gian chân hai người bạn trong phòng và đi ra.

Hôm sau, không muốn ra khỏi phòng, Giuyn sai người đến xin phép hoàng thân trở lại khu rừng Pêtrenla, và vắng mặt với ông trong ba ngày. Nhưng người ta đến báo cho chàng biết là ông đã biến mất cùng với đoàn quân của ông. Trong đêm, ông đã được tin Grêgoa XIII qua đời ; ông quên đứt người bạn Giuyn của ông để đi lùng khắp miền. Xung quanh Giuyn chỉ còn khoảng ba mươi lính thuộc đại đội Ranuyxơ cũ. Người ta thừa biết vào thời ấy, trong khi ngôi trời vắng chủ, thì luật pháp cũng hóa câm, mọi người lo thỏa mãn dục vọng của mình, và chỉ còn sức mạnh là có sức mạnh, do đó, chưa trọn ngày, hoàng thân Côlonna đã cho treo cổ hơn năm mươi kẻ thù. Về phần Giuyn, mặc dù có quân số không đến bốn mươi, chàng cũng cứ tiến về Rômơ.

Tất cả đầy tớ của bà trưởng tu viện thành Caxtrô đều trung thành với bà ; họ đã đến cư trú trong những nhà nghèo ở gần tu viện Xanhtơ Mactơ. Cơn hấp hối của Grêgoa XIII kéo dài hơn tuần lễ, phu nhân Căngpirêli nóng lòng chờ đợi những ngày hỗn loạn tiếp sau lúc giáo hoàng qua đời, để cho bắt tay vào năm mươi bước cuối của con đường ngầm. Do phải vượt qua mấy hầm rượu dưới những ngôi nhà có người ở, bà rất lo không giấu được đoạn kết thúc công trình của bà.

Hai hôm sau ngày Brăngxifoóc đến Pêtrenla, ba bộ hạ cũ của Giuyn mà Hêlen trước kia tuyển dụng, dường như phát điên. Mặc dù ai cũng biết rất rõ là nàng bị giam trong một phòng tuyệt đối bí mật và có mấy nữ tu sĩ thù ghét canh gác cẩn mật, Uygôn, một trong ba gia binh đến cổng nhà tu và van nài một cách khác thường để được phép gặp bà chủ của anh ta, gặp ngay tức khắc. Anh ta bị đẩy lùi và tống ra cửa. Trong cơn thất vọng, anh ỳ ra ở đấy, rồi phân phát một xu cho mỗi nhân viên nhà tu đi ra hoặc đi vào, nói rõ ràng với họ : Bạn hãy chia vui với tôi ngài Brăngxifoóc đã trở về, ngài đang còn sống ; hãy loan báo tin này với các bạn khác.

Suốt ngày, hai bạn của Uygôn mang tiền đến cho anh, và họ không ngừng phân phát, không ngừng lặp lại những lời trên, cho đến khi không còn một đồng nào. Tuy vậy, họ vẫn thay phiên nhau túc trực ở cổng tu viện Xanhtơ Mactơ, và không ngớt vừa nói vừa long trọng cúi chào : Ngài Giuyn đã trở về !

Ý định của những người trung hậu ấy đã mang lại kết quả : chưa đầy ba mươi sáu tiếng đồng hồ sau khi họ phát đồng xu đầu tiên, Hêlen tuy bị canh giữ nghiêm ngặt trong ngục tối sâu thẳm, vẫn biết được là Giuyn đang còn sống ; cái tin ấy khiến nàng như phát cuồng lên.

- Trời ơi ! Mẹ ! nàng kêu lên, mẹ làm khổ con biết chừng nào !

Mấy giờ sau, cô Marietta bé nhỏ đến xác nhận cái tin lạ ấy. Bằng cách hy sinh tất cả đồ trang sức bằng vàng của mình, cô bé đã được đi theo bà xơ đối ngoại chuyên mang cơm vào cho tù nhân. Hêlen sung sướng khóc òa lên và ôm chầm lấy Marietta, nói :

- Thật là tuyệt diệu ! Nhưng cô sẽ không còn ở lâu với em đâu !

- Tất nhiên ! Marietta đáp. Em tin rằng cuộc họp bầu giáo hoàng này chưa kết thúc, cô cũng đã được chuyển từ nhà tù này đến một nơi phát vãng thông thường rồi.

- Trời ! Em thân mến, được gặp lại Giuyn ! mà gặp lại khi cô là kẻ có tội.

Giữa đêm thứ ba sau cuộc gặp gỡ ấy, một phần nền nhà thờ tụt xuống gây nên một tiếng động lớn ; các tu sĩ ở tu viện Xanhtơ Mactơ tưởng là nhà tu sắp sụp đổ. Cảnh hỗn độn lên đến cực điểm, mọi người kêu có động đất. Một giờ sau khi cái nền cẩm thạch của nhà thờ tụt xuống, phu nhân Căngpirêli, có ba thủ hạ cũ của Hêlen đi trước, từ đường ngầm đi vào buồng giam.

< Thắng lợi ! Thắng lợi rồi ! Thưa bà ! > ba thủ hạ kêu lên.

Hêlen sợ điếng người. Nàng tưởng có Brăngxifoóc cùng đi với họ. Nàng lại bình tĩnh và nét mặt của nàng trở nên nghiêm nghị, sau khi họ nói là chỉ có phu nhân đi với họ, và Giuyn chỉ mới vào Anbanô, mà chàng vừa chiếm cứ vùng này với mấy nghìn lính.

Sau giây lát chờ đợi, phu nhân Căngpirêli xuất hiện ; bà bước đi một cách khó nhọc, quàng tay viên hầu cận của bà, viên này mặc đại phục và đeo kiếm cạnh sườn, nhưng bộ áo lộng lẫy của anh ta bê bết đất. Phu nhân kêu lên :

- Ôi Hêlen yêu quý ! Mẹ đến cứu con đây !

- Nhưng ai nói với bà là tôi muốn được cứu ?

Phu nhân Căngpirêli sửng sốt ; bà giương to mắt nhìn nàng và tỏ ra vô cùng bối rối. Cuối cùng bà nói :

- Này Hêlen yêu quý của mẹ, số kiếp bắt mẹ phải thú nhận một hành động thường tình sau những tai họa đến với gia đình chúng ta xưa kia, nhưng ngày nay mẹ thấy hối hận và mong con tha thứ cho mẹ, Giuyn Brăngxifoóc... còn sống....

- Và chính vì chàng còn sống mà tôi không muốn sống !

Thoạt đầu, phu nhân Căngpirêli không hiểu con gái mình muốn nói gì, sau đó bà van nài nàng bằng những lời âu yếm nhất ; nhưng Hêlen không trả lời ; nàng đã quay lại cái thánh giá của nàng và cầu nguyện, chứ không để tai nghe bà. Trong suốt một giờ, phu nhân Căngpirêli cố gắng hết sức mình để có được một lời đáp hoặc một cái nhìn của con gái, nhưng bà không đạt được kết quả. Cuối cùng,Hêlen bực mình nói :

- Các bức thư của chàng giấu ở dưới chiếc đế bằng cẩm thạch của cây thánh giá này, trong căn buồng nhỏ của tôi ở Anbanô. Lẽ ra phải để cho cha tôi đâm chết tôi cho xong ! Bà hãy đi ra đi và để một ít vàng lại cho tôi !

Phu nhân Căngpirêli muốn tiếp tục thuyết phục con gái, mặc dù viên hầu cận của bà tỏ vẻ hoảng sợ. Hêlen sốt ruột :

- Ít nhất là bà phải để cho tôi được tự do một giờ đồng hồ chứ ? Bà đã đầu độc đời tôi, bà còn muốn cho tôi chết cay chết đắng nữa ư ?

- Chúng ta còn làm chủ con đường ngầm này hai ba giờ nữa ; mẹ chỉ dám mong con nghĩ lại ! Phu nhân trào nước mắt kêu to lên.

Rồi bà trở xuống con đường ngầm.

- Uygôn, bác ở lại với tôi ! Hêlen nói với một trong ba thủ hạ ; và bác phải vũ trang đầy đủ vì có lẽ phải bảo vệ tôi. Cho tôi xem kiếm ngắn, kiếm dài, dao găm, của bác.

Người lính già đưa ra cho Hêlen xem những vũ khí ấy đang còn tốt nguyên.

- Này nhé, bác hãy đứng ngoài buồng giam của tôi ; tôi sẽ viết cho Giuyn một bức thư dài mà chính bác sẽ đưa tận tay chàng. Tôi không muốn thư ấy qua tay người nào khác không phải là bác, vì tôi không có gì để niêm phong lại. Bác có thể đọc hết bức thư. Bác bỏ vào túi tất cả số vàng mẹ tôi vừa để lại, riêng tôi chỉ cần năm mươi đồng, bác hãy để số tiền ấy trên gi.ường tôi.

Nói xong, Hêlen bắt đầu viết.

< Em không nghi ngại gì về tấm lòng của anh, anh Giuyn thân yêu : em ra đi là chỉ vì em biết em sẽ chết đau chết khổ trong tay anh, bởi sẽ thấy hạnh phúc của em lớn dường nào nếu em không phạm một tội lỗi. Nghe vậy anh đừng vội tưởng rằng em đã có yêu một người nào khác trên cõi đời này sau khi yêu anh ; khác hẳn thế, lòng em tràn đầy một niềm khinh bỉ gớm ghê đối với con người mà em cho chung chạ. Lỗi lầm của em chỉ ở tâm trạng buồn chán, hoặc muốn nói là tính phóng đãng thì cũng được. Anh nên biết cho rằng trí óc của em suy yếu nhiều lắm từ cái vụ vận động hoài công ở Pêtrenla, nơi hoàng thân-người mà em tôn sùng

vì được anh yêu mến- tiếp em xiết bao tàn nhẫn ; anh nên biết cho rằng, em nói lại, trí óc của em đã quá suy yếu còn bị bao vây bởi mười hai năm dối trá. Tất cả những gì quanh em cũng đều là giả dối và lừa lọc, em vốn biết. Lúc đầu em nhận được khoảng ba mươi bức thư của anh. Anh hãy tưởng tượng xem em phấn khởi thế nào khi bóc những bức thư đầu ! Nhưng đọc thư, tim em giá lạnh. Em xem kỹ lại tuồng chữ thì thấy đúng là bàn tay anh, nhưng không thấy lòng anh. Anh nên biết cho rằng vụ dối trá đầu tiên ấy đã làm rối loạn phần tinh túy trong con người em, đến nỗi khiến cho em không thấy thích thú gì nữa mỗi khi bốc một phong thư mang nét chữ của anh ! Tin báo đáng căm ghét về cái chết của anh đã hoàn thành việc thủ tiêu những gì còn lại trong lòng em về cái thời hạnh phúc trong tuổi thanh xuân của chúng ta. Ý định đầu tiên của em, hẳn là anh thừa hiểu, là đi đến xem và sờ vào bãi biển Mêhicô ; nơi mà người ta bảo anh bị thổ dân hạ sát ; giá em thực hiện ý định ấy thì hẳn ngày nay chúng ta sung sướng bao nhiêu ! bởi ở Mađrit, dù bọn gián điệp do một bàn tay cảnh giác rải rác quanh em có đông đặc và khôn khéo đến bao nhiêu đi nữa, cũng có phần chắc là em hẳn đã biết được sự thật ; bởi vì về phía em, hẳn em cũng đã được nhiều người quan tâm, tất cả những người mà tâm hồn còn có một chút trắc ẩn, một chút nhân từ ; cũng bởi vì, anh Giuyn của em ơi, những chiến công oanh liệt của anh ngay từ lúc đó đã làm cho thế giới chú ý vào anh và có thể một kẻ nào đó ở Mađrit biết rằng chính anh là Brăngxifoóc. Anh có muốn em nói cái gì đã cản trở hạnh phúc của đôi ta không ? Trước hết là ký ức về sự tiếp đãi tệ bạc và lăng nhục của của hoàng thân đối với em ở Pêtrenla ; lại còn biết bao là trở ngại dữ dội cần phải đương đầu từ Caxtrô đến Manđrit ! Anh thấy đấy, tâm hồn em đã không còn sức bật lúc ban đầu ! Rồi tư tưởng hiến danh lại hiện đến. Em đã cho cất những tòa nhà lớn trong chu vi tu viện, để có thể lấy làm buồn riêng của em cái buồng của bà xơ tiếp tân mà anh nấp vào trong đêm đánh nhau. Một hôm em đăm nhìn mảnh đất thấm những giọt máu mà xưa kia anh đã đổ ra vì em ; em nghe một câu nói khinh bỉ, em ngẩng đầu lên và em nhìn thấy những bộ mặt ác cảm ; để trả thù, em muốn được làm tu viện trưởng. Mẹ em, vốn biết là anh còn sống, đã có những hành động táo bạo để đạt được sự bổ nhiệm kỳ quặc ấy. Địa vị đối với em chỉ là một nguồn phiền lụy ; nó hoàn thành việc làm hư hỏng tâm hồn em ; em thích thú khẳng định quyền uy của em, lắm khi bằng việc gây tai hại cho kẻ khác ; em đã làm những điều bất công. Vào tuổi ba mươi, em thấy em được thiên hạ coi là người đạo đức và giàu có, được trọng vọng, tuy nhiên lại là người hết sức bất hạnh. Chính lúc ấy con người đáng thương hại kia xuất hiện, hiền lành vô cùng, nhưng cũng lại là hiện thân của ngu ngốc. Sự ngu ngốc ấy khiến em không xét nét với những lời chuyện trò ban đầu của y. Tâm hồn em đã quá ư đau khổ vì tất cả những gì vây h.ãm em kể từ khi anh bước chân ra đi, cho nên nó không đủ sức chống lại một cám dỗ nhỏ nhặt nhất. Em có nên thú nhận với anh một điều quá sỗ sàng không nhỉ ? Nhưng em lại nghĩ rằng người ta chẳng chấp gì đối với một con người đã quá cố. Khi anh đọc những dòng chữ này, thì dòi bỏ cũng đã bắt đầu gặm nhấm những cái gọi là vẻ đẹp đáng lẽ chỉ dành cho anh. Tóm lại, em cần phải nói cái điều làm em khổ tâm ấy : em tự hỏi tại sao em lại không làm tình một cách thô bạo như tất cả các bà mệnh phụ La mã kia ? Em chợt có tư tưởng hưởng lạc ; nhưng em chưa bao giờ hiến thân cho con người ấy mà không cảm thấy tởm lợm, chán chường, do đó chẳng có lạc thú gì. Em luôn luôn cảm thấy có anh ở bên cạnh em, trong vườn của hai ta tại khu lâu đài ở thị trấn Anbanô, khi Đức Mẹ truyền cho anh một hứng cảm có vẻ cao quý, nhưng cùng với mẹ em đã làm nên tai họa của đời ta. Anh không uy hiếp em, anh vẫn trìu mến âu yếm và hiền từ như thường lệ ; anh nhìn em ; hồi tưởng cảnh ấy, có lúc em nổi nóng với cái người kia, đến nỗi dùng hết sức lực mình đánh đập hắn. Đấy là tất cả sự thật, anh Giuyn thân yêu ạ ! em không muốn từ giã cõi đời này mà không nói điều đó với anh, và em cũng nghĩ rằng có thể câu chuyện tâm tình em được nói với anh đây sẽ làm tiêu tan mọi ý định chết chóc của em. Nghĩ thế, em càng thấy rằng giá em giữ mình trong sạch, xứng đáng với anh thì ngày nay được gặp lại anh, em sẽ sung sướng bao nhiêu ! Em truyền bảo anh phải sống, phải tiếp tục sự nghiệp quân nhân đã gây cho em bao nỗi vui mừng khi được biết những chiến quả của anh. Trời ! cuộc đời của chúng ta đã như thế nào nhỉ, nếu em có nhận được những bức thư của anh nhất là sau trận Aken ! Anh phải sống và luôn nhớ đến Ranuyxơ bị giết ở núi Xiăngpi và Hêlen, đã chết ở nhà thờ Xanhtơ Mactơ vì không đành nhìn thấy một tiu trách móc ở đôi mắt của anh >

Viết thư xong, Hêlen đi lại gần bác lính già và thấy bác đang ngủ ; nàng lấy thanh kiếm ngắn của bác mà bác không hay, rồi nàng đánh thức bác dậy.

- Tôi viết thư xong rồi, nàng nói, tôi e những kẻ thù của chúng ta chiếm mất đường hầm. Đi lấy bức thư của tôi ở trên bàn nhanh nhanh lên và tự tay bác phải đưa cho Giuyn, tự tay bác, bác nghe chưa ? Ngoài ra, trao các khăn tay của tôi đây cho chàng. Bác hãy nói với chàng là bây giờ tôi vẫn yêu chàng như bất cứ bao giờ, mãi mãi, bác nghe cho rõ nhé !

Uygôn đứng yên chứ không đi.

- Bác đi đi chứ !

- Thưa bà, bà nghĩ kỹ chưa ? Ngài Giuyn yêu bà biết chừng nào !

- Tôi cũng vậy, tôi yêu chàng. Thôi, lấy thư đi và tự tay bác trao thư nhé.

- Thế thì cầu Chúa ban phúc cho bà, bà nhân hậu quá !

Uygôn đi ra rồi trở lại rất nhanh ; bác tìm thấy Hêlen đã chết ; cây đoản kiếm đã xuyên vào tim nàng.

HUỲNH LÝ dịch​
 
×
Quay lại
Top