Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố

Tham gia
14/4/2013
Bài viết
6
Nhà văn Ngô Tất Tố đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn học đồ sộ. Ngoài ra, còn nhiều tác phẩm báo chí đa dạng và rất phong phú như phóng sự, tiểu phẩm, tản văn v.v….
NXB Thông tin và Truyền thông vừa ấn hành Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố dày 1.200 trang. Công trình nghiêm túc này này do TS. Cao Đắc Điểm - Ngô Thị Thanh Lịch thực hiện.
Không chỉ công phu sưu tập, nhóm biên soạn còn viết lời đề dẫn rất chi tiết nhằm nêu bật những cống hiến to lớn cũng như những đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức của ngòi bút tản văn Ngô Tất Tố: “Cụ Tố đã sống trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt, đầy biến động của dân tộc ta, giữa buổi giao thời của toàn xã hội Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ trước, khi trên cả đất nước liên tiếp diễn ra sự đối đầu một mất một còn giữa cái cũ và cái mới, sự cọ xát cực kỳ quyết liệt giữa truyền thống với những yếu tố ngoại lai, sự đan xen thôn tính lẫn nhau giữa quá khứ và hiện tại. Nếu nói báo chí và văn học là tấm gương phản chiếu thời đại thì quả thực là cụ Tố để lại cho chúng ta khối lượng rất lớn những tư liệu, những thông tin, những cảm nhận thời cuộc, cả những thông điệp xử thế có ý nghĩa dài lâu, giúp chúng ta có thể nhận ra nhiều chiều hơn, nhìn ra rõ hơn những lợi thế cũng như những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt giữa thời mở rộng giao lưu, hội nhập và toàn cầu hoá hôm nay”.

ngotatto.jpg
Đọc Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, ta thấy lý thú cho dù sự việc thời sự đã qua, bởi giọng văn trào phúng, biếm nhẽ và linh loạt. Chẳng hạn đây là bài “Bà ấy chỉ hiểu lầm một câu truyện Kiều”. Nguyên văn như sau:
“Bạn gái Hà thành, nhất là những vị tín nữ của thuyết tự do giá thú, chắc đương chau mày, nghiến răng, bất bình thay cho cuộc gả bán của cô Đoàn Thị Tuệ. Cô Tuệ là một nữ nghệ sĩ của gánh hát Nhật Tân, có tài hát lại có cả tài diễn kịch. Trong khi theo gánh hát ấy đi diễn trò khắp các tỉnh Bắc kỳ, cô ấy nổi tiếng là một đào giỏi. Vậy mà xuân xanh chưa có bao nhiêu. Có người bảo rằng cô ấy mới 13 tuổi. Đó là người ta muốn cho cô ấy thêm vẻ ngây thơ. Kỳ thực, nữ nghệ sĩ ấy năm nay đã vừa tới tuần cập kê. Nghĩa là bằng tuổi cô Kiều trong lúc bắt đầu gặp chàng Kim Trọng. Và về sự phát triển của đường tình, cô Tuệ cũng không thua gì cô Kiều. Cái người đã được cô ấy để vào mắt xanh và đương cố đóng vai Kim Trọng là một học sinh trường tư, hiện ở với chị tại phố Hàng Nón Hà Nội.
Không hiểu đá biết tuổi vàng từ bao giờ, lâu rồi hay mới. Người ta chỉ biết cô cậu đã nặng lời thề thốt, nhất định cùng nhau tạc một chữ đồng đến xương. ác nghiệt là cái bà mẫu của cô. Bà ấy cũng như Thúc ông, cố tình nghiến răng bẻ chữ đồng làm đôi. Là vì có ông chuyên "xếp chỗ ngồi cho khách" ở rạp Hiệp Thành cũng hỏi cô Tuệ làm vợ. Không rõ vợ chính hay vợ thứ. Chừng như thích phường trò hơn là học trò, nên bà Vũ Thị Định mới tựa vào công mang nặng đẻ đau, bắt cô Tuệ phải bỏ người tình mà lấy cái người "không tình". Cố nhiên cô Tuệ không thuận. Cố nhiên bà Định vẫn cố ép uổng.
Nhưng, những sự đó chỉ là việc bất thường trong các gia đình nửa mới nửa cũ. Cái lạ là thứ hình phạt của bà mẫu kia đã dùng để phạt cô Tuệ. Không đánh, không đập, không cần đến thủ đoạn phũ phàng. Bà ấy đưa tuột cô Tuệ vào làng Đồng Quang, phủ Thường Tín, cái làng quê mình. Rồi thì bà ta nhốt luôn cô ấy vào buồng và đóng thật chặt các cửa. Sợ cô ấy còn có thể trốn, bà Định lại dùng xích sắt xích chân con gái vào chân mình nữa. Nhiều người thấy vậy cho rằng vị hiền mẫu ấy đã xử với con một cách tàn nhẫn. Nhưng mà xét cho kỹ ra, có lẽ nó không tàn nhẫn tý nào, chẳng qua bà ta cũng chỉ vì hiểu lầm một câu Truyện Kiều mà thôi.
Cuốn Kiều chẳng có chỗ nói: "Buộc chân tôi cũng xích thằng nhiệm trao" à? Chắc là bà đó cho rằng "xích thằng" tức là xích sắt, nên mới dùng nó "trao" cho con gái. Nhưng sao bà ta lại không xích cô Tuệ vào chân ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành, mà lại xích vào chân mình. Chỗ đó cũng khó hiểu một chút. Đáng lẽ bữa nay là ngày cô Tuệ phải xích về nhà ông "xếp chỗ ngồi" của rạp Hiệp Thành. Vì lệnh bà mẫu cô ấy giục phải cưới đi, kẻo chậm nữa, e rằng xích không giữ nổi. Nhưng, cậu học sinh Hàng Nón còn đi trình Cẩm, và nhờ các nhà đương sự can thiệp, không rõ tấn tuồng đã diễn đến cảnh gì rồi.
Dù cho diễn đến cảnh nào đi nữa, thì cô Tuệ cũng không thể vượt quyền bà mẫu kết duyên với cậu học sinh Hàng Nón, nếu như bà ấy không thuận. Bởi vì xứ này không phải là chỗ để chứa những quyền tự do của cá nhân, dầu nó là quyền tự do về sự giá thú. Chẳng thế mà quyển Bắc kỳ dân luật đã cho chúng ta hiểu rằng: con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, đều phải do người gia trưởng làm chủ hôn.
Thế nhưng, nói dại đổ đi, nếu cô Tuệ vì tuyệt vọng về đường nhân duyên mà phải sống khác với tình, thì chẳng có ai bị tội về cái án đó! Nếu thế thì ai giết người?”.
Ngoài hàng ngàn bài báo viết dưới dạng tản văn đề cập đến các vấn đề xã hội, nhóm biên soạn còn xử lý một số hình ảnh quý giá trong bộ ảnh tư liệu gia đình của nhà văn để minh họa cho những nội dung được nêu trong cuốn sách. Điều này làm cho tác phẩm tăng thêm phần giá trị.
Đọc Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, ta có thể khẳng định rằng, di sản báo chí của Ngô Tất Tố, trong đó có tản văn trở thành những tư liệu phong phú, phản ánh toàn diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.
 
×
Quay lại
Top